Mỹ điều tra chính sách 'tuyển sinh kế thừa' của ĐH Harvard
Cập nhật lúc 22:42, Thứ tư, 26/07/2023 (GMT+7)
Bộ Giáo dục Mỹ đang điều tra về chính sách “tuyển sinh kế thừa” của ĐH Harvard, sau đơn khiếu nại của 3 nhóm dân quyền hồi đầu tháng 7.
|
|
Sinh viên trong khuôn viên ĐH Harvard (Mỹ). Ảnh: REUTERS |
Bộ Giáo dục Mỹ đang điều tra về chính sách “tuyển sinh kế thừa” của ĐH Harvard, theo tờ The Guardian. Sau thông báo trên, Bộ Giáo dục Mỹ không đưa ra thêm bình luận nào.
“Tuyển sinh kế thừa” là cách tuyển sinh ưu tiên những ứng viên có quan hệ với các nhà tài trợ và cựu sinh viên. Đây cũng là một thông lệ được nhiều trường đại học trên khắp nước Mỹ vận dụng.
Theo hãng tin Reuters, Thư ký báo chí Nhà Trắng - bà Karine Jean-Pierre không muốn bình luận trực tiếp về cuộc điều tra. Bà Jean-Pierre cho biết Tổng thống Joe Biden nhìn chung phản đối chính sách “tuyển sinh kế thừa”.
Theo bà Jean-Pierre, Tổng thống Biden từng nói rõ rằng "việc tuyển sinh kế thừa sẽ kìm hãm khả năng xây dựng các nhóm sinh viên đa dạng của chúng ta".
Ngày 25-7, người phát ngôn của ĐH Harvard cho biết nhà trường đã xem xét các chính sách tuyển sinh của mình để đảm bảo tuân thủ luật pháp.
“Harvard vẫn tận tâm mở ra những cánh cửa cơ hội và tăng gấp đôi nỗ lực để khuyến khích sinh viên từ nhiều hoàn cảnh khác nhau đăng ký nhập học” - người phát ngôn của ĐH Harvard nói.
Hồi đầu tháng 7, 3 nhóm dân quyền ở Mỹ đã đệ đơn khiếu nại lên Bộ Giáo dục Mỹ. Họ cho rằng chính sách “tuyển sinh kế thừa” của ĐH Harvard mang lại ưu thế cho sinh viên da trắng và vi phạm các chính sách liên bang, thể hiện sự phân biệt đối xử với các ứng viên thiểu số.
Trong đơn khiếu nại của mình, 3 nhóm dân quyền trên lập luận gần 70% ứng viên nộp đơn vào ĐH Harvard có quan hệ gia đình, hoặc có liên quan với các nhà tài trợ là người da trắng.
Trước đó, vào cuối tháng 6, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết cấm sử dụng yếu tố chủng tộc trong tuyển sinh đại học.
Theo plo