Gạo - Nếp, cặp song sinh của tôi biết bơi từ lúc 6 tuổi nên về quê ngoại ở An Giang là được tự do tắm sông. Gạo, Nếp cùng 3 đứa em họ My, Mì, cu Ten chơi đùa nóng nực là nhảy ùm xuống sông tắm. Ngày xưa, tôi tắm sông luôn có màn phi từ cầu khỉ xuống, nhưng phải 1 tay túm... quần (sợ tuột) 1 tay bịt mũi. Còn tụi nhỏ ngày nay ngoài cầu khỉ, còn trèo lên mui mấy chiếc ghe to phóng xuống nước đùng đùng, tạo dáng làm đại bàng sãi cánh, kungfu, xoay vòng...

Cũng y như tôi và đám bạn ngày xưa, các con cũng trốn ngủ trưa, cứ lùng sục ngoài vườn, nhà bếp... rồi nghĩ ra đủ trò để chơi. Một cách vô tình, các con đã tái hiện tuổi thơ của tôi nhưng... kinh dị hơn.

Ngày xưa chúng tôi cùng lắm là lấy vải bịt mắt con chó hoặc buộc đuôi chúng vào chân để nhìn cái dáng đi ngộ nghĩnh của nó. Còn tụi nhỏ bây giờ lấy áo phao mặc cho con Phèn của nhà ông Tư giữa mùa hè, rồi mở quạt hết tốc lực cho chó mát. Chúng còn trang điểm, chải đầu, buộc nơ cho con Phèn; xong ôm con Phèn xuống sông tắm và thi lội sông xem ai nhanh hơn.

leftcenterrightdel
 Gạo, Nếp - 2 con của tác giả cùng bạn bè, các em ở quê trèo cây

Ngày xưa, tôi gặp mèo đẻ là sợ quéo khi thấy mấy con mèo đỏ hỏn, rên rỉ "méo méo" yếu ớt. Còn tụi nhỏ, gom cả mớ quần áo cũ, cả áo đang mặc để lót ổ cho mèo đẻ. Và 4 bé mèo mới sinh có đến 4 bà mẹ, 1 ông bố. 5 đứa bồng ẵm mèo, phơi nắng mèo, ru mèo ngủ, đút từng muỗng sữa (từ khẩu phần sữa của chính mình) cho mèo.

Từ ngày có bọn mèo, Gạo, Nếp nhà tôi ngày nào  cũng ăn hết sạch 1 tô cơm. Tôi còn nghĩ “chắc các con về quê vận động nhiều nên ăn nhiều”. Nào ngờ, mẹ của My phát hiện "Gạo, Nếp đổ một đống cơm cho mèo ăn”.  

Ngày xưa, tôi chỉ dám mon men xa xa coi người ta phá tổ ong. Còn tụi nhỏ theo rình bầy ong ruồi làm ổ trong cây cột điện trước nhà để xem bầy ong xây nhà bằng gì. Chúng đổ nước vào mấy cái lỗ trên cột điện, rồi lấy cây củi đang cháy dở huơ huơ cho ong bay ra để nhìn nhà của ong. Tụi nó cứ chen chúc, giành nhau coi gia đình ong, đến lượt My vừa đưa mắt vào, con ong “hun” một phát vào mắt phải, sưng vù. 

Nhà bác năm Thiện chuyên sống bằng nghề chài lưới, cá bán không hết được rọng dưới sông. Vậy là 5 đứa tắm sông phát hiện, đã trút giỏ đổ hết cá ra sông vì "tội mấy em cá".

Nghe tụi nhỏ rủ nấu cháo hải sản. Tôi nghĩ “chắc chơi đồ hàng như mẹ nó ngày xưa”. Đến khi mẹ My la làng: “Chị coi tụi nó phá banh nhà bếp của tui rồi nè. Tui mới mua đường, bột ngọt, dầu ăn để mai đám giỗ, chúng lấy ra chơi nhà chòi hết”. Tôi chạy qua nhà My xem: thau, nồi nằm chỏng chơ, bột đường đổ la liệt trên sàn, dầu ăn tràn ra sàn nước, dưa leo, xoài chín, nước tương trộn với nhau cả thau…

Bữa khác, tụi nhỏ thông báo “mở nhà hàng”. Gạo, Nếp hỏi “mẹ ăn món gì?” cơm sườn, bánh mì bì, hay bánh tằm... Tôi tưởng chúng bán hàng bằng lục bình hay đại loại vậy. Nhưng rồi mẹ My gào lên: "Tui không về chắc cháy nhà quá. Tụi nó vo gạo bỏ vô chén rồi đặt vô nồi cơm điện nấu, cháy đen thui cái nồi rồi". 

Một hôm, tôi nghe tiếng chày giã lọc cọc cùng tiếng lao xao của đám nhóc: "Nước hoa hồng này thơm lắm nè, đẹp da lắm nè...”. Tôi đến gần coi thì thấy một rổ hoa hồng được hái trụi từ cây hoa hồng yêu quý của ngoại. Chúng cho hoa hồng vào cối giã nhuyễn, lấy nước rồi hòa với... nước rửa chén để tạo thành phẩm “nước hoa hồng sủi bọt”, rồi khoe "mẹ, con pha chế nước hoa hồng y chang của 
mẹ nè”.

Mẹ My, thím Tư Phô, má tôi… thay nhau kêu trời: tụi nó đổ hết chai nước rửa chén để thổi bong bóng rồi; bọn nhỏ bắc thang trèo cây mận rồi xô cái thang ngã bể chậu kiểng; chúng chui vô chuồng gà đẻ làm bể trứng... 

Theo phụ nữ TPHCM