Không ít chị em kiệt sức vì các trách nhiệm thời đại dịch. Ảnh minh họa
Một phụ nữ giấu tên viết thư đến mục tâm sự trên tạp chí Telegraph chia sẻ: “Chồng tôi trở lại văn phòng làm việc toàn thời gian vào đầu tháng Sáu, vì thế tôi phải đảm trách hết việc nhà, từ giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp đến chăm sóc ba đứa con nhỏ. Chưa kể còn phải giúp chúng học trực tuyến.
Vấn đề là, tôi cũng đang làm việc tại nhà. Tôi cảm thấy kiệt sức với những đòi hỏi không dứt, nhưng cũng cảm thấy tội lỗi mỗi khi nổi cáu. Tôi không làm nên trò trống gì, những gì tôi làm đều dưới mức trung bình. Nhưng tôi nào có lựa chọn khác. Chồng tôi cũng bỏ ra 12 tiếng mỗi ngày cho công việc, nên anh ấy cũng căng thẳng không kém. Tôi cảm thấy kiệt sức”.
Trường hợp trên không phải là cá biệt kể từ khi đại dịch bắt đầu. Khoảng cách giới trong thời kỳ phong tỏa đã kéo vị trí người phụ nữ xuống giai đoạn những năm 1950. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, các bà mẹ nằm trong số 47% có khả năng bỏ hay mất việc so với các ông bố.
Thêm vào đó, khoảng cách giới càng rộng thêm khi những con số cho thấy các bà mẹ dành 12 tiếng mỗi tuần, nhiều hơn so với các ông bố, cho công việc chăm sóc con cái, nhà cửa.
Mục tâm sự đã nhận được chia sẻ của nhiều trường hợp như phụ nữ bắt đầu làm việc từ 5g30 sáng, dành ba tiếng cho việc công sở, sau đó giúp con học trực tuyến, để rồi sẽ lại tiếp tục công việc trong mỗi 30 phút. Hay nhiều phụ nữ phải trốn trong phòng ngủ của con để thực hiện các cuộc họp trên zoom.
Trong khi đó, nhiều chia sẻ cho thấy các ông bố thức dậy lúc 8g30, vào phòng làm việc tại nhà, chỉ xuất hiện tại bàn ăn lúc 1g chiều, rồi vào lại phòng làm việc cho đến 7g tối, nhắm mắt làm ngơ với việc nhà ngổn ngang.
Trong suốt thời kỳ phong tỏa, trách nhiệm của các bà mẹ trong việc chăm sóc con cái tăng từ 27% lên 45% theo khảo sát của trường đại học Sussex. Khoảng 70% phụ nữ cũng cho rằng đảm trách hoàn toàn hay hầu hết việc dạy học cho con cái là hình mẫu của những năm 50, khi đàn ông kiếm tiền và phụ nữ chỉ chăm con.
Ngay cả bà Helena Morrissey, nhà hoạt động nhân quyền và tài chính của Anh, một phụ nữ chín con và có chồng nội trợ cũng lên tiếng không hiểu tại sao trong suốt thời kỳ phong tỏa, bà phải thu dọn chén đĩa trong máy rửa chén nhiều hơn trước.
Bên cạnh việc nhà và chăm con, thời kỳ phong tỏa cũng cho thấy phụ nữ bị kỳ thị trong các buổi họp trực tuyến. Hơn một phần ba phụ nữ cho biết họ bị nhắc nhở phải mặc đồ “sexy” hơn hoặc nên trang điểm trong các buổi họp. Phần lớn những gợi ý không mấy dễ nghe này đến từ sếp nam, với ý đồ “dễ dàng lấy được nhiều hợp đồng hơn”.
Vừa trông con vừa làm việc là một thách thức không nhỏ với nhiều bà mẹ. Ảnh minh họa
Có khoảng một nửa nhân lực đang làm việc tại nhà, khi Anh bắt đầu lệnh phong tỏa từ tháng Ba, và các phần mềm họp trực tuyến như Zoom và Microsoft Teams trở nên rất phổ biến. Theo kết quả một cuộc khảo sát với 2.000 nhân viên, có 35% phụ nữ cho biết ít nhất một lần họ là tâm điểm của những nhận xét về giới tính. Hơn một phần ba thì bị nhắc nhở nên trang điểm hay làm tóc, trong khi đó, 27% được yêu cầu nên mặc đồ “quyến rũ” hơn.
Một phần ba phụ nữ cho rằng họ không thể nêu thắc mắc khi bị nhắc nhở như thế, vì sợ bị đánh giá là người không có khiếu khôi hài và không biết đùa. Một phần tư phụ nữ lại cho rằng họ sợ mất việc hay ảnh hưởng đến công việc, nếu không chấp hành những lời đề nghị liên quan đến ngoại hình của họ.
Cựu thủ tướng nước Anh Thatcher từng có một lời nói đùa mỉa mai: “Nếu muốn một điều gì đó được phát biểu, hãy hỏi một người đàn ông; nếu muốn một điều gì đó được thực hiện, hãy hỏi một người phụ nữ”.
Trở lại câu chuyện của người phụ nữ giấu tên trên mục tâm sự, chuyên viên tư vấn khuyên cô hãy đối thoại thẳng thắn với chồng, thay vì đi than thở với bạn bè. Cô cũng không nên cảm thấy tội lỗi khi mình không thể đảm nhận hết mọi việc.
Anna Whitehouse, một người làm mẹ, nhà báo, biên tập và sáng lập trang Mother Pukka đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Trung bình tám tiếng cho công việc, sáu tiếng dạy con học, 12 tiếng làm mẹ, tổng cộng là 26 tiếng. Phép toán hoàn toàn sai ở đây”.
Các chuyên gia cũng khuyên cô nên đề nghị chồng làm việc ở nhà một ngày trong tuần, giúp cô một số việc nhà và trông con cái, giúp cô có một khoảng trống để làm việc, để thở và suy nghĩ. Cô cũng có thể thỏa thuận với sếp để có giờ làm việc linh hoạt hơn một cách tạm thời.
Cuối cùng, nói chuyện với các chuyên gia tâm lý cũng là một cách giải tỏa những vướng mắc và căng thẳng trong tâm lý.
Theo phunuonline