Hiếm có việc gì mà hai đứa con tôi đồng lòng như khi cùng hợp tác để được sử dụng điện thoại. Bình thường hay chí chóe tị nạnh nhau, nhưng khi cần, chúng vẫn có thể “liên minh” lại để đối phó với ba mẹ. Đủ để thấy, thiết bị thông minh kèm theo các trò game trong đấy “mạnh” tới mức nào.
Su, con bé lớn nhà tôi, có điện thoại riêng, nhưng chỉ được phép dùng vào buổi tối. Tới giờ đi ngủ thì con đem cắm sạc, sáng mẹ mang cất. Đó là thỏa thuận giữa hai mẹ con, và ban đầu tôi cũng tin tưởng vào sự tự giác của con. Vậy nên trước khi đi làm, chỉ đơn giản là bỏ điện thoại vào ngăn kéo.
Một thời gian sau, tôi tình cờ phát hiện ra, Su lén lấy máy ra chơi khi mẹ chưa về. Đồng lõa cùng con bé, chính là thằng Bin. Để có được sự ủng hộ ấy, tất nhiên Su thi thoảng sẽ đưa điện thoại cho Bin lướt một lúc, đỡ ghiền!
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Bin học lớp Bốn, vốn là cậu bé tồ tuệch, nóng nảy. Tất nhiên cậu nhóc cũng thèm được chơi điện thoại lắm, nhất là vào buổi tối, khi chị Su tới khoảng thời gian giải trí sung sướng ấy. Không thể đòi sở hữu một cái máy riêng, Bin đành òn ỉ mượn điện thoại của bố, của bà ngoại, của bác giúp việc.
Cảnh hai đứa con chúi mũi vào màn hình cảm ứng, qua loa với các hoạt động chung của gia đình vào buổi tối, gây ồn ào trong nhà thường xuyên diễn ra. Không khó để hình dung nỗi bực tức, giận dữ của bậc làm cha mẹ khi thấy con cái bỏ bê việc học bài, lơ là cơm tối, nói gì cũng ừ hử, bởi lý do: bận chơi điện thoại.
Từ mấy trò đơn giản có sẵn, chúng sẽ dần tải thêm game, cuối cùng là chơi online. Máy chậm thì con gào lên bực tức, chơi thua là hằn học khó chịu. Tiếng bố la mắng, tiếng mẹ cằn nhằn, tiếng bà ngoại “méc”, tiếng chị giúp việc phân bua… Tất cả tạo thành một khung cảnh “sinh hoạt gia đình em buổi tối” không mấy gì làm vui vẻ, lành mạnh…
Tôi từng nhiều lần khuyên con, rầy la chúng, phân tích cho con hiểu, rồi đích thân mang điện thoại giấu kỹ. Kết quả cũng khá, cắt giảm thời gian được cầm máy buổi tối.
Trước khi được nhận món đồ công nghệ thần thánh ấy, các con tôi rất ngọt ngào dễ bảo, chấp hành đa số các yêu cầu của bố mẹ. Sau lúc được giao điện thoại vào tay, chúng quên hết sự đời, và đến giờ “thu hồi”, thì thật nan giải: lần lữa, xin thêm, nổi quạu. Thậm chí, có lần Su còn cào vào tay mẹ đầy tức giận lúc mẹ hết kiên nhẫn, giật lấy cái máy đem cất.
Tôi bất lực trước sự hứa hẹn rồi lại quên ngay khi được cầm máy của hai đứa con. Con dần dà rút vào cái thế giới điện thoại cùng các cuộc gươm súng trong ấy. Song hành với cảnh đối phó của lũ con là sự e sợ, nỗ lực không ngừng nghỉ của phụ huynh, nhằm để con đừng sa đà.
Giữa hai chị em Su và Bin dường như tồn tại chung vài ba bí mật nho nhỏ liên quan tới điện thoại, mà người làm mẹ như tôi đang bị gạt ra ngoài. Những tin tức đáng sợ trên báo trên mạng về tác hại của game và điện thoại, các vụ án liên quan tới trẻ em, do ảnh hưởng bởi game… khiến người lớn phải thao thức mất ngủ…
|
Ảnh mang tính minh họa - FREEPIK |
Bây giờ, mỗi sáng, việc quan trọng của tôi là cầm điện thoại của con đi giấu khắp nhà. Dưới nệm, giữa kệ sách, trong tủ thuốc, ngay cả nhà bếp cũng được tận dụng. Con tôi dành nhiều tâm trí để lục lọi tìm kiếm. Tôi không thể ngày nào cũng canh chừng, ầm ĩ mắng mỏ chúng. Tôi cũng không muốn mang theo máy của Su khi đi làm.
Vài hôm tôi lại phát hiện ra chỗ cất cũ không còn khả dụng, vì chúng có thể tìm thấy ở mọi ngóc ngách. Hóa ra, con bé tinh ranh đặt báo thức, âm thanh ấy tố giác ngay là mẹ cất điện thoại ở đâu…
Đỉnh điểm là chuyện Bin bị bắt gặp đang lấy trộm tiền trong ví của bà ngoại. Con cần tiền làm gì? Trong nước mắt đau khổ, tôi đã nghẹn ngào hỏi con trai mình câu ấy. Ấp úng, thằng bé nói, con muốn nạp tiền vào game để mua vũ khí chiến đấu…
Hôm đó, tôi lặng cả người. Chỉ muốn bật khóc. Tôi hiểu rằng, trận chiến của con tôi, của tôi, của các ông bố bà mẹ với game và điện thoại sẽ còn rất dài, chưa từng có hồi kết. Nhưng chắc chắn, chúng ta nhất định sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Tôi cần sự kiên nhẫn, quyết liệt nhưng đầy tình thương và hiểu biết.
Theo phunuonline.com.vn