Nữ nhà văn Thommayanti

Bà tên thật là Khun Ying Wimon Chiamcharoen, sinh năm 1936 tại Phra Nakhon, Bangkok, Thái Lan. Bà thường được biết đến với bút danh Thommayanti.

Ngoài ra, bà còn có các bút danh khác như: Laksanawadee, Rose La Reine và Kanok-lekha. 

Sau khi tốt nghiệp trường Khemasiri Memorial, bà theo học Đại học Thammasat, ngành luật và sau đó chuyển sang học thương mại, kế toán. Bà cũng từng có thời gian làm giáo viên tại trường St Joseph Convent. Đây cũng là thời điểm bà bắt đầu chuyển hướng sáng tác văn học và duy trì sự nghiệp đến năm 70 tuổi.

Bà sáng tác truyện ngắn từ năm 14 tuổi. Năm 19 tuổi, bà có truyện dài đầu tiên mang tên Nai fun (Trong giấc mơ) được in nhiều kỳ trên tạp chí. 

Trong sự nghiệp sáng tác bà có hơn 100 tác phẩm. Thawiphop là một trong những tác phẩm nổi bật của bà, kể về một người phụ nữ du hành xuyên thời gian từ thế kỷ 20 đến thời Rama V (vị vua thứ năm của vương triều Chakri trong lịch sử Thái Lan) thế kỷ 19. Câu chuyện lần đầu tiên được đạo diễn Cherd Songsri chuyển thể thành phim vào năm 1990, sau đó được chuyển thành một vở kịch sân khấu, một vở nhạc kịch, một loạt phim truyền hình và một bộ phim nữa vào năm 2004 mang tên Siam Renaissance.

Tác phẩm Khu Kam kể về mối tình lãng mạn của một phụ nữ Thái Lan và một người lính Nhật trong Thế chiến thứ hai ở Thái Lan, được chuyển thể thành hai bộ phim, Hoàng hôn ở Chaophraya (năm 1996 và 2013), một vở nhạc kịch sân khấu và một bộ phim truyền hình dài tập. Hai tác phẩm nổi tiếng khác của bà có thể kể đến là Dang Duang Haruethai và Sapan Dao.

Khán giả trẻ biết đến bà thông qua bộ phim Chiếc lá cuốn bay được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn. Đây là phim ra mắt năm 2019, với nội dung nói về cuộc đời khắc nghiệt, nhiều nỗi niềm của người chuyển giới. Phim nhanh chóng tạo nên cơn sốt tại Thái Lan và nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Từ khóa Chiếc lá cuốn bay từng vào top 6 xu hướng tìm kiếm trên Google tại Việt Nam. Phim được chiếu trên một số đài truyền hình trong nước như: Hà Nội, HTV.

Chiếc lá cuốn bay là bộ phim gây sốt châu Á năm 2019

Một bộ phim khác nổi tiếng không kém được chuyển thể từ tiểu thuyết của nữ nhà văn là Mối hận truyền kiếp, nói về tình yêu, lòng thù hận với mô tuýp giả tưởng. Phim đạt rating cao nhất trên đài One của Thái Lan năm 2016. Tác phẩm này cũng được khán giả nhiều quốc gia châu Á yêu thích. 

Tác phẩm cuối cùng của bà là Chom Sassada (Nhà tiên tri vĩ đại), một cuốn tiểu thuyết về Đức Phật, đã được lên kế hoạch xuất bản sau khi bà qua đời.

Năm 2012, bà được Bộ Văn hóa Thái Lan vinh danh là nghệ sĩ quốc gia. 

Theo phunuonline