Ảnh minh hoạ

Đầu năm học 2019-2020, cô Mandy Manning, giáo viên tiếng Anh trường trung học Joel E. Farris, Washington (Mỹ), người nhận giải Giáo viên của năm 2018-2019, chia sẻ năm điều bố mẹ nên làm để theo sát quá trình học tập của con.

Cởi mở với nhận xét của giáo viên

Đối với phụ huynh, việc lắng nghe nhận xét của giáo viên về ý thức, năng lực học tập của con không thật sự dễ dàng, đặc biệt là người kỳ vọng nhiều vào con. Nhiều bố mẹ cảm thấy như thầy cô đang nói về một đứa trẻ khác chứ không phải con mình bởi những gì trẻ thể hiện trên lớp không giống ở nhà.

Cô Manning khuyên phụ huynh nên đặt mình vào vị trí của giáo viên. Việc luôn dành lời khen cho một đứa trẻ không phải lúc nào cũng tốt, có thể gây ra sự ảo tưởng của bố mẹ về khả năng của con. Cởi mở lắng nghe những phản hồi của thầy cô, cùng tìm ra cách giải quyết phù hợp tránh làm tổn thương trẻ mới là cách tốt nhất giúp con bạn thay đổi tích cực.

Duy trì liên lạc với giáo viên

Cách dễ nhất để gặp gỡ và nói chuyện với giáo viên là thông qua những buổi họp phụ huynh. Tuy nhiên, để duy trì liên lạc với thầy cô giáo, phụ huynh cần chủ động xin số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội (nếu được). Việc liên lạc có thể giúp bố mẹ và đại diện nhà trường nắm bắt kịp thời thông tin, dành cho trẻ sự quan tâm đúng lúc và hợp lý nhất. 

Liệu sắp tới gia đình bạn có kế hoạch đi du lịch hay có trận cãi vã nào vừa xảy ra, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ? Chia sẻ những điều đó để giáo viên có thể hỏi thăm, động viên trẻ trên lớp, tránh việc trẻ không tập trung học, bị cô lập cảm xúc. Việc duy trì liên lạc với giáo viên cũng giúp thầy cô hiểu hơn về thói quen và tính cách của trẻ khi ở nhà, từ đó có những điều chỉnh giúp trẻ thay đổi một số thói quen xấu.

Có mặt trong các hoạt động tại trường 

Mặc dù phụ huynh đều bận rộn với những công việc riêng, nhưng hãy cố gắng thay nhau đến tham dự, hỗ trợ trẻ trong các hoạt động ngoại khóa. Nếu con bạn là nhân vật chính trong các hoạt động thể thao, múa hát, diễn kịch..., sự hiện diện của bạn có ý nghĩa càng lớn. Sẽ rất tuyệt vời khi trẻ thấy bố mẹ trong đám đông, dõi mắt nhìn theo và khích lệ chúng. 

Việc có mặt tại các hoạt động ngoại khóa của con còn giúp phụ huynh thêm cơ hội gặp gỡ, giao tiếp với giáo viên, bạn bè của trẻ, các phụ huynh khác.

Giám sát việc sử dụng công nghệ tại nhà

Dù lên mạng để giải trí một cách lành mạnh nhưng việc sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập trung của trẻ trong lớp. Phụ huynh cần đảm bảo thiết bị này không làm gián đoạn giấc ngủ và thời gian nghỉ ngơi cần thiết sau một ngày học tập tại trường.

Bố mẹ có thể thiết kế không gian ngủ của trẻ thành nơi không có thiết bị công nghệ như TV, máy chơi game và hẹn giờ tắt tất cả thiết bị điện tử. Nếu muốn sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính, trẻ cần đến một khu vực nhất định, để lại thiết bị tại đó sau khi dùng trong thời gian cho phép.

Giúp trẻ xây dựng thói quen tốt và lịch trình trong ngày

Các thói quen tốt và lịch trình được sắp xếp hợp lý sẽ giúp trẻ tránh được cảm giác quá tải mỗi khi đến hạn chót một công việc nào đó. Cô Manning cho rằng, không nên ép trẻ học quá nhiều, đặc biệt là khi mới đến trường. Khi trẻ về nhà sau một ngày đi học, cha mẹ hãy để trẻ tham gia các hoạt động mình thích. 

Việc xây dựng lịch trình xen kẽ hợp lý giữa học và chơi sẽ tạo cho trẻ những thói quen tốt. Nếu ngay từ nhỏ, con bạn có thể tuân thủ kế hoạch được sắp xếp thì không chỉ giúp ích cho trẻ ở hiện tại mà còn giúp con thoát khỏi áp lực, khủng hoảng trong học tập và công việc sau này.

Theo vnexpress