Chuyên đề Chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người chăm sóc trẻ tự kỷ được các phụ huynh quan tâm trong chương trình “Trái tim múa 6 - Tìm lại ước mơ” tổ chức trong 2 ngày 17 - 18/8.
|
|
Chuyên gia tâm lý Diệu Anh chia sẻ nội dung điều hòa tâm lý cho người chăm sóc trẻ tự kỷ |
1 trong 2 diễn giả của chuyên đề là chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh (khoa Tâm lý, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh). Chuyên gia tâm lý Diệu Anh cho biết, để tiến đến chấp nhận con mình tự kỷ, hầu hết phụ huynh trải qua nhiều giai đoạn tâm lý: chối bỏ, giận dữ, mặc cả, thậm chí trầm cảm.
Chuyên gia Diệu Anh nhấn mạnh: “Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người chăm sóc là việc vô cùng quan trọng. Phụ huynh nâng cao nhận thức về khuyết tật cho bản thân và cộng đồng; tham gia đội nhóm, người cũ tiếp sức cho người mới, học hỏi lẫn nhau; chấp nhận và cởi mở, giữ tinh thần lạc quan; kết hợp với các nhà chuyên môn trong việc chăm sóc và giáo dục con”.
Bà Diệu Anh cũng lưu ý việc phụ huynh tập trung chăm bẵm đứa con tự kỷ mà bỏ bê anh chị em của chúng, hoặc chồng/ vợ mình.
|
|
Gian hàng gây quỹ của trẻ tự kỷ |
Chị Nguyễn Thị B. (quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ rằng nhiều người mẹ mang áp lực chăm sóc nuôi dạy con tự kỷ, trong khi người chồng ít tham gia. Người phụ nữ thường sức vóc nhỏ bé, chăm con một mình rất đuối, nhất là các bé tự kỷ là nam. Chị B. cho rằng, nếu các ông chồng không tham gia vào việc chăm sóc con mà lo kinh tế và cho vợ chút động lực cũng là đáng mừng.
Chuyên gia tâm lý Diệu Anh phân tích, ở nền văn hóa Á Đông, câu chuyện dạy con thường giao cho người phụ nữ đảm trách. Tuy nhiên, không thể để mẹ “siêu nhân” gồng gánh còn cha đứng ngoài cuộc. Sẽ có hiệu quả tích cực khi cả nhà cùng gặp gỡ chuyên gia, lập kế hoạch và tham gia vào việc hỗ trợ con...
Anh Lê H. (quận 6, TPHCM) thú thật: “Thời gian đầu, tôi gặp khó khăn khi giao tiếp với con gái. Do con mắc tự kỷ, tôi không hiểu lời nói, hành động của con, tất cả phải thông qua vợ. Tôi hỏi, con không trả lời. Dần dà về sau, tôi nhận ra con khá dễ tiếp cận khi đang vui hoặc đang phụ giúp việc nhà. Có lúc do không hiểu, tôi đã bực tức, la mắng con. Giờ nghĩ lại, làm như vậy chỉ khiến con sợ hãi, không mở lòng với mình”.
Cũng trong chuyên đề này, bác sĩ - chuyên viên âm ngữ trị liệu Trần Thị Phượng (khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM) chia sẻ về cách chăm sóc trẻ tự kỷ tại nhà thông qua các hoạt động chức năng dành cho phụ huynh. Các nội dung cơ bản là về hoạt động ăn, đi vệ sinh, học, chơi, ngủ.
Bác sĩ Trần Thị Phượng cho rằng: “Chăm sóc 1 bạn tự kỷ là quá trình thử thách và đòi hỏi kiên nhẫn. Bằng cách hiểu và đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của trẻ, phụ huynh có thể giúp trẻ vượt qua các khó khăn và học được kỹ năng. Việc tạo ra môi trường hỗ trợ và sử dụng các chiến lược củng cố tích cực sẽ giúp quá trình này diễn ra suôn sẻ hơn”.
|
|
Nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều (đứng, bìa phải) xúc động thể hiện niềm mong mỏi nhiều gia đình có con em tự kỷ được tiếp cận và hỗ trợ |
"Trái tim múa 6 - Tìm lại ước mơ" là chuỗi hoạt động, biểu diễn nghệ thuật nhằm tôn vinh nghệ thuật múa và gây quỹ hỗ trợ phí chẩn đoán, học bổng khuyến học đến các gia đình khó khăn có con em là trẻ tự kỷ. Mục tiêu chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, cập nhật các kiến thức và kỹ năng tiếp cận cũng như hỗ trợ việc can thiệp sớm một cách hiệu quả vừa tạo cơ hội mở rộng môi trường hòa nhập của các bé. Dưới sự chỉ đạo của Hội Nghệ sĩ múa TPHCM, CLB “Trái tim múa” phối hợp cùng 2 đơn vị hỗ trợ trẻ tự kỷ: Tìm lại ước mơ, Doanh nghiệp xã hội Cùng con đi khắp thế gian; Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo Mê Kông tổ chức chương trình này.
Ôm người cha hiếm hoi có mặt tại hội thảo, nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TPHCM - nghẹn ngào: “Tôi rất cảm kích các phụ huynh đến đây để tìm điều tốt nhất cho con, để biết rằng mình không đơn độc trên hành trình chăm sóc, giáo dục con. Tôi biết không ít gia đình rất giàu nhưng vì mặc cảm đã giấu tình trạng tự kỷ của con. Mong những chương trình thế này lan tỏa để các gia đình có thêm kiến thức và chỗ dựa tinh thần để đồng hành với con”.
Theo phụ nữ TPHCM