Tiết dạy hát của cô Thanh Huyền tại trường THCS Hữu nghị Lào

Thấy cô Trần Thị Thanh Huyền đến cửa lớp, cả lớp 6 trường THCS Hữu nghị Lào - Việt (thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet, Lào) bật dậy, nói lớn "Chúng cháu chào cô ạ!". Đặt chiếc loa lên bàn, cô giáo 25 tuổi, quê Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống.

Phía dưới, học sinh trong áo đồng phục trắng, quần đen mở vở âm nhạc. Mở đầu tiết học, cô Huyền cho cả lớp ôn lại bài hát "Món quà tặng cô". Trong tiếng nhạc rộn ràng, cả lớp cất cao lời hát "Lớp em chỉ yêu mình cô mà thôi, bởi vì nhìn cô vừa xinh vừa hiền".

Bài hát "Món quà tặng cô" cô Huyền dạy cho học sinh trước Ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm tăng thêm vốn tiếng Việt cho các em, giới thiệu ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam và bổ sung vốn kiến thức về quê hương cho học trò. Tại Lào, ngày truyền thống ngành giáo dục trước đó một tháng.

Để tri ân thầy cô, cô Huyền cũng dạy cho các em những bài hát Việt như "Thầy cô cho em mùa xuân", "Bụi phấn"... Những tiết học của cô luôn rộn ràng lời ca tiếng hát nên rất được học sinh đón chờ. Ngoài hát, cô còn dạy một số bài múa, nhảy. Những dịp kỷ niệm lớn, cô giáo tổ chức thi vẽ, biểu diễn văn nghệ.

Trong khi đó, tại lớp học ở trường Tiểu học Thống Nhất cách đó không xa, cô Đậu Thị Lệ Hải (quê Cam Lộ, Quảng Trị) đang ghi lên bảng những dòng chữ tiếng Việt để học sinh ghi nhớ, dịch sang tiếng Lào. Bên dưới, học sinh chăm chú nhìn lên bảng rồi chép từ bằng tiếng Lào vào vở.

Cô Huyền và cô Hải là hai trong 10 giáo viên Quảng Trị sang giảng dạy tình nguyện tại tỉnh Savannakhet. Cả hai đã ba năm dạy học trên đất Lào. Trong đó, cô Huyền dạy âm nhạc, hai giáo viên mầm non, còn bảy giáo viên khác dạy tiếng Việt ở cấp tiểu học và THCS.

Một trong năm trường học do Hội người Việt Nam tại Savannakhet quản lý.

Mỗi tuần, học sinh có bốn đến 10 tiết học tiếng Việt. Trong đó, lớp 1-2 là 10 tiết mỗi tuần, lớp 3-5 là 8 tiết mỗi tuần, lớp 6 có sáu tiết. Lớp 9 thi tốt nghiệp môn tiếng Anh nên bớt lại còn bốn tiết tiếng Việt mỗi tuần.Theo các giáo viên, học sinh Việt kiều ở Lào rất ham học tiếng Việt, gần gũi và yêu mến cô giáo đến từ Việt Nam. Việc dạy và học về cơ bản cũng giống Việt Nam. Tại Lào, tiếng Việt được xem là ngoại ngữ thứ hai, sau tiếng Anh. Nội dung giảng dạy theo chương trình Tiếng Việt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cử từ 7 đến 10 giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại tỉnh Savannakhet (Lào). Việc này được thực hiện trên cơ sở hợp tác giữa Sở Giao dục với Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, với sự đồng ý của tỉnh Quảng Trị.

Vào dịp hè hàng năm, Sở Giáo dục thông báo về các huyện thị tuyển giáo viên tình nguyện dạy học tại Lào. Tiêu chí là giáo viên trẻ, nhiệt huyết, giao tiếp tốt, chưa vào biên chế ngành, ưu tiên tốt nghiệp loại giỏi. "Chúng tôi phỏng vấn để chọn được người giỏi nhất, nhằm vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa giữ gìn quan hệ tốt với tỉnh bạn", bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục Quảng Trị, nói.

Ông Trần Sái, Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Savanakhet thông tin, tỉnh có khoảng 750 hộ dân gốc Việt, với 4.000 nhân khẩu. Đa số qua Lào từ bốn đến năm đời trước, 75% đã mang quốc tịch Lào nên con cái của họ cũng khó khăn trong học tập và giao tiếp bằng tiếng Việt.Hết hè, Sở Giáo dục cử đoàn công tác đưa giáo viên sang nước bạn nhận nhiệm vụ. Mỗi người dạy ba năm ở Lào, lương do Hội người Việt Nam ở Savannakhet chi trả. Hết thời gian tình nguyện, các cô giáo được tuyển đặc cách vào biên chế ngành giáo dục Quảng Trị.

Với mong muốn con em được học tiếng Việt do chính giáo viên Việt dạy để giữ gìn gốc gác, Hội đã thành lập bốn cơ sở giáo dục tại Savannakhet, dạy học cho cả Việt kiều và học sinh Lào, gồm: trường mẫu giáo Lạc Hồng, trường tiểu học Thống Nhất, trường tiểu học Nguyễn Trãi và trường THCS Hữu nghị Lào - Việt. Mới đây, TP Kaysone Phomvihane có thêm trường tư nhân tiểu học Hoàng Oanh, dạy mầm non và tiểu học. Hai trường Lạc Hồng và Thống Nhất có lịch sử lâu đời nhất, từ trước và sau năm 1975.

Ngoài ra, tại TP Kaysone Phomvihane, Hội đang xây dựng trường THPT với tổng mức đầu tư 2 triệu USD, do chính phủ hai nước Việt - Lào tài trợ. Trường học này dự kiến khai giảng vào năm học 2019-2020, giúp Hội có đủ các cấp học liên thông từ mẫu giáo đến THPT.

Nhiều năm tham gia giảng dạy tiếng Việt ở Lào, cô Khamphet Anothay, Hiệu phó trường Tiểu học Thống Nhất, cho hay Lào không thiếu giáo viên nói được tiếng Việt học ở Việt Nam về, nhưng được học tiếng Việt từ chính giáo viên Việt Nam vẫn là tốt nhất. Học sinh Việt kiều yêu thích ngôn ngữ và văn hóa Việt. "Qua cấp một rồi lên cấp hai, học sinh tiếp thu tốt, khả năng nói tiếng Việt nâng lên. Các em đều giao tiếp bằng tiếng Việt được", cô nói.Số lượng học sinh tại năm cơ sở gần 900, học phí thu cao hơn mức trung bình của các trường công lập Lào. Hội thuê 50 giáo viên dạy tại các trường học, trong đó có 10 giáo viên Việt Nam do Sở Giáo dục Quảng Trị cử sang, một giáo viên của Bộ Giáo dục, còn lại là giáo viên người Lào, Việt kiều.

Thầy giáo Suphan Xenviset, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thống Nhất cũng đánh giá qua 10 năm góp mặt của giáo viên tình nguyện Quảng Trị, học sinh giờ nói tiếng Việt rất giỏi, được phụ huynh đón nhận và khen ngợi./.

Theo Quehuongonline.vn