Diễn viên nhí Alan Kim trong vai cậu bé David, "đôi mắt" của Minari - Ảnh: A24
Trong Minari, phim lấy bối cảnh thập niên 1980, người cha vất vả gây dựng cánh đồng rau Hàn Quốc để bán cho cộng đồng người Hàn tại Mỹ, nhằm nuôi sống gia đình.
Anh vấp phải nhiều khó khăn, thất bại, trong đó tìm nguồn nước là sống còn. Có lúc anh tưởng như tán gia bại sản, nhưng ý chí không hề bị khuất phục.
Còn bà ngoại tìm một con suối nhỏ trong rừng, nơi nguồn nước dồi dào, trồng một vạt cần nước (minari) - loại rau "nuôi sống rất nhiều người Hàn Quốc". Không cần chăm bẵm, minari mọc xanh tốt, lan nhanh như sức sống kiên cường của những con người bé nhỏ trên miền đất mới mênh mông.
Giấc mơ Mỹ qua cặp mắt trẻ thơ
Cùng là giấc mơ Mỹ, cùng là cuộc sống của người nhập cư trên đất Mỹ - chủ đề quen thuộc trong nhiều bộ phim, nhưng Minari độc đáo với điểm nhìn riêng có: thông qua cặp mắt của một đứa trẻ, cậu bé David Yi (Alan Kim đóng).
Đứa trẻ phát âm tiếng Anh chuẩn hơn so với thứ tiếng Anh lai Hàn của cha mẹ chúng, kết bạn với đám trẻ con người Mỹ khi còn rất nhỏ. Nhiều khả năng, cậu bé sẽ lớn lên và trở thành một người đàn ông đậm chất Mỹ hơn người cha Jacob Yi (Steven Yeun).
Những khác biệt giữa cậu bé và bà ngoại Soon Ja (Youn Yuh Jung), người mới đến từ Hàn Quốc, cũng được tô đậm trong phim. Lúc vui nhộn, lúc đau thương, David nhìn mọi thứ bằng tâm hồn thuần khiết, có phần lém lỉnh, tinh quái, ranh ma nhưng vẫn rất ngây thơ.
Cậu bé David chính là hiện thân của đạo diễn Lee Isaac Chung, chứng nhân cho hành trình đi tìm giấc mơ Mỹ của cha mẹ anh. Chung chứng kiến toàn bộ sự hi sinh của cha mẹ để các con có cuộc sống tốt trên đất Mỹ. Anh cảm động và khắc ghi, để rồi chuyển tải vào phim ảnh.
"Thời niên thiếu, chị em tôi luôn biết rằng cuộc sống của cha mẹ có chút thỏa hiệp, đó không chính xác là những gì họ mong muốn. Cuộc sống không diễn ra như họ đã kỳ vọng. Vì vậy, tôi và chị tôi có một niềm khát khao sâu thẳm, đó là khiến cho sự hi sinh của cha mẹ không bị uổng phí" - đạo diễn Lee Isaac Chung nói với PBS NewsHour.
Vai diễn người bà Soon Ja sống động đã mang về cho ngôi sao 73 tuổi Youn Yuh Jung đề cử Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc - Ảnh: A24
Nỗi thất vọng và thỏa hiệp được thể hiện rõ nhất qua nội tâm của người mẹ Monica Yi (Han Ye Ri), mẹ của David. Monica thất vọng triền miên với cuộc sống tại Mỹ, cô không ngừng trách chồng trong thinh lặng và qua những cuộc cãi vã nảy lửa. Cách thể hiện nào cũng đáng sợ ngang nhau, đáng buồn như nhau.
"Chúng ta không thể che chở cho nhau, nhưng tiền lại có thể ư?" - lời cay đắng Monica nói với chồng đã phơi bày nỗi đau trong cô, người phụ nữ vỡ mộng giấc mơ Mỹ.
Khán giả Rosann Tung, một người nhập cư gốc Hoa, đồng cảm với góc nhìn của Minari: "Tôi nhận thấy óc quan sát vừa hài hước vừa đau đớn của Minari về sự khác biệt giữa Hàn Quốc và Mỹ, thông qua đôi mắt trẻ thơ. Những đứa trẻ như chơi bập bênh giữa cha mẹ, ông bà mình và cộng đồng bên ngoài: sự khác biệt thể hiện rõ qua ngôn ngữ, ngoại hình, hành vi.
Tôi cũng gặp áp lực phải hòa nhập, đồng nghĩa với việc đánh mất dần ngôn ngữ và bản sắc Trung Quốc và chưa bao giờ có được cảm giác thực sự thân thuộc (với cộng đồng ở Mỹ)".
Steven Yeun và Han Ye Ri đồng điệu trong vai đôi vợ chồng nhập cư đầy lo toan, thất vọng. Steven Yeun được đề cử Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc - Ảnh: A24
Phim nói bằng ngôn ngữ của trái tim
Việc Quả cầu vàng đề cử và trao giải cho Minari ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất vẫn còn gây tranh cãi. Lý do quá rõ ràng: đây là một bộ phim rất Mỹ, do Mỹ sản xuất, đạo diễn kiêm biên kịch là người Mỹ, hầu hết dàn diễn viên (chỉ trừ 2 người) đều có quốc tịch Mỹ, nói lên một vấn đề của nước Mỹ.
"Minari là bộ phim về một gia đình, một gia đình cố gắng học ngôn ngữ của riêng nó. Ngôn ngữ đó sâu sắc hơn so với ngôn ngữ tiếng Anh hay bất cứ ngôn ngữ nào. Đó là ngôn ngữ của trái tim" - đạo diễn Lee Isaac Chung, người có cả tiếng Anh lẫn tiếng Hàn trong tên gọi, lý giải.
Trong phim, một gia đình nhập cư Mỹ gốc Hàn vật lộn với chuyện mưu sinh và rào cản ngôn ngữ, văn hóa để hòa nhập với vùng đất nông thôn Arkansas. Ngoài đời, giải Quả cầu vàng thất bại trong việc vượt qua rào cản ngôn ngữ để công nhận Minari là một bộ phim Mỹ được làm nên bởi những người Mỹ đến từ một xứ sở của châu Á, mang dáng hình châu Á.
Đạo diễn Lee Isaac Chung (trái) và dàn diễn viên, trong đó tài tử Steven Yeun nổi tiếng với loạt phim The Walking Dead - Ảnh: DEADLINE
Vì nước Mỹ là ngôi nhà chung của những con người đến từ mọi quốc gia, châu lục, nên câu chuyện của họ, sự vật lộn của họ cũng chính là một câu chuyện Mỹ. Việc một bộ phim Mỹ bị đẩy ra hạng mục "tiếng nước ngoài" chỉ vì nói thứ tiếng của cộng đồng nhập cư cho thấy Hollywood lại một lần nữa đẩy người nhập cư ra rìa.
Nhưng giải Oscar đã trao cho Minari đề cử Phim hay nhất, hạng mục danh giá nhất mà bộ phim xứng đáng góp mặt cùng những phim Mỹ chính hiệu khác.
Bên cạnh đó là 5 đề cử Oscar thuộc 5 hạng mục lớn: Đạo diễn xuất sắc cho Lee Isaac Chung, Nam diễn viên chính xuất sắc cho Steven Yeun, Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho Youn Yuh Jung, giải Kịch bản gốc xuất sắc và Nhạc nền xuất sắc.
Minari ra rạp Việt Nam vào ngày 2-4.
Theo tuoitre