leftcenterrightdel
 Tác phẩm mới do NXB Phụ nữ Việt Nam và Công ty cổ phần Văn hóa Sách Con mèo nhỏ liên kết thực hiện

Cuốn sách Đời sống thường nhật ở Nam kỳ giới thiệu đến công chúng 99 bức vẽ từ cách đây gần trăm năm. Tác phẩm do tác giả Nguyễn Quang Diệu sưu tầm tranh và định bản.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện cuốn sách, Nguyễn Quang Diệu cho biết lâu nay anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt với các nội dung liên quan đến vùng đất Nam kỳ. Trong đó, có chủ đề về lịch sử phát triển của đô thị và đời sống thường nhật của người dân.

Trong quá trình sưu tầm, tìm hiểu, anh được tiếp cận với bộ sách Monographie dessinée de l’Indochine (tạm dịch: Chuyên khảo vẽ về Đông Dương), được xuất bản bằng tiếng Pháp ở Paris năm 1935 và 1938. Sách do Jules Gustave Besson và các cộng sự trẻ thực hiện.

leftcenterrightdel
 Một góc chợ chuối Bà Chiểu được vẽ lại

Bộ sách Monographie dessinée de l’Indochine chia thành các phần khác nhau với 13 tập, tái hiện đời sống của người dân ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Phần Cochinchine (Nam kỳ, 6 tập) có dung lượng lớn nhất, mỗi tập gồm 40 tranh vẽ bằng bút chì, phần lớn được tô màu.

Từ số lượng tranh được tiếp cận, tác giả Nguyễn Quang Diệu chọn lọc và tập hợp thành tác phẩm gửi đến công chúng với tên gọi Đời sống thường nhật ở Nam kỳ.

Tác giả cho biết quá trình chọn lựa chủ đề ban đầu mất khá nhiều thời gian vì số lượng tranh lớn, phản ánh toàn bộ đời sống của người dân cả nước trong khi anh muốn đi vào những chủ đề hẹp, cô đọng hơn để độc giả dễ tiếp cận. Sau khi quyết định chọn chủ đề đời sống thường nhật ở Nam kỳ, các bước định bản, sắp xếp, thiết kế sau đó được thực hiện khá nhanh chóng.

leftcenterrightdel
 Nhiều hình ảnh khá quý về đời sống của người dân Nam kỳ trước đây được thể hiện trong sách

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt nhận định Đời sống thường nhật ở Nam kỳ là tác phẩm có giá trị. Về mặt mỹ thuật, các tranh thể hiện được cái thần, sự sinh động của xã hội, đời sống ở Nam kỳ xưa. Về nội dung, các tranh cho thấy nhiều mảnh ghép đời sống từ những hoạt động trồng lúa nước, trồng rau, trồng cau, cho tới cảnh buôn bán hay nếp sinh hoạt ở mỗi gia đình...

“Điều đặc biệt, trong tranh có nhiều hoạt động gắn với mảnh đất Sài Gòn - TPHCM hiện nay, như những sinh hoạt manh nha của một phố chợ đô thị. Đó là những hoạt động buôn bán, hàng quán như chợ Bình Tây, cầu Ông Lãnh, chợ Bà Chiểu... Sinh hoạt ngay trong gia đình từ chuyện ăn uống như thế nào, ăn mặc ra sao, hay bàn thờ gia tiên được đặt như thế nào...” - tiến sĩ Quách Thu Nguyệt chia sẻ.

Theo phụ nữ TPHCM