Muốn điều chỉnh hành vi của trẻ thời màn hình, tăng thời gian ngoài trời
Cập nhật lúc 15:20, Thứ tư, 09/09/2020 (GMT+7)
Dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời và rút ngắn thời gian ngồi trước màn hình sẽ giúp cải thiện sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên trong thời kỹ thuật số, theo báo cáo đăng trên chuyên san PLOS ONE.
Ảnh minh họa - AFP/GETTY
Dựa trên dữ liệu của 186 báo cáo đã được công bố trước đó, các nhà nghiên cứu phát hiện trẻ em và thanh thiếu niên nhiều khả năng mắc các vấn đề về tâm lý lẫn hành vi, đồng thời xuất hiện các triệu chứng quá khích, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), nếu chúng suốt ngày mải mê xem màn hình trên các nền tảng như thiết bị game cầm tay, máy tính bảng, máy tính đến truyền hình.
Không những thế, các em còn có thể gặp trở ngại trong quá trình học tập hoặc phát triển các hoạt động xã hội.
Ngược lại, các nguy cơ trên giảm đáng kể nếu trẻ dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời và tiếp cận được không gian xanh trong lúc chơi đùa và học tập.
“Nhìn chung, các cuộc nghiên cứu cho thấy thời lượng ngồi trước màn hình gia tăng có liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm sinh lý bất ổn, trong khi không gian xanh cho phép trẻ phát triển tâm sinh lý tốt hơn”, theo đồng tác giả báo cáo Tassia Oswald, nghiên cứu sinh ngành y tế công cộng của Đại học Adelaide (Úc).
Báo cáo được công bố trong bối cảnh ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới đang mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Ví dụ, tại Mỹ, gần 7% (tức 4,5 triệu em) tuổi từ 3-17 được chẩn đoán có vấn đề về hành vi, theo ước tính của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Trung bình, các em dành từ 4-6 giờ/ngày ngồi trước màn hình, và trong thời gian này có thể tiếp cận những nguồn tin bạo lực hoặc thông tin sai lệch.
Theo thanhnien