Năm nay, con trai út tôi vào đại học. Trước ngày con lên TPHCM nhập học, vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ. Tôi lo vì xưa nay con được nuông chiều, không phải động tay động chân. Vì thế con sống chỉ biết bản thân mình, đi học về là vào phòng khóa cửa, chẳng quan tâm cha mẹ hay phụ bất cứ việc gì.

Ngoài ra, thói quen sinh hoạt của con rất trái khoáy (thức đêm, ngủ ngày). Rồi con lại rất kén ăn, chỉ ăn được mỗi trứng và đồ chiên, nướng. Nếu gặp thức ăn không đúng ý, không vừa miệng là con lầm lì như cả thế giới có lỗi với con...

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Thật ra ban đầu, tôi định cho con học gần nhà ở An Giang, nhưng chồng tôi không đồng ý. "Cha mẹ không thể lột vỏ sống để bảo bọc con cả đời, cần phải thả con ra đời để con trưởng thành. Có va đập, có khổ ải con mới nên người được" - anh nói. Quay qua tôi, chồng "ca" tiếp: "Em cũng cần học cách trưởng thành đi, "cai" con bớt đi, bớt bảo bọc con đi". Chồng quá quyết liệt và con trai chỉ muốn học ở TPHCM nên tôi chiều theo.

Tôi gửi con lên ở nhà Út Duyên - em gái của chồng, như tôi đã từng gửi cậu con trai lớn. Trước khi nhận "ca khó" này, Duyên chỉ có yêu cầu "chị gửi thì để em xếp đặt cho cháu, anh chị không được đáp ứng những đòi hỏi vô lý của cháu và đừng xót con". 

Con ở nhà cô ruột, nhưng tôi thấp thỏm vừa lo cho con, vừa chờ bị mắng vốn. Quả thật, ngay ngày đưa con đi làm thủ tục nhập học, Duyên kể: "Chị ơi, Huân không biết lo một chút nào hết. Đi nhập học nhưng không chuẩn bị giấy tờ gì hết, không có giấy khám sức khỏe, không có tấm hình thẻ". Nghe Duyên nói là tôi hình dung được ngay sự vô lo của con và nỗi khổ của người giám hộ. Trong khi, trước lúc nhập học, ngày nào tôi cũng nhắc con vụ thủ tục. Con tỉnh queo: "Con biết rồi, mẹ đừng lo", nên tôi cũng yên tâm.

Vậy mà giờ con chưa chuẩn bị gì cả. Tôi định đi công chứng giấy tờ rồi gửi cho con như trước giờ vợ chồng tôi vẫn làm. Nhưng Duyên kêu tôi để con "tự bơi". Cả việc vợ chồng tôi tính lên đón con về, vì tôi sợ con đi lạc đường, say xe không có ai lo... cũng bị em chồng ngăn. Em chồng nói nửa đùa nửa thật: "Huân đi học xa là cơ hội để 2 mẹ con trưởng thành. Chị đừng quá lo lắng cho Huân nữa, cháu 18 tuổi rồi".

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

 

1 tuần sau, con về quê. Từ lúc con lên xe đò là tôi đứng ngồi không yên. Tôi hình dung con ói ra mật xanh mật vàng, nằm bẹp dí và tới nhà sẽ đi không nổi - như trước giờ đi xe với mẹ. Vài tiếng sau, con trai xuất hiện trước cổng, không gọi tôi ra bến xe đón. Con cười tươi "hi, mom" và ngay lập tức, con lấy xe đi làm giấy tờ.

Lần đầu tiên tôi thấy con tự lên kế hoạch: đi chụp hình thẻ, đi công chứng lý lịch và đi khám sức khỏe chỉ gọn trong 1 buổi. Trong khi, trước đây con chưa bao giờ tự làm việc gì. Tôi ngơ ngác "Ủa, sao con thay đổi mau vậy?". Chồng tôi tỉnh bơ "Xưa giờ em có tin con làm được việc gì đâu. Cô Út tin cháu, giao việc thì nó tự làm thôi". Đến lúc này, chồng tôi mới tiết lộ là trước khi Huân lên trọ nhà Út, 2 cô cháu đã nhiều lần nói chuyện và đã có những quy ước, thỏa thuận riêng với nhau. Do vậy, con đã chấp nhận "cuộc chơi làm người trưởng thành".

Lâu nay, tôi vẫn luôn nghĩ con còn bé bỏng, không biết tự chăm sóc bản thân, không tự làm được việc gì. Nhưng qua việc con tự đi làm giấy tờ, tôi tin nhận xét của Duyên: "Huân trưởng thành hơn chị nghĩ. Chị đừng tước cơ hội trưởng thành của con".

Con tôi là thành viên thứ 6 trong gia đình em chồng. Ngoài vợ chồng Duyên, 2 đứa con tôi, còn có 2 con của 2 chị chồng. Mỗi thành viên đều được phân công việc nhà cụ thể. Huân được giao nhiệm vụ phơi quần áo và lấy quần áo vào. Đây là công việc mà tôi từng phải năn nỉ hoặc hăm "cắt lương" con mới chịu làm cho có. Con trai cũng nhanh hòa nhập nếp sống nhà cô út.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Duyên thông báo: "Giờ Huân phơi đồ chuyên nghiệp rồi. Tới bữa ăn cháu tự giác dọn cơm, biết ăn đủ món như mọi người chứ không phải nấu riêng nữa". Tôi nghe mà tưởng mình nằm mơ. Tối, tôi gọi video cho con. Con cười "mọi người ăn sao con ăn theo vậy, hợp thì ăn nhiều, không hợp thì ăn ít. Còn phơi đồ là chuyện nhỏ mà mẹ". Con còn khoe "Ở đây vui lắm. Tối nào, mọi người cũng tụ họp ở phòng khách xem ti vi, chém gió với nhau.

Khuya, cô Út còn coi đá banh với con nữa". Nhìn ánh mắt con hấp háy theo nụ cười, tôi tin con đã hòa nhập được cuộc sống mới và không phải sống khổ sở hay bị ghét bỏ như tôi từng lo lắng. 

Mới đây, vợ chồng tôi lên thăm con, nhìn con năng động, vui vẻ  nấu cơm, rửa chén mà tôi cứ tưởng... con ai. Gần 3 tháng xa nhà, con đã vượt qua khó khăn vì cuộc sống không tiện nghi, thoải mái như ở nhà. Và con đã cố gắng nhiều để thoát khỏi danh xưng "cậu ấm".

Còn tôi, suốt thời gian qua, cũng phải nén nỗi nhớ con, xót con, cái khát khao "cung phụng con", để con và mẹ đều trưởng thành hơn. 

Theo phụ nữ TPHCM