Lời cảnh báo từ game nhập vai bạo lực
Cập nhật lúc 17:50, Thứ năm, 11/06/2020 (GMT+7)
Tham gia các trò chơi nhập vai bạo lực, người chơi sẽ được thực hành các cảnh dùng vũ khí bắn, giết các nhân vật y như thật. Những người không chơi thì xem video quay lại quá trình chơi của game thủ - cũng đầy cảnh bạo lực...
Trẻ em tiếp cận Internet thông qua điện thoại di động - Ảnh: Q.Đ.
Gần đây trên YouTube xuất hiện rất nhiều cảnh game Việt hóa gây tò mò như "Cảnh sát 113 tăng cường tuần tra sau vụ án giết hiệp sĩ". Bối cảnh đoạn video có vẻ là ở nước ngoài nhưng các chiến sĩ cảnh sát lại được thiết kế đồ họa với trang phục giống cảnh sát Việt Nam. Thậm chí xe cảnh sát cũng có thêm dòng chữ "Cảnh sát 113" tiếng Việt. Và đây chỉ là một tập trong rất nhiều tập video quay lại quá trình chơi game Grand Theft Auto V của một game thủ Việt trên kênh YouTube riêng của mình.
Hàng trăm video khác của game thủ này cũng quay lại những cảnh nhập vai với nhiều cảnh bạo lực khác nhau, mà chỉ cần xem qua tiêu đề cũng khiến người xem phải tò mò: Cướp ngân hàng ký gửi hơn 200 tấn vàng, Vận chuyển tù nhân Khá Bảnh sang nhà tù mới bị giang hồ chặn cướp, Grab chở anh giang hồ đi ăn cưới và cái kết, Cảnh sát 113 phối hợp cảnh sát cơ động triệt phá ổ mại dâm.
Nếu trước đây là các trò chơi cho phép người dùng điều khiển qua các thao tác chuột và bàn phím máy tính thì nay đã có thiết bị cho họ "lọt" hẳn vào trong bối cảnh trò chơi, thực hiện các thao tác như nhân vật trong trò chơi. Nếu tham gia các trò chơi nhập vai bạo lực, người chơi sẽ được thực hành các cảnh dùng vũ khí bắn, giết những nhân vật y như thật như các game Arizona Sunshine, Porn, Gorn...
Điều đáng lo ngại hơn: sự lan tỏa ảnh hưởng của các trò chơi trên không chỉ trực tiếp với bản thân người chơi mà còn với những người chỉ... thích xem video trên YouTube, Facebook. Đó là nhờ các đoạn video quay lại quá trình chơi của game thủ và được họ chia sẻ. Từ đó nội dung các trò chơi trên dễ dàng lan đến đông đảo người dùng Internet, từ người chơi game đến cả những người chỉ thích xem video.
Thậm chí một đoạn video giới thiệu sản phẩm kính thực tế ảo chỉ có một đoạn ngắn quay lại cảnh người dùng thử chơi game nhập vai đấu võ đài. Nội dung chính của video là giới thiệu các tính năng sản phẩm, nhưng một ví dụ nhỏ về ứng dụng cũng đã chứa đựng những cảnh đánh đấm bạo lực.
Tất nhiên những loại game có cảnh bạo lực hay video nêu trên đều chỉ cho người đủ tuổi (thường từ 16 trở lên) mới được chơi, được xem, nhưng không có nghĩa là những người ở độ tuổi nhỏ hơn không xem được vì chỉ căn cứ vào việc khai báo khi lập tài khoản của người dùng. Các đoạn video trên YouTube hay Facebook mặc dù được phân loại tương đối rõ ràng theo các cấp độ tuổi, nhưng cũng như không vì trẻ cũng có thể khai báo như người lớn.
Theo khảo sát "Tiếng nói trẻ em Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SCI) thực hiện với sự tham gia của 1.692 trẻ em Việt Nam từ 11 đến 16 tuổi ở 7 tỉnh, thành: * Cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ có thiết bị kết nối Internet (điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng...). Trẻ em tiếp cận Internet nhiều nhất thông qua điện thoại thông minh cá nhân (57,8%), máy tính ở nhà (45,9%), điện thoại di động của người thân (45,3%), ngoài quán Internet (13,5%). * 80,8% trẻ em nói rằng cha mẹ hoặc người thân biết trẻ sử dụng Internet; 50,4% trẻ em chia sẻ việc mình có tiếp cận Internet với cha mẹ, người thân và 30,4% cha mẹ, người thân chủ động kiểm soát việc tiếp cận Internet của trẻ; có 4% trẻ giấu không cho cha mẹ, người thân biết mình có sử dụng Internet. * Một nửa số trẻ em tham gia khảo sát cảm thấy thoải mái khi cha mẹ, người thân biết hoạt động trên mạng Internet của mình. Các em tham gia thảo luận nhóm cho biết cảm thấy thoải mái vì người lớn sẽ hiểu trẻ hơn hoặc có thể giúp đỡ trẻ khi trẻ cần. Tuy nhiên, cũng có một tỉ lệ không nhỏ (26,5%) không thấy thoải mái khi cha mẹ, người thân biết mình sử dụng Internet, cho rằng "việc kiểm soát đó là vi phạm quyền riêng tư". |
Theo congnghe.tuoitre