|
|
Học sinh Trung Quốc hào hứng với chương trình Bữa ăn miễn phí. |
Chương trình này đã đạt được nhiều thành tựu tại các quốc gia châu Á.
Sáng kiến Bữa trưa miễn phí
Từ năm 2011, Trung Quốc phát động Sáng kiến Bữa trưa miễn phí cho trẻ em (FLC) trong bối cảnh học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải chịu đói vì gia đình quá nghèo. Sau hơn 10 năm, hơn 40 triệu học sinh đã được hưởng lợi từ chương trình này.
Ông Ren Chunrong, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc, cho biết: “Sáng kiến đã bảo vệ tính bình đẳng xã hội. Đồng thời, nó giúp trẻ em thoát khỏi nạn đói, suy dinh dưỡng và cho phép phụ huynh dành nhiều thời gian để cải thiện thu nhập gia đình”.
Theo ông Ren, cha mẹ của những đứa trẻ tham gia sáng kiến là nông dân hoặc công nhân nhập cư, những người thường không có thời gian nấu bữa trưa cho con cái do lịch làm việc dày đặc.
Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ tổng cộng 147,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 21,6 tỷ USD) cho dự án trong giai đoạn 2011 – 2019. Khoản trợ cấp được phân phối cho các cơ sở giáo dục địa phương vào đầu mỗi học kỳ dựa trên thống kê số lượng học sinh. Sau khi nhận được khoản tài trợ, các địa phương sẽ đấu thầu công khai để chọn nhà cung cấp thực phẩm. Các cơ sở giáo dục cung cấp thông tin cập nhật về việc sử dụng ngân quỹ, thực đơn cho học sinh, số lượng học sinh và tên của các em mỗi học kỳ.
Ông Wu Daquan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tangtou, tỉnh Quý Châu, cho biết: “Số tiền trợ cấp được chỉ định nhằm cải thiện chế độ dinh dưỡng cho học sinh. Vì vậy, nó phải được chi tiêu một cách cẩn thận. Các trường cần giám sát việc thu mua nguyên liệu và giá nguyên liệu trên thị trường để giữ giá bữa ăn học đường trong biên độ hợp lý”.
Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ mỗi học sinh một suất ăn trưa hàng ngày trị giá 4 tệ (khoảng 14 nghìn đồng). Bộ Giáo dục cho biết do giá cả ở khu vực nông thôn tương đối thấp nên dựa trên chi tiêu tiêu dùng lương thực bình quân đầu người hàng năm ở khu vực nông thôn, mức hỗ trợ này có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực cơ bản của học sinh.
Thầy giáo Wang Long, Hiệu trưởng một trường tiểu học ở thành phố Bijie, tỉnh Quý Châu, chia sẻ: “Với mức trợ cấp hiện tại, nhà trường chuẩn bị cho học sinh ba món ăn và một món canh trong giờ ăn trưa. Bữa ăn có thịt mỗi ngày và không lặp lại thực đơn trong tuần”.
Ngoài ra, để bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh, thầy Wang cho biết, các nhà cung cấp bữa ăn học dường phải chuẩn bị thực đơn dựa trên hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng, đã được văn phòng giáo dục địa phương phê duyệt. Tùy từng thời điểm, các trường sẽ thay đổi thực đơn dựa trên góp ý của học sinh.
Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng bữa ăn, Bộ Giáo dục phối hợp với Cơ quan Quản lý thị trường và Ủy ban Y tế yêu cầu các trường phổ thông tổ chức ăn chung với học sinh. Từ đó, cán bộ quản lý có thể giám sát và đảm bảo chất lượng thực phẩm. Ba đơn vị cũng khuyến khích các trường mời phụ huynh ăn cùng để lấy ý kiến đóng góp.
Ông Liu Jianmei, Phó Giám đốc Văn phòng Giáo dục huyện Yulong, chia sẻ: “Tại địa phương, chúng tôi xây dựng một kế hoạch chi tiết về an toàn thực phẩm. Mỗi trường học đều thành lập các chốt đặc biệt để giám sát việc thu mua nguyên liệu thực phẩm thô, khử trùng đồ bếp, bảo quản thực phẩm và phân phối thức ăn”.
Sau một thập kỷ triển khai sáng kiến, vào tháng 5/2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố báo cáo về thành tựu của dự án. Báo cáo dẫn số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho thấy năm 2019, chiều cao trung bình của nam sinh và nữ sinh ở nông thôn lần lượt tăng 1,54 và 1,69 cm. Cân nặng trung bình tăng lần lượt 1,06 và 1,18 kg, cao hơn mức tăng trung bình của cả nước.
|
|
Học sinh Hàn Quốc ăn trưa trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. |
Chương trình Bữa ăn giữa ngày
Một quốc gia châu Á khác đang đầu tư tích cực cho bữa ăn học đường là Ấn Độ với Chương trình Bữa ăn giữa ngày (MDM), được triển khai từ năm 2001. Chương trình nhằm mục tiêu không để học sinh bị đói, tăng cường số lượng trường học, tỷ lệ đi học, cải thiện xã hội hóa giữa các tầng lớp, giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng và trao quyền cho phụ nữ.
Điều khiến chương trình khác biệt so với các quốc gia trong khu vực là được đưa vào Đạo luật An ninh Lương thực, trong đó khẳng định “việc trẻ em được hưởng các bữa ăn tại trường là một phần của giáo dục”.
Đến năm 2022, MDM, được đổi tên thành PM Poshan và trở thành chương trình nuôi dưỡng học sinh lớn nhất thế giới. Chương trình dành cho trẻ mẫu giáo, học sinh từ lớp 1 - 8. Theo đó, học sinh tiểu học (lớp 1 - 5) và trên tiểu học (lớp 6 - 8) được hưởng 100 gram thịt và 150 gram ngũ cốc mỗi ngày nhằm bảo đảm tối thiểu 700 calo.
Ngoài nguồn tài trợ từ chính phủ, nhiều trường học, đặc biệt ở khu vực khó khăn, nông thôn, miền núi, khuyến khích trồng rau củ. Mô hình “khu vườn trong trường học” cung cấp thêm nguồn thực phẩm dinh dưỡng, miễn phí cho học sinh. Đồng thời, đây cũng là cách dạy trẻ em yêu thiên nhiên, yêu lao động và giá trị của thực phẩm sạch.
Ở một số địa phương chưa có đủ khả năng thực hiện chương trình bữa ăn học đường, trẻ em từ các gia đình giàu có được khuyến khích mang theo hai hộp cơm trưa chia sẻ cho các bạn nghèo. Hoạt động này hoàn toàn tự nguyện. Các cộng đồng địa phương cũng được khuyến khích cung cấp thức ăn cho trẻ em tại lễ hội, buổi giao lưu văn hóa... Đây cũng là cách giúp các em tìm hiểu giá trị của món ăn địa phương.
|
|
Một suất ăn trưa với các món ăn truyền thống tại trường học Hàn Quốc. |
Sau gần 20 năm triển khai, chương trình đã nâng cao trình độ học tập của học sinh Ấn Độ, góp phần làm tăng tỷ lệ trẻ em gái đến trường. Ước tính, hơn 87% trường công lập tại Ấn Độ đang được tài trợ cho chương trình.
Ông Bishow Parajuli, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc tại Ấn Độ, cho biết: Một đứa trẻ đói không thể tập trung học Toán, Tiếng Anh hay bất cứ môn học nào. Khi chương trình lần đầu được triển khai, tôi đã chứng kiến những đứa trẻ nuốt chửng từng thìa thức ăn nóng hổi. Tác động của việc bị đói đối với kết quả học tập của học sinh là không hề phóng đại.
Từ tháng 4/2022, chương trình đã hoạt động trở lại sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch. Tuy nhiên, PM Poshan đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Ở các vùng nông thôn, nhiều trường thiếu nguyên liệu thô như ngũ cốc, đậu lăng. Trong khi đó, tại các thành phố lớn, trường học chưa ký hợp đồng với các bếp ăn phục vụ trẻ em.
Để lấp đầy khoảng trống, nhiều tổ chức phi chính phủ, các nhóm tự lực đang tự phân phối bữa ăn học đường, dẫn đến kết quả không đồng đều. Đơn cử, tại Shankarwadi ở thành phố Mumbai, một số học sinh nhận được bữa ăn miễn phí thông qua “Dạy cho Ấn Độ”, chương trình hợp tác giữa các trường công lập thông qua hình thức đầu tư tư nhân.
Trong khi ở địa phương khác, giáo viên phải bỏ tiền túi để chuẩn bị bữa ăn cho học sinh. Sau đại dịch, nhiều đứa trẻ đến trường trông chờ vào bữa ăn học đường nhưng rồi phải thất vọng khi biết chương trình bị chậm triển khai.
|
|
Nhân viên nhà bếp phát thức ăn cho học sinh thành phố Tương Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc năm 2018. |
Tăng cường giá trị của giáo dục
Còn tại Hàn Quốc, bữa ăn học đường đầu tiên được chuẩn bị vào năm 1953. Đến nay, chương trình này đã có nhiều thay đổi nhằm cải thiện chất lượng và trải nghiệm của học sinh.
Trong hệ thống trường công lập Hàn Quốc, học sinh thường ngồi ăn cùng giáo viên trong cùng một không gian. Điều này phù hợp với văn hóa mang đậm tính cộng đồng tại Hàn Quốc.
Bữa trưa của học sinh thường gồm một món canh, cơm và nhiều món ăn phụ (banchan) như kim chi, củ cải, rau trộn... Không chỉ phục vụ bữa trưa, các trường Hàn Quốc chuẩn bị bữa tối vì nhiều trường tổ chức học phụ đạo vào ban đêm. Nhiều học sinh ở trường từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối.
Đôi khi, nhà bếp cũng thay đổi thực đơn món ăn theo văn hóa phương Tây để tăng trải nghiệm cho học sinh như mì ống, khoai tây nghiền, bánh mì nướng kiểu Pháp... Các bữa ăn thường có kèm sữa, nước trái cây hoặc hoa quả.
Ước tính, tỷ lệ trường học phục vụ bữa ăn học đường tại Hàn Quốc đạt 100% vào năm 2013. 99,6% học sinh được ăn ít nhất một bữa trong ngày tại trường. Tính đến năm 2015, tất cả học sinh tiểu học tại Hàn Quốc được ăn trưa miễn phí. Chuyên gia dinh dưỡng được tuyển dụng và đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai chương trình bữa ăn học đường.
Hàn Quốc đang tiếp tục phát triển các kế hoạch giáo dục dinh dưỡng khác nhau. Mục tiêu chính của bữa ăn học đường và giáo dục dinh dưỡng là cải thiện sức khỏe học sinh, khuyến khích chế độ ăn truyền thống của Hàn Quốc và xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho học sinh.
Nhìn chung, tại nhiều quốc gia châu Á, các chương trình bữa ăn học đường được xây dựng tốt và tài trợ hợp lý, từ đó bảo vệ trẻ em chống lại nạn đói và tăng cường giá trị của giáo dục.
Theo ông Kevin Watkins, cựu Giám đốc điều hành Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Vương quốc Anh (Save the Children), nhiều bằng chứng cho thấy ăn ở trường làm tăng tỷ lệ đi học, giảm tỷ lệ bỏ học và cải thiện kết quả học tập, đặc biệt là với những trẻ em khó khăn.
“Lợi ích của chương trình bữa ăn học đường còn vượt ra ngoài giáo dục và qua các thệ hế. Ví dụ, các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng trẻ em gái được hưởng Chương trình Bữa ăn giữa ngày tại Ấn Độ kết hôn và sinh con muộn hơn các bạn đồng trang lứa, sử dụng nhiều dịch vụ y tế và tỷ lệ sinh con bị thấp còi giảm”, ông Kevin cho biết.
|
Theo GD&TĐ