Khuôn viên Đại học Harvard ngày 20-4 - Ảnh: BLOOMBERG
Ngày 6-7, Cơ quan Thực thi hải quan và di trú Mỹ (ICE) thông báo du học sinh quốc tế sẽ phải rời khỏi Mỹ nếu trường đại học mà họ đang theo học chỉ dạy trực tuyến vào mùa thu này. Nếu muốn ở lại, sinh viên sẽ phải chuyển sang các cơ sở giáo dục khác vẫn còn giảng dạy trực tiếp.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh các trường đại học trên toàn nước Mỹ đang bắt đầu chuyển sang học trực tuyến do hậu quả của đại dịch COVID-19. Như tại Harvard, tất cả khóa học đều sẽ diễn ra trực tuyến và hạn chế sinh viên sống trong khuôn viên trường.
Thông báo của ICE áp dụng với những người đang sở hữu các loại visa F-1 và M-1, vốn là visa cho các du học sinh theo học những ngành học thuật và học nghề.
"Chúng tôi không buộc các trường đại học mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nếu trường không mở cửa vào học kỳ này thì không có lý do gì để du học sinh ở lại đây. Họ nên về nhà. Họ có thể quay lại khi trường mở cửa", ông Ken Cuccinelli - quyền giám đốc của Cơ quan Di trú và nhập tịch Mỹ (USCIS) - nói với Đài CNN.
Ông Cuccinelli được cho là người ủng hộ trung thành đối với quan điểm cứng rắn của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề nhập cư. Thời điểm ông Cuccinelli nhậm chức quyền giám đốc USCIS năm 2019, phe Dân chủ gọi ông là "một kẻ chống đối nhập cư".
Quay lại hiện tại, trùng với thời điểm ICE đưa ra thông báo trên, bản thân ông Trump ngày 7-7 đã đăng tweet ám chỉ các đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ không muốn trường học mở cửa lại vì lý do chính trị.
"Trường học phải mở cửa vào mùa thu" là dòng tweet ngắn gọn của ông Trump.
Tổng thống Mỹ cũng không ngần ngại cho biết sẽ gây sức ép để thống đốc các bang mở cửa trở lại vào mùa thu tới trong bối cảnh diễn biến dịch ở Mỹ vẫn đang phức tạp và có chiều hướng gia tăng số ca nhiễm virus corona chủng mới.
Các doanh nghiệp cũng muốn nhanh chóng mở cửa trường học để các phụ huynh có thể quay lại làm việc nhằm khôi phục kinh tế.
Nhưng căn nguyên sâu xa hơn đằng sau việc ráo riết mở cửa lại trường học của ông Trump, theo bình luận viên Jill Filipovic của Đài CNN, là khi các trường cao đẳng, đại học chuyển hoàn toàn sang dạy học trực tuyến, chẳng khác gì truyền đi thông điệp rằng nước Mỹ chưa an toàn trước COVID-19.
Thông điệp đó chắc chắn không đem lại bất kỳ lợi ích gì cho cuộc đua bám trụ Nhà Trắng của ông Trump.
Ở cấp độ lớn hơn, động thái của ICE cho thấy chính quyền ông Trump đang tận dụng dịch COVID-19 để thúc đẩy chương trình nghị sự chống người nhập cư, sau rất nhiều các động thái trước đó nhằm làm cho Mỹ thu hẹp cánh cửa với người nhập cư.
Ngày 8-7, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ cắt ngân sách liên bang dành cho các trường học không mở cửa trở lại cho học sinh đến học trực tiếp trong mùa Thu tới, đồng thời chỉ trích Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) quá cứng nhắc với các hướng dẫn về việc mở lại trường học. Ông Trump viết trên Twitter: "Phe Dân chủ nghĩ rằng sẽ rất tệ với họ về chính trị nếu các trường học của Mỹ mở cửa trở lại trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11, nhưng điều đó là quan trọng đối với trẻ em và các gia đình. Trường nào không mở cửa lại sẽ bị cắt ngân sách". |
Nước Mỹ chỉ thiệt nếu vắng bóng sinh viên quốc tế "Vào thời điểm mà sinh viên quốc tế đến Mỹ suy giảm, nước Mỹ sẽ có nguy cơ mất đi những tài năng toàn cầu do những chính sách gây tổn hại về mặt học thuật và kinh tế", ông Keith Esther Brimmer, giám đốc Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA, cho biết. Thiệt hại thứ hai của nước Mỹ không gì khác ngoài kinh tế. Cũng theo NAFSA, sinh viên quốc tế tại Hoa Kỳ đã đóng góp gần 41 tỉ USD trong năm học 2018-2019. Thực tế, 1/3 số sinh viên quốc tế ở Mỹ là đến từ Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, theo Viện Giáo dục quốc tế. Còn theo CNBC, việc cắt giảm sâu ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đã gây áp lực buộc các trường phải nhận nhiều sinh viên cần ít hỗ trợ hơn. Đó là lý do tại sao rất nhiều trường đại học tại Mỹ đang dựa vào doanh thu từ sinh viên nước ngoài, những người đang trả rất nhiều tiền để theo đuổi nền giáo dục hàng đầu. "Năm nay, dịch COVID-19 khiến số lượng ghi danh giảm đáng kể, sinh viên quốc tế còn rời đi nữa thì các trường sẽ bớt hỗ trợ học phí cho sinh viên Mỹ. Như vậy sinh viên Mỹ sẽ phải đóng nhiều tiền học hơn", theo ông Hafeez Lakhani - chủ tịch đơn vị tư vấn giáo dục Lakhani Coaching có trụ sở tại New York. |
Theo tuoitre