Ảnh: Shutterstocks
Bright side tổng hợp 6 cách giúp trẻ bớt ngang bướng, cha mẹ có thể tham khảo.
1. Cho con thấy mối liên hệ giữa hành vi và hậu quả
Để con nhận ra đã làm sai điều gì đó, bạn hãy cho con nhìn thấy hậu quả từ hành vi đó. Việc này giúp trẻ hiểu cách thế giới hoạt động, thấy trước hậu quả trong hành động của mình.
Cha mẹ không nên cố gắng ngăn chặn trẻ làm mọi thứ vì lo sợ hậu quả. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn bỏ mặc con hoàn toàn mà cần giám sát và sẵn sàng hỗ trợ giải quyết hậu quả.
Ví dụ nếu trẻ không chịu ăn bữa trưa, thay vì ép ăn khiến con khóc hoặc nôn, cha mẹ có thể đồng ý, để trẻ với cái bụng đói đến bữa tối.
2. Để con học hỏi từ những sai lầm
Cha mẹ có xu hướng bảo vệ con quá mức thay vì dạy con khắc phục hậu quả của hành vi và học hỏi kinh nghiệm từ đó. Cách tốt nhất là bạn giúp trẻ xử lý cảm xúc, hỗ trợ nếu cần vì việc này đòi hỏi trẻ phải có kỹ năng tự sửa lỗi.
Ví dụ ngày mai phải nộp bài tập về nhà cho giáo viên, nhưng trẻ mải chơi và không hoàn thành đúng hạn. Thay vì thức khuya và giúp con làm bài tập, cha mẹ nên để chúng bị điểm kém một lần cho nhớ, từ đó dạy con cách khắc phục để không lặp lại.
3. Tìm nguồn gốc của hành vi xấu
Đôi khi trẻ nổi cơn thịnh nộ không phải vì tính khí thất thường mà do không biết cách xử lý và bộc lộ cảm xúc. Khi đó, cha mẹ cần cho trẻ cơ hội nói chuyện tại một nơi yên tĩnh và hỏi lý do tức giận, sau đó giải thích trẻ cần thích ứng và chấp nhận những cảm xúc khác nhau. Bạn có thể cùng con xây dựng kế hoạch để đối phó và loại bỏ những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực.
Ví dụ bạn đi mua sắm với con và bỗng nhiên con bực bội hoặc cáu gắt mà không có lý do rõ ràng. Bạn nên đưa con ra khỏi chỗ đông người, hỏi xem liệu có phải con đói, mệt hoặc chỉ buồn chán, nhưng không biết thể hiện cảm xúc đúng cách.
4. Luôn giữ một "cái đầu lạnh"
Cha mẹ cần nhớ mình là người lớn và con chỉ là đứa trẻ. Việc trở nên mất kiểm soát trước con sẽ khiến bạn làm tổn thương cả hai. Nếu cảm thấy trong những cuộc tranh luận, bạn không giữ được bình tĩnh và bắt đầu la hét, hãy hít thở đều, cố gắng sắp xếp cảm xúc của bản thân và quay lại cuộc trò chuyện.
Ví dụ nếu trẻ gào khóc xin thêm đồ ngọt, thay vì hét lại hoặc thỏa hiệp, bạn hãy cứng rắn nói "Một miếng bánh là đủ cho hôm nay".
5. Chọn hình phạt phù hợp với lứa tuổi của trẻ
Nhiều cha mẹ muốn con hành động như người lớn càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng con không có kinh nghiệm và kiến thức như bạn nên cần lựa chọn hình phạt phù hợp, nếu không trẻ sẽ không hiểu tại sao mình bị phạt.
Ví dụ thay vì nói chuyện hàng giờ với một đứa trẻ mới biết đi về cảm xúc và hậu quả hành vi của chúng, bạn chỉ nên nói về một sự việc cụ thể trong 10-15 phút.
6. Lắng nghe ý kiến của con
Cho dù ở độ tuổi nào, con bạn có nhu cầu, mong muốn và tính cách riêng. Cha mẹ không nên suy nghĩ "trẻ con thì biết gì" mà cần cho trẻ cơ hội để nói và đưa ra lời giải thích. Bạn không nhất thiết phải nghe theo những gì trẻ nói, nhưng việc lắng nghe, giúp con hiểu vấn đề sẽ khiến quan điểm của bạn có sức nặng với trẻ hơn.
Ví dụ trẻ có một chương trình truyền hình yêu thích và không bao giờ bỏ lỡ, nhưng cả gia đình bạn được mời đến một bữa tiệc cùng nhau. Thay vì bắt ép trẻ đi trong khóc lóc, bạn có thể dỗ bằng cách hứa cho xem lại ngay khi về nhà.
Theo
vnexpress