Kazi Rayan bin Hassan - một học sinh trung học 15 tuổi ở thủ đô Dhaka của Bangladesh - chia sẻ: “Nóng không chịu nổi. Cháu cảm thấy da bỏng rát khi những tia nắng chiếu vào”.

Nhiều khu vực ở miền đông Ấn Độ cũng phải đóng cửa trường học, khi nắng nóng kỷ lục khiến ít nhất 9 người thiệt mạng trong tháng Tư. Ngày 1/5, các trường công ở Campuchia được hướng dẫn rút ngắn 2 giờ học mỗi ngày để tránh nhiệt độ nóng nhất vào giữa trưa.

Cảnh báo về nhiệt độ “cực kỳ nguy hiểm” và nguy cơ say nắng cũng bao trùm Philippines, nơi việc giảng dạy trực tiếp đã bị đình chỉ vào 2 ngày cuối tháng Tư. Zarah Gagatiga - giáo viên trung học và thủ thư ở TP Biñan, tỉnh Laguna - cho biết: “Đã có những trường hợp học sinh đau bụng, đau đầu, đau nửa đầu vì nắng nóng”.

leftcenterrightdel
 Một nữ sinh ở Bangladesh phải ở nhà khi quốc gia Nam Á hứng chịu một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất lịch sử - ẢNH: MUNIR UZ ZAMAN (AFP/Getty Images)

Cô Zarah cho rằng tác động từ biến đổi khí hậu đã khiến quá trình học tập của các em càng trở nên khó khăn hơn. Liên hiệp quốc (LHQ) ước tính, khoảng 243 triệu trẻ em ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã “tiếp xúc với những đợt nắng nóng khắc nghiệt và kéo dài hơn bình thường”, khiến các em có nguy cơ mắc “nhiều bệnh liên quan đến nhiệt và thậm chí tử vong”.

Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cảnh báo: “Trẻ nhỏ có nguy cơ tử vong và bệnh tật liên quan đến nhiệt cao nhất, bao gồm các bệnh hô hấp mạn tính, hen suyễn và các bệnh tim mạch”.

Việc đóng cửa trường học nhiều lần ở một khía cạnh khác có thể làm tăng thêm những khó khăn mà học sinh từng trải qua trong đại dịch. Theo LHQ, khoảng 17% trẻ em trong độ tuổi đi học trên toàn cầu đang thất học. Tỉ lệ này lớn hơn nhiều ở các nước đang phát triển, với gần 1/3 trẻ em ở khu vực châu Phi cận Sahara thất học so với mức 3% ở Bắc Mỹ.

Điểm kiểm tra của trẻ em ở các nước đang phát triển cũng tụt xa so với trẻ ở các nước phát triển. Các chuyên gia cho biết, nhiệt độ có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, làm gia tăng khoảng cách học tập giữa các quốc gia đang phát triển nằm ở vùng nhiệt đới và các nước phát triển, thậm chí là giữa các khu dân cư giàu và nghèo ở cùng quốc gia.

Nhiệt độ cao làm chậm chức năng nhận thức của não, giảm khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin của học sinh. Một nghiên cứu vào tháng 5/2020 cho thấy, học sinh trung học ở Mỹ thể hiện kém hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn nếu họ tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn trong vòng 1 năm trước kỳ thi.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kinh tế Mỹ cho thấy, kết quả học tập của học sinh giảm 1% trong năm học có nhiệt độ ấm hơn 0,55 độ C so với mức trung bình hằng năm. Phần lớn tác động trên biến mất ở những trường học có trang bị máy điều hòa.

Đối với cậu học sinh Hassan ở Bangladesh, con đường đến trường là hành trình kéo dài 15 phút bằng xe kéo. Các thầy cô giáo của Hassan đã khuyên học sinh nên mang theo đủ nước và hạn chế các hoạt động thể chất nhiều nhất có thể.

Hassan nói: “Mọi học sinh cần phải đem theo ít nhất 1 lít nước khi đi học. Cháu rất nhớ môn bóng đá vì không thể chơi bóng dưới cái nắng gay gắt. Những ngày này, thậm chí việc chạy cũng trở nên khó khăn”.

Theo phụ nữ TPHCM