Hoàng Thị Hiếu, sinh viên lớp K62 Tài năng Hóa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, giành học bổng toàn phần thạc sĩ tại Trường Paris-Saclay (Pháp).

Hoàng Thị Hiếu: Chú trọng điểm GPA, tập trung thời gian cho nghiên cứu

Cuối năm thứ 4 đại học, Hoàng Thị Hiếu nhận được thư đồng ý cấp học bổng thạc sĩ toàn phần theo học 2 năm chuyên ngành Hóa lý vật liệu phân tích tại Trường Paris-Saclay (Pháp). Với thầy cô và bạn bè, kết quả này không quá bất ngờ, bởi Hiếu là lớp trưởng năng động của lớp Cử nhân Hóa học tài năng, có điểm GPA 3.75/4.0 - là một trong 3 sinh viên có điểm GPA cao nhất khoa Hóa và cũng có bài công bố trên tạp chí Q1.

Hiếu cho biết, khi bắt đầu nhen nhóm ý định đi du học bậc thạc sĩ, nữ sinh đã rất nghiêm túc với việc xây dựng CV. Theo Hiếu, điểm GPA là một yếu tố cần được chú trọng để giúp bộ hồ sơ “mạnh hơn”.

“Điểm GPA sẽ là một minh chứng cho năng lực của người học và cũng giúp giá trị của ứng viên nâng lên. Các trường thường nhìn vào những sinh viên có điểm GPA cao để chắc chắc rằng “người này có thể đáp ứng được yêu cầu khi theo học ở bậc cao hơn”.

Tuy nhiên, điểm GPA thấp cũng không có nghĩa khó giành được học bổng. Hiếu cho rằng, ứng viên cần phải biết chịu trách nhiệm và giải thích được tại sao GPA của mình lại ở mức đó, ví dụ có thể vì chuyển ngành, chưa quen cách học hay vì một số yếu tố khác,… Ứng viên có thể khắc phục điều đó bằng thư động lực, hoạt động ngoại khóa hay kinh nghiệm nghiên cứu.

Trong 4 năm đại học, ngoài việc duy trì tốt thành tích trên lớp, Hiếu cũng tích cực săn tìm những học bổng được giới thiệu từ nhà trường. Nữ sinh từng giành học bổng trao đổi 6 tháng tại Trường ĐH Kỹ thuật Munich (Đức); học bổng sinh viên xuất sắc của Odon Vallet; học bổng sinh viên xuất sắc Vingroup;…

Ngoài ra, Hiếu còn giành nhiều thời gian cho việc tích luỹ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Mỗi tuần, nữ sinh thường dành thời gian 2 – 3 ngày để thực hành trên lab.

Cuối năm 4, Hoàng Thị Hiếu đã trở thành tác giả thứ 2 trong bài báo công bố quốc tế mang tên “Synthesis and application of polycation-stabilized gold nanoparticles as a highly sensitive sensor for molecular cysteine determination” được đăng trên tạp chí Microchemical Journal (ISI- Q1 in Analytical chemistry, IF 4.821).

“Nhờ vào quá trình trau dồi kỹ năng làm việc trên lab đã giúp em thể thể hiện được kiến thức, năng lực nghiên cứu qua bài đăng trên tạp chí ISI. Ngoài ra, việc giành được học bổng của các quỹ khác nhau cũng phần nào thể hiện được quá trình học tập của em trong hồ sơ. Em nghĩ đó cũng chính là lý do khiến mình được lựa chọn”, Hiếu chia sẻ.

Đỗ Tuấn Tú: Cần thể hiện rõ ràng quan điểm và những điều mình muốn

Từng là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, tuy nhiên Đỗ Tuấn Tú không đi du học ngay từ bậc đại học như các bạn trong lớp mà quyết định theo học 4 năm đại học ở Việt Nam để “trải nghiệm đủ” trước khi lên đường du học bậc thạc sĩ.

“Em xác định sẽ đi du học nên đã chuẩn bị tiếng Anh từ khá sớm. Ngoài ra, em cũng trau dồi thêm kinh nghiệm nghiên cứu trong suốt 4 năm theo học tại trường. Ở bậc thạc sĩ đòi hỏi ở việc nghiên cứu khá nhiều, do đó việc có kinh nghiệm nghiên cứu, theo em cũng là một điểm cộng”.

Lựa chọn lĩnh vực Hóa Vật liệu từ bậc đại học, Tú cũng mong muốn sẽ tiếp tục theo đuổi ngành này trong 2 năm học thạc sĩ.

Đỗ Tuấn Tú, sinh viên lớp K62 Tài năng Hóa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, giành học bổng Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu.

Mới đây, Tuấn Tú đã nhận được học bổng Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu. Nam sinh cho biết, lợi thế của mình là việc chuẩn bị hồ sơ từ khá sớm và một thái độ quyết tâm “muốn được đi học”.

“Điều này đã được em thể hiện rất rõ qua thư động lực. Trong thư, em nêu ra những điểm mạnh của bản thân và những điều em nghĩ mình sẽ phù hợp với chuyên ngành này. Em cũng bày tỏ những mục tiêu cụ thể nếu được vào trường,… Điều này giúp hội đồng tuyển sinh nhận ra rằng em rất mong muốn được học tập tại đây và đã có động lực học tập rõ ràng, cụ thể”.

Còn ở thư giới thiệu, nam sinh cho rằng nên chọn những người theo sát, nắm rõ khả năng, thế mạnh của mình hơn ai hết. Theo Tú, một lá thư chất lượng không phải lúc nào cũng nhấn mạnh điểm số của người học.

“Việc tìm được người hiểu mình và hướng nghiên cứu mà mình đang theo đuổi, theo em là điều quan trọng hơn, bởi nhờ thế họ cũng sẽ viết được nhiều và viết được sâu sắc.

Để nhờ được các thầy cô như vậy, ngay từ khi còn đi học, mình cần chịu khó đóng góp ý kiến, tích cực thảo luận hay tham gia làm nghiên cứu, từ đó có thể phát triển mối quan hệ chặt chẽ với giáo viên và dễ dàng thảo luận những điều mình muốn thể hiện trong thư giới thiệu”, Tú cho hay.

Bùi Thị Trà My: “Apply” trái ngành không phải là rào cản

Từ năm thứ 2, Trà My xác định mục tiêu sẽ đi du học. Mặc dù có thành tích học tập xuất sắc nhưng My không có thế mạnh về hoạt động ngoại khóa, vì thế, nữ sinh bắt đầu trau dồi tiếng Anh và tập trung lên lab nhiều hơn. Suốt quãng thời gian đó, My tham gia vào lab Hóa Dược của PGS.TS. Mạc Đình Hùng.

“Em nhận thấy rằng bản thân phù hợp với các thành tích về học thuật hơn. Vì thế, từ năm 2, em bắt đầu tìm kiếm các học bổng liên kết trường”.

Nữ sinh từng giành học bổng trao đổi 6 tháng tại Trường ĐH Kỹ thuật Munich (Đức). Năm 2020, My là đồng tác giả của nghiên cứu “Synthesis and crystal structure of peptide dimethyl biphenyl hybrid” trên Acta Crystallographica Section E. 

Mới đây, nữ sinh đã giành được học bổng thạc sĩ năm thứ 2 ngành Hóa môi trường do Quỹ Năng lượng và Môi trường tài trợ.

Bùi Thị Trà My, sinh viên lớp K62 Tài năng Hóa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, giành học bổng thạc sĩ năm thứ 2 ngành Hóa môi trường do Quỹ Năng lượng và Môi trường tài trợ.

“Em đã suy nghĩ khá lâu về việc sau đại học mình muốn theo đuổi ngành gì. Em nghĩ Hóa môi trường là một ngành có tính ứng dụng cao nên đã “apply” vào dù bản thân đang học Hóa dược”.

Mặc dù ứng tuyển trái ngành nhưng My cho biết, điều đó không phải là rào cản. Trong hồ sơ của mình, nữ sinh đã thể hiện được quyết tâm theo đuổi ngành này thông qua mục tiêu học tập. Dù theo đuổi trái ngành, nhưng My cũng lý giải được mong muốn theo đuổi chương trình và mục tiêu sau khi ra trường.

“Thành tích học tập có thể chứng minh được rằng bản thân ứng viên là người chăm chỉ và sở hữu năng lực học tập tốt. Ngoài ra, mình có thể biến bất lợi trái ngành thành một lợi thế bằng cách thể hiện cho hội đồng đồng tuyển sinh thấy được, mình có thể thành công với ngành học mới bằng quá trình trang bị kiến thức và các kỹ năng liên quan.

Thư giới thiệu của giảng viên cũng có thể là một yếu tố giúp đánh giá thái độ học tập, khẳng định thành tích của mình trên trường và thể hiện được sự dễ dàng thích nghi và sẵn sàng tiếp nhận lĩnh vực mới”.

Nữ sinh cũng cho rằng, may mắn khi xin thư giới thiệu, thầy cô biết và hiểu về mình, có uy tín về nghiên cứu.

Thái Ngọc Anh: Cần phải có mục đích rõ ràng, hết mình với mục tiêu


Thái Ngọc Anh là một sinh viên tiêu biểu của khoa Hóa, cũng là gương mặt trẻ tiêu biểu cấp ĐH Quốc gia Hà Nội. Nữ sinh đạt điểm GPA lên tới 3.92/4.0; 2 lần giành học bổng Odon Vallet, hàng loạt giải thưởng quốc gia môn Hóa từ cấp phổ thông và nhiều học bổng danh giá khác.

Mới đây, Ngọc Anh còn giành được học bổng Chất lượng cao của Đại sứ quán Pháp dành cho bậc học Thạc sĩ 2.

Thái Ngọc Anh, sinh viên lớp K62 Tài năng Hóa của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, giành học bổng Chất lượng cao của Đại sứ quán Pháp dành cho bậc học Thạc sĩ 2.

Ngọc Anh cho biết, do xác định mục tiêu du học từ sớm nên trong hai năm đầu, nữ sinh đã nỗ lực trau dồi tiếng Anh, thi chứng chỉ ngoại ngữ bên cạnh việc tập trung học tập trên lớp, duy trì GPA ở mức xuất sắc. Ngoài ra, Ngọc Anh cũng tích cực trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, củng cố “sức mạnh” cho CV.

Thời điểm “apply” học bổng du học cũng là lúc trùng với kỳ học nặng nhất trong 4 năm đại học. Mặc dù đã có những căng thẳng, nhiều đêm phải thức khuya viết báo cáo thực tập, nhưng việc học tập và làm việc có kế hoạch đã giúp Ngọc Anh vượt qua được khó khăn.

Trong hai năm cuối đại học, ngoài việc vẫn duy trì những thành tích học tập tốt trên lớp, Ngọc Anh còn tích luỹ được những kinh nghiệm nghiên cứu khoa học khi là đồng tác giả của một bài báo đăng trên tạp chí Journal of the American Chemical Society (JACS) với chỉ số IF là 15.419 .

Với việc đạt học bổng của Đại sứ quán Pháp dành cho bậc học thạc sĩ, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Ngọc Anh sẽ tiếp tục đến Pháp để theo đuổi ước mơ của mình.

Theo TS Phạm Tiến Đức- Phó Trưởng phòng đào tạo, giảng viên khoa Hoá học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, sinh viên ngành Hoá học có cơ hội nhận được nhiều học bổng uy tín. Sinh viên có thể đăng kí 4 ngành cơ bản là Hoá vô cơ, Hoá hữu cơ, Hoá phân tích và Hoá lý nhưng sinh viên đều được hỗ trợ nghiên cứu đa dạng cả công nghệ, hoá dược, hoá dầu, hoá môi trường. Vì vậy, nếu ở trong nước, các em có thể làm việc trong rất nhiều lĩnh vực từ hàn lâm đến công nghệ, kĩ thuật, từ cơ quan nhà nước như các trường đại học, viện nghiên cứu tới các công ty nước ngoài với mức lương cao. Thậm chí, rất nhiều sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp.

Theo vietnamnet