|
|
Triết lý phát triển bền vững được xem là kim chỉ nam để anh Quách Kiến Lân xây dựng thương hiệu thời trang của mình. Ảnh: NVCC. |
Lựa chọn New Zealand là điểm đến cho hành trình khám phá tri thức, rất nhiều người tìm thấy lời giải và kim chỉ nam cho định hướng sự nghiệp của bản thân. Sự thay đổi về kỹ năng, tư duy cùng tầm nhìn dài hạn, bền vững là hành trang mà xứ sở Kiwi - quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới - chuẩn bị cho thế công dân toàn cầu.
Nền tảng vững chắc để định hướng tương lai
Lựa chọn New Zealand là điểm đến cho hành trình khám phá tri thức, anh Quách Kiến Lân (Dave Quách), cựu sinh viên ngành Kinh tế tại Đại học Massey, tìm thấy lời giải và triết lý “giá trị bền vững” cho định hướng phát triển doanh nghiệp của gia đình.
Xuất phát điểm là “con nhà nòi” trong gia đình có truyền thống gần nửa thế kỷ kinh doanh hàng may mặc, anh Kiến Lân mang trong mình niềm đam mê thời trang. Song, anh cũng hiểu rõ công nghiệp thời trang là ngành đứng thứ 2 về mức độ gây ô nhiễm môi trường, chỉ sau dầu mỏ. Việc cân bằng giữa sự phát triển dài hạn của công ty và tạo ra giá trị cho xã hội là điều anh Lân luôn tìm kiếm. Chính băn khoăn này đã thôi thúc anh đi tìm câu trả lời ở quốc gia theo đuổi những giá trị bền vững: New Zealand.
Dành 10 năm học tập, sinh sống tại xứ sở Kiwi, anh Quách Kiến Lân thấu hiểu được những giá trị cốt lõi của lối sống bền vững hiện hữu trong từng ngóc ngách ở vùng đất này.
"Khoảng thời gian tại New Zealand cho tôi rất nhiều trải nghiệm về triết lý bền vững ngay trong những điều thường nhật. Từ việc cây cối phủ xanh đến không khai thác khoáng sản quá độ cũng như đánh bắt cá trong kích cỡ, số lượng cho phép, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ cây cỏ thay cho sản phẩm hóa học và cả cách người dân nơi đây giữ gìn văn hóa Maori... tất cả đều cho thấy con người - thiên nhiên sống rất dung hòa với nhau”, anh Lân bày tỏ.
Lấy cảm hứng từ lối sống xanh của xứ sở Kiwi, anh Quách Kiến Lân thành lập công ty vải sợi Bảo Lân, chuyên sản xuất vải xuất sợi và vải xu hướng xanh có nguồn gốc từ thiên nhiên. Thương hiệu thời trang tiếp nối truyền thống gia đình, lấy giá trị bền vững làm cốt lõi xây dựng, với mục tiêu nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cùng chung tay bảo vệ môi trường và tương lai.
Ngoài việc nghiên cứu các sản phẩm xanh cho ngành thời trang, anh Lân cũng hướng đến mô hình hệ sinh thái bao gồm “con người, môi trường và xã hội” lấy cảm hứng từ xứ sở Kiwi. Anh thường xuyên phối hợp với các đối tác giáo dục, truyền thông và tổ chức phi chính phủ để tổ chức hoạt động vì môi trường.
“Triết lý phù hợp với những giá trị mà tôi theo đuổi”
Sự cởi mở của nền giáo dục New Zealand không chỉ thu hút người học mà còn tạo nên điểm hấp dẫn đối với nhiều bạn trẻ đang hoạt động trong ngành sư phạm. Chương trình đào tạo đặt người học làm trung tâm là triết lý giáo dục khẳng định thế mạnh của quốc gia Kiwi. Chị Nguyễn Như Quỳnh, hiện là giáo viên tại trường Beckenham Te Kura ō Pūroto, đã thực hiện được ước mơ nghề giáo mà chị hằng ấp ủ nhờ chuyến du học tại New Zealand.
Vốn không theo nghiệp giảng dạy ngay từ đầu, nhưng công việc trợ giảng tại Việt Nam đã khơi gợi đam mê trồng người trong Như Quỳnh. Tưởng chừng như đây là điều khó khăn với một “tay ngang” ngành sư phạm, quyết định du học New Zealand đã mở ra một trang mới trong sự nghiệp giáo dục của chị.
“Yếu tố then chốt khiến mình chọn New Zealand là sự đồng cảm trong triết lý giáo dục mà mình theo đuổi. Đó chính là tinh thần học tập suốt đời và tôn trọng sự khác biệt.”, Như Quỳnh chia sẻ.
|
|
Tinh thần học tập suốt đời và tôn trọng sự đa dạng là những lý do khiến chị Như Quỳnh quyết định gắn bó với nền giáo dục New Zealand. Ảnh: NVCC. |
Quá trình học tập tại xứ Kiwi giúp Như Quỳnh nhận ra mục tiêu của giáo dục là hướng đến việc cá nhân hóa thay vì tạo ra những “sản phẩm sao chép”. Sự đa dạng, khác biệt là điều giáo viên 9X ấn tượng với nền giáo dục tại đây, điều này đảm bảo cơ hội tiếp cận tri thức công bằng cho người học.
“Giáo dục New Zealand không gò ép người giáo viên phải dạy theo một quy chuẩn cứng nhắc. Thay vào đó, họ chấp nhận mỗi giáo viên có một cách dạy khác nhau, và sự khác biệt đó đều được đón nhận miễn sao nó phù hợp với giáo viên và hiệu quả với học sinh", giáo viên trẻ cho hay.
Cùng với đó, Như Quỳnh cũng được học hỏi nhiều về cách dạy của giáo viên và có cơ hội đứng lớp như một cô giáo thực thụ thông qua việc giảng dạy thực tế tại các trường học. Những trải nghiệm này đã giúp cô giáo 9X ngày một hoàn thiện mình để tự tin đồng hành cùng các em học sinh.
Dung hòa triết lý sống New Zealand và văn hóa Việt Nam
Theo xếp hạng được công nhận toàn cầu của tổ chức Economist Intelligence Unit, New Zealand ba năm liền nằm trong top 3 nền giáo dục hướng tới tương lai. Không chỉ hướng đến chuẩn bị cho người học năng lực thích nghi với đa dạng môi trường làm việc, nền giáo dục xứ sở Kiwi còn trang bị những kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề.
Với thầy Nguyễn Hồng Ân (quyền Trưởng bộ môn Tâm lý học và Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu, Tham vấn Tâm lý của Đại học Hoa Sen), quãng thời gian học tập, làm việc tại New Zealand mang đến cho anh rất nhiều câu trả lời khi nghiên cứu về vấn đề tâm lý và cả những kỹ năng để luôn tìm ra ý tưởng mới giúp đỡ cộng đồng.
Các nghiên cứu của giảng viên trẻ hướng đến là ứng dụng kiến thức trị liệu tâm lý để mang lại sự phát triển và hạnh phúc cho mọi người và xã hội. Kết hợp ngành học của bản thân, dung hòa với triết lý bền vững lấy cảm hứng từ nền giáo dục Kiwi cùng thói quen, văn hóa của người Việt, trọng tâm nghiên cứu của thầy Nguyễn Hồng Ân là khái niệm an lạc (well-being).
|
|
Thầy Nguyễn Hồng Ân mong muốn mang đến chất lượng cuộc sống cao hơn thông qua Tâm lý học. Ảnh: NVCC. |
“Đích đến chung là niềm cảm hứng biết yêu thương, thấu hiểu tâm lý không chỉ đối với mọi người xung quanh mà còn phải học cách hiểu được bản thân để có được một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc”, thầy Hồng Ân nói.
Với người giảng viên trẻ, niềm cảm hứng từ tinh thần hướng đến cộng đồng cũng tác động đến mục tiêu nghề nghiệp của anh. Thông qua các tiêu chuẩn khoa học và đạo đức chuyên môn, thầy Hồng Ân mong muốn tâm lý học có thể góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Không chỉ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, thầy Nguyễn Hồng Ân cũng luôn chủ động đưa ra những ý tưởng mới cũng như các hoạt động để hỗ trợ những người xung quanh.
Tháng 4/2022 vừa qua, thầy Ân có cơ hội được gặp mặt Đại sứ New Zealand để nhận quỹ tài trợ cho một chương trình cộng đồng về Đào tạo Sơ cứu Tâm lý cho Giáo viên tại TP.HCM do chính giảng viên này xây dựng. Quỹ tài trợ này đặc biệt dành cho các cựu sinh viên từng du học tại New Zealand và có liệu trình học tập theo học bổng New Zealand ASEAN Scholar Award.
Theo zingnews