Ảnh minh hoạ
Lưu chia sẻ, cô và chồng đều là doanh nhân, công việc rất bận rộn nên không có thời gian chăm sóc con. Con gái cô từ nhỏ đã được cưng chiều, không phải đụng tay chân vào bất cứ việc nào trong nhà. Năm 2019, khi con gái đỗ đại học và đi học xa nhà, cô Lưu buộc phải chạy "như con thoi" giữa hai nơi để có thể quán xuyến gia đình và chăm con gái. Quá sức, cô quyết định tuyển vú em cho con, ban đầu là thông qua bạn bè giới thiệu.
Việc thuê bảo mẫu khiến cô Lưu tiêu tốn một khoản tiền, tuy nhiên cô nói rằng điều đó không quan trọng. Đối với cô, quan trọng là người giúp việc có thể giặt giũ, nấu nướng cho con hàng ngày, coi như bỏ tiền mua sự an tâm.
Trường hợp bảo bọc con như cô Lưu không phải là quá hiếm ở Trung Quốc ngày nay. Ngoài việc thuê người lo cho con, nhiều ông bố, bà mẹ ở quê thậm chí bỏ nhà cửa, cùng con lên thành phố học, lo cho con từng cái quần, cái áo, đôi tất. Thần đồng Vĩnh Khang gần đây là một ví dụ điển hình khác. Cậu sinh viên người Hồ Nam sinh năm 1983 đã bị Viện Khoa học Trung Quốc buộc thôi học, sau khi không thể tự tắm giặt, ăn phải có mẹ đút...
Hình thức "thuê bảo mẫu" như cô Lưu, hay theo sát con như mẹ Vĩnh Khang, dù có tác dụng xóa tan nỗi lo của phụ huynh khi con cái rời vòng tay mình, nhưng mặt tiêu cực là tạo ra "đứa trẻ to xác".
"Đứa trẻ to xác" mô tả những người trưởng thành về thể chất, nhưng lại chưa trưởng thành về tinh thần. Đặc điểm của những trẻ này là chỉ biết đưa ra yêu cầu, đòi hỏi, nhưng không có năng lực để tự mình thực hiện những nhu cầu của bản thân mà phải dựa vào người khác. Chúng yếu đuối về tâm lý, không có khả năng điều chỉnh cảm xúc. Khi rơi vào một tình huống ngoài mong đợi, chúng phản ứng dữ dội.
Cụm từ này là một trong 10 từ khóa được quan tâm hàng đầu tại Trung Quốc năm 2018, do một tạp chí Thượng Hải bình chọn. Nhà tâm lý học nổi tiếng Trung Quốc Vũ Chí Hồng từng xuất bản cuốn sách "Cự Anh Quốc" (Quốc gia của những đứa trẻ lớn xác), trong đó nêu bật 3 đặc điểm của những đứa trẻ lớn xác, chính là cộng sinh (dựa dẫm vào người khác thay vì độc lập), tự cho mình giỏi giang (những ý tưởng mình đưa ra là đúng, mọi thứ phải theo ý mình), và tâm thần phân liệt thể hoang tưởng.
Xung quanh chuyện thuê bảo mẫu cho con của cô Lưu, tờ Tin tức Bắc Kinh từng khảo sát về vấn đề này. Số người cho rằng "Đó là chuyện bình thường" chiếm tới 2/3. Điều này cho thấy một thực tế: Nhiều người không ngạc nhiên với cách nuôi trẻ kiểu đó, thậm chí là ngầm thỏa hiệp và chấp nhận. Nó cũng cho thấy sự khoan dung của xã hội với những "đứa trẻ to xác", và sự nhầm lẫn giữa hai câu hỏi: "Có nên bảo bọc con, nuôi dạy con trở thành một đứa trẻ to xác hay không?" và "Có điều kiện kinh tế để bảo bọc con hay không?".
Như trong câu chuyện của cô Lưu, nhiều ý kiến cho rằng cô đang gián tiếp nuôi dạy con gái thành một "đứa trẻ lớn xác", không biết động tay vào việc gì, những nhu cầu sinh hoạt đời thường cũng phụ thuộc người khác. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng đó là quyền tự do của cô Lưu, không nên phán xét: "Ai chẳng cần giặt đồ, nấu nướng ăn, nếu có người giúp đỡ cho, chẳng phải đỡ tốn bao thời gian hay sao?. Quan trọng là có tiền để làm việc đó hay không mà thôi".
"Những đứa trẻ to xác" cũng cho thấy mối liên quan giữa giáo dục gia đình và giáo dục học đường. Giáo dục học đường nên cố gắng đào tạo những người có tính cách độc lập, chủ động trong cuộc sống, đặc biệt với sinh viên đại học, là những người trưởng thành, chuẩn bị bước ra hòa nhập với xã hội. Nhưng thực tế là giáo dục gia đình và giáo dục học đường hiện có rất ít nội dung nói về điều này.
Sự xuất hiện của NEET (Not in Education, Employment, or Training) - một thuật ngữ từng được người Anh dùng để chỉ một bộ phận trẻ không đóng góp sức lao động cho xã hội hay tham gia các hoạt động giáo dục hoặc đào tạo, là những người tách ra khỏi sự cạnh tranh xã hội, không có thu nhập kinh tế, hoàn toàn "ký sinh" vào gia đình - cũng chính là hậu quả của giáo dục theo phong cách này.
Theo Sina, để giải quyết sự tồn tại của những "em bé lớn xác", cha mẹ cần có sự giáo dục phù hợp, đưa con ra khỏi môi trường "nhà kính" để hòa nhập xã hội, có ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân. Đồng thời, giáo dục học đường cũng nên tăng cường việc giáo dục tính cách độc lập, hướng thanh niên tới vận động, để họ thoát khỏi tình trạng chỉ tập trung vào sách vở. Người trưởng thành là người có khả năng đóng góp cho gia đình, xã hội, chứ không phải là một cái đầu đầy kiến thức sách vở đơn thuần.
Theo vnexpress