|
|
Trong 10 nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo danh tiếng, chỉ có 1 người là nữ - Ảnh: AFP |
Chika Ezure đã phải đối mặt với sự phân biệt giới tính từ gia đình khi quyết định theo học thạc sĩ tại trường đại học hàng đầu Nhật Bản.
Sau khi đến trường, cô nhận ra rằng sự phản kháng mà cô phải đối mặt với tư cách là một phụ nữ là chuyện thường tình.
Xung quanh cô toàn nam giới, khi chỉ có 1 trong 10 nhà nghiên cứu tại Trường đại học Tokyo danh tiếng là phụ nữ. Tỉ lệ sinh viên nữ và nam cũng có sự chênh lệch lớn, nữ giới chỉ chiếm 20%.
Những con số này có lẽ không đáng ngạc nhiên ở Nhật Bản, một quốc gia mà phụ nữ rất hiếm được đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong kinh doanh và chính trị, chỉ 2/20 bộ trưởng trong nội các Nhật là nữ.
Chán ngán với thực trạng này, gần đây, các giảng viên đã phát động một chiến dịch nêu bật những phát biểu phân biệt giới tính mà các sinh viên nữ phải đối mặt, chỉ trích tình trạng mất cân bằng giới tính tại các trường đại học.
Ezure, đang theo học ngành sử dụng công nghệ trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ, đã phải đối mặt với thái độ phân biệt khi nộp đơn xin học khóa học này, ngay cả từ gia đình cô.
"Ba mẹ nói với tôi, con gái đi học cao để làm gì. Họ còn nói, con trai chắc chắn nên nắm bắt cơ hội. Tôi có 1 người anh trai và tôi đã rất sốc khi phát hiện ra rằng họ muốn đầu tư vào anh ấy. Điều đó không công bằng" - nữ sinh viên chia sẻ.
Ezure cho biết sự thiên vị giới tính bắt đầu từ rất sớm trong nền giáo dục Nhật Bản. Một giáo viên dạy thêm từng nói với cô rằng "con gái không cần phải giỏi toán", do đó cô tập trung vào các môn khoa học xã hội, mặc dù rất yêu thích lập trình.
Asuka Ando - nhà nghiên cứu bình đẳng giới tại trường đại học ở Tokyo - chia sẻ: "Tôi đã đọc câu chuyện của những sinh viên vẫn còn bị ám ảnh bởi lối suy nghĩ tiêu cực này, họ đã phải thay đổi con đường sự nghiệp vì chúng. Tôi nghĩ cần phải chấm dứt điều này".
Tình hình ở các trường đại học khác của Nhật Bản cũng không mấy khả quan, một số trường mất cân bằng giới tính rõ nét, tập trung nhiều vào các môn khoa học.
Nhật Bản xếp hạng thấp nhất trong nhóm các nước phát triển OECD (năm 2022) về số sinh viên nữ theo học các chương trình cử nhân khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học mặc dù thành tích về khoa học và toán của nữ sinh Nhật nằm trong số những nước OECD cao nhất.
Đến giờ, người dân Nhật Bản vẫn không thể quên bê bối năm 2018, khi Trường đại học Y khoa tư thục Tokyo thừa nhận đã cố tình hạ thấp điểm thi tuyển sinh của ứng viên nữ.
Một cuộc điều tra nội bộ phát hiện trường cố tình hạ điểm vì các giảng viên cho rằng bác sĩ nữ không thể làm việc nhiều giờ.
Theo phụ nữ TPHCM