Dạy con tiêu tiền đúng cách làm mối quan tâm của nhiều gia đình

Khi biết nhận biết mặt số, bé Phương Ngân (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã được bố mẹ cho cất giữ và tự chi tiêu những khoản tiền nho nhỏ của mình. Chị Thủy, mẹ bé chia sẻ, đó chỉ là những món tiền như: tiền quà 1/6 của cơ quan bố mẹ, tiền ông bà thưởng khi bé làm việc tốt, tiền bé giúp mẹ là việc nhà và được trả công… Con có thể dùng tiền đó để mua đồ dùng học tập, đồ chơi hay đồ ăn vặt.  
 
Cho con làm quen và sử dụng số tiền mình có từ sớm đang là cách nhiều gia đình áp dụng. Tuy nhiên, hướng dẫn trẻ nhỏ tiêu tiền thế nào cho đúng cách?

Theo chị Đào Thanh Huyền, chuyên gia Quản trị tài chính kế toán, để bé từ 6 tuổi trở lên hiểu đúng giá trị và biết tiêu tiền đúng cách, các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn con các mục đích sử dụng đồng tiền khác nhau:
 
Sử dụng tiền để phục vụ chính mình
 
Khi có một số tiền trong tay, các bé sẽ rất hào hứng vì được sở hữu tài sản như người lớn và muốn dùng số tiền mình có để chi tiêu theo ý muốn, cho nhu cầu cá nhân của mình.
 
Thay vì ép buộc, mẹ nên tư vấn và hướng dẫn con cách so sánh giá cả

Vì vậy, để tạo niềm hứng khởi cho con, bạn hãy để con chủ động với món tiền của mình bằng cách cho bé đưa ra món đồ muốn mua. Nếu đó là món đồ không phù hợp, bạn cũng không nên ngăn cấm con. Thay vào đó, bạn hãy tư vấn, đưa ra một vài lý do để thuyết phục bé lựa chọn món đồ khác.

Khi con cùng con đi mua sắm, bạn có thể hướng dẫn cho con tiêu tiền hiệu quả bằng cách cho con thấy sự chênh lệch giá của một món hàng ở những cửa hàng khác nhau, để bé biết cách so sánh, tìm hiểu, lựa chọn. Điều này giúp phát triển kỹ năng quan sát, tính toán, cân nhắc kỹ càng trước khi chi tiêu.
 
Đặc biệt, bạn nên khuyến khích bé tiết kiệm chi tiêu cho những món đồ dùng nhỏ, để dành tiền mua món có giá trị hơn như mua bộ trượt patin, mua xe đạp… Khi ấy, bé sẽ nghĩ đến những mục tiêu xa và lớn hơn mà bé rất thích để có cách chi tiêu hợp lý.
 
Sử dụng tiền để phục vụ cho gia đình
 
Nếu bố mẹ đưa ra những lý do thuyết phục, bạn sẽ thấy hào hứng và tự nguyện sử dụng tiền của mình để phục vụ nhu cầu chung của gia đình.
 
Đưa ra lý do thuyết phục để con tự nguyện dùng tiền phục vụ gia đình

Ví dụ, nếu lúc nào mẹ cũng nhăm nhe ‘tịch thu’ tiền của con để cả nhà đi du lịch, tổ chức sinh nhật… từ bé lớn đến bé nhỏ đều cảm thấy bị ép buộc, không tự nguyện cho mẹ sử dụng tiền của mình.
 
Nhưng nếu mẹ thay đổi hình thức bằng cách kêu gọi các thành viên trong gia đình cho tiền vào một quỹ nhất định, như một chiếc hộp tiết kiệm có nhãn ghi: Tiền tiết kiệm đi du lịch, Tiền tổ chức sinh nhật... con sẽ nhận thấy đây là một việc làm nghiêm túc và tự nguyện thực hiện.

Những món chi tiêu có mục đích rõ ràng quỹ riêng tạo cho các bé cảm giác mình là một thành viên quan trọng trong gia đình, số tiền của mình được đóng góp vào các hoạt động chung, có trách nhiệm hơn trong chi tiêu.
 
Sử dụng tiền cho cộng đồng
 
Sử dụng tiền cho cộng đồng là cách để rèn luyện nhân cách cho trẻ

Song song với việc hướng dẫn con chi tiêu đúng cách cho bản thân mình và gia đình, bạn cũng nên dạy con biết chia sẻ với những người kém may mắn. Đây là một kỹ năng chi tiêu, đồng thời cũng khởi gợi lòng trắc ấn, tình yêu thương, trách nhiệm cộng đồng của trẻ nhỏ.

Bạn lưu ý, không nên yêu cầu con dùng tiền mặt để ủng hộ, vì nếu dùng khoản tiền mình được tặng, thưởng hay tiết kiệm, bé sẽ cảm thấy tiếc và không thoải mái. Với số tiền đó, nếu mua bánh kẹo, đồ dùng học tập, sách truyện… để trao tặng những người có hoàn cảnh khó khăn, bé sẽ thấy ý nghĩa hơn.

                                                                                                                                                                                                                                                                                           Theo phunuvietnam.vn