1. Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc)
Điểm đánh giá: 84,9/100.
Đại học Thanh Hoa thành lập năm 1911, trải qua nhiều thay đổi và trở thành đại học đào tạo đa ngành trong hơn 30 năm qua. Trường cung cấp 51 chương trình bậc cử nhân và hơn 200 chương trình sau đại học, được biết đến là một trong những đại học ưu tú nhất Trung Quốc, chỉ nhận những sinh viên đạt điểm cực cao trong các kỳ thi quốc gia (gaokao).
So sánh với các trường khác trong phạm vi toàn cầu, Đại học Thanh Hoa cũng được đánh giá cao. Trường nằm trong top 20 trên bảng xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education (THE), đứng trong top 30 ở ngành kỹ thuật và công nghệ, khoa học đời sống, vật lý, khoa học máy tính và kinh doanh. Nhiều sinh viên tốt nghiệp trường có ảnh hưởng trong và ngoài nước, đặc biệt nhất là trong nền chính trị Trung Quốc.
Khuôn viên Đại học Thanh Hoa nằm ở phía tây bắc của Bắc Kinh. Các tòa nhà có sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống của Trung Quốc và phong cách hiện đại của phương Tây. Nằm trên vị trí cũ của khu ngự uyển thời nhà Thanh, khu vườn trường nổi tiếng là một trong những khu vườn đẹp nhất thế giới.
2. Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc)
Điểm đánh giá: 83,9/100.
Đây là trường đại học quốc gia hiện đại đầu tiên ở Trung Quốc, được thành lập vào cuối thế kỷ 19. Hiện trường được biết đến như một trung tâm cho tư tưởng tiến bộ và nghiên cứu xuất sắc với 216 trung tâm nghiên cứu, cùng thư viện đại học thuộc hàng lớn nhất châu Á, chứa 11 triệu đầu sách và nguồn tài liệu khác.
Nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc ở Trung Quốc là cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh. Ba người đoạt giải Nobel cũng có liên quan đến cơ sở giáo dục đại học này.
Sau khi di dời vào năm 1952, khuôn viên chính của trường hiện nằm trên địa điểm cũ của các khu vườn triều đại nhà Thanh. Hiện, trường vẫn giữ được một số đặc điểm và cảnh quan ban đầu như các khu vườn, chùa và công trình lịch sử. Cổng vào khuôn viên có những bức tranh tường trên trần nhà và là điểm thu hút du khách.
3. Đại học Quốc gia Singapore - NUS (Singapore)
Điểm đánh giá: 83,1/100.
Là cơ sở lâu đời nhất ở Singapore và lớn nhất về số lượng sinh viên, Đại học Quốc gia Singapore kết hợp sự xuất sắc của nghiên cứu và sự đổi mới sáng tạo. Trường được xếp trong top 25 thế giới với điểm số đặc biệt cao ở tiêu chí nghiên cứu và triển vọng quốc tế, thành tích nổi bật trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Điều này không khó hiểu vì từ ba thập kỷ trước, trường này đã hình thành một trung tâm dành riêng cho đổi mới và doanh nghiệp công nghệ.
NUS sử dụng phương pháp giảng dạy theo phong cách Anh thông qua hướng dẫn nhóm nhỏ và tín chỉ khóa học theo phong cách Mỹ để đáp ứng các yêu cầu về bằng cấp. Các chương trình cấp bằng linh hoạt giúp sinh viên dễ dàng lựa chọn, chuyển đổi ngành học.
Các cựu sinh viên nổi tiếng gồm bốn thủ tướng và tổng thống Singapore, hai thủ tướng Malaysia, và nhiều chính trị gia, doanh nhân tên tuổi.
4. Đại học Hong Kong - HKU (Hong Kong)
Điểm đánh giá: 76,3/100.
Đại học Hong Kong được thành lập bởi thống đốc Anh vào năm 1911 nhưng bắt đầu tích hợp văn hóa và giáo dục Trung Quốc vào các khóa học từ năm 1927, khi bằng cấp đầu tiên bằng tiếng Trung được cung cấp. Tuy vậy đến nay, ngôn ngữ giảng dạy chính vẫn là tiếng Anh.
Trường tuyển sinh rất chọn lọc. Một sinh viên quốc tế phải cạnh tranh với khoảng 12 bạn khác để vào trường. Còn đối với sinh viên đến từ Trung Quốc đại lục, cứ 31 đơn đăng ký thì chỉ có một đơn được chấp thuận.
Sinh viên tốt nghiệp HKU về cơ bản đã tham gia vào việc xây dựng cảnh quan chính trị, kinh tế và văn hóa hiện đại của Trung Quốc. Nhiều người cũng đang giữ các vị trí cấp cao trong khu vực tư nhân.
5. Đại học Công nghệ Nanyang - NTU (Singapore)
Điểm đánh giá: 75.7/100.
Đại học Công nghệ Nanyang đã tăng một bậc trong bảng xếp hạng các trường đại học châu Á năm 2021. Trên bảng xếp hạng thế giới, trường xếp trong top 50 và được đánh giá cao ở lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, khoa học máy tính.
NTU gồm sáu trường thành viên cũng như một số viện bao gồm Viện Giáo dục Quốc gia Singapore và Đài quan sát Trái đất của Singapore. Vườn Vân Nam của trường là khuôn viên đại học lớn nhất ở Singapore và thường được coi là một trong những khuôn viên đại học đẹp nhất thế giới.
Năm nay, có 551 trường thuộc 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia bảng xếp hạng đại học châu Á của THE, tăng hơn 50 trường so với năm ngoái. Việc xếp hạng được THE dựa trên bộ tiêu chí với 13 chỉ số thuộc 5 nhóm: Giảng dạy (30%), nghiên cứu (30%), trích dẫn (30%), thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ (7,5%) và triển vọng quốc tế (7,5%). Với đánh giá này, trường không phải là đại học nghiên cứu hoặc không mạnh về nghiên cứu khó có thể góp mặt.
Theo vnexpress