Đại dịch khiến nhiều bom tấn Hàn Quốc trì hoãn phát hành.
Doanh thu phòng vé chạm đáy
Dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence và OPUSData cho thấy doanh thu phòng vé châu Á giảm kỷ lục, nhất là trong quý đầu của năm 2020 trùng với đợt bùng phát dịch COVID-19. Trung Quốc, thị trường đứng thứ 2 toàn cầu về lượng vé tiêu thụ chỉ sau Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) với tốc độ tăng trưởng lên đến khoảng 250% kể từ năm 2012, đã ghi nhận mức giảm sâu 97,4%.
Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi có tổng doanh thu phòng vé năm 2019 lần lượt là 2,4 và 1,6 tỷ USD, đã giảm xuống chỉ còn 190,3 và 139,5 triệu USD trong quý I. Ấn Độ, một thị trường lớn khác ở châu Á cũng gánh chịu thiệt hại khoảng 130 triệu USD khi cổ phiếu của PVR Cinemas (PVR) và INOX Leisure Limited (INOXLEISUR), hai nhà khai thác đa kênh lớn nhất của đất nước này, giảm mạnh hơn 40%, đây là mức giảm cao nhất mọi thời đại.
Đại dịch lan rộng buộc các quốc gia áp dụng nhiều biện pháp phong tỏa; đóng cửa các rạp chiếu phim trong thời gian dài được xem là nguyên nhân trọng yếu khiến doanh thu phòng vé lao dốc. Từ cuối tháng 6, các rạp mở cửa trở lại nhưng do tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp với các đợt tái bùng phát rải rác nên sự phục hồi của ngành điện ảnh vẫn khá ảm đạm.
Tính đến nay, tại Trung Quốc, hơn 13.000 công ty điện ảnh và truyền hình đã hủy đăng ký kinh doanh. Nhiều bộ phim dự kiến sản xuất trong năm nay bị thu hẹp hoặc tạm dừng do hơn 70.00 phòng chiếu tại 10.000 rạp chiếu phim ngưng hoạt động.
Mặc dù là một trong những quốc gia phục hồi nhanh nhất châu Á nhưng Hàn Quốc cũng đối mặt không ít khó khăn. Theo báo cáo của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), chỉ có 18 phim được sản xuất từ tháng 1-8/2020, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều bom tấn như Our Season, Bogota, Negotiations, Wonderland… liên tục bị trì hoãn lịch quay trong và ngoài nước.
Bên cạnh Đông Á, nền điện ảnh Đông Nam Á, tiêu biểu như Singapore, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia - 5 quốc gia thúc đẩy việc mở rộng thị trường phòng vé của khu vực - cũng mất đi nguồn thu khổng lồ do các rạp chiếu đình trệ mùa dịch.
Lĩnh vực phim ảnh Malaysia bắt đầu sụt giảm doanh số từ tháng 2, khi loạt bom tấn lớn của Trung Quốc lần lượt lùi lịch hoặc hủy ra rạp. Tiếp đó, ảnh hưởng của đợt phong tỏa toàn quốc đã tàn phá ngành công nghiệp phim ảnh nước này.
Tương tự, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia đều chứng kiến mức thu hẹp đáng kể của ngành điện ảnh, buộc các chính phủ phải đồng loạt ban hành nhiều gói trợ cấp, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Netflix mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường châu Á.
Hình thức xem phim trực tuyến bùng nổ
Việc đóng cửa các rạp chiếu phim để thực thi lệnh kiểm dịch chặt chẽ, hạn chế tụ tập nơi công cộng đã thay đổi thói quen xem phim ở Đông Nam Á. Theo báo cáo từ Media Partners Asia (MPA), trong khoảng thời gian từ ngày 20/1-11/4/2020, tổng số phút hàng tuần người dân khu vực dành thời lượng xem chương trình trực tuyến trên thiết bị di động đã tăng 60% ở Malaysia, Philippines, Indonesia và Singapore.
Báo cáo tiết lộ thêm, 4 quốc gia có hơn 8 triệu người trả phí xem trực tuyến vào cuối tháng 3/2020, chiếm 400 triệu USD chi tiêu mỗi năm. Dữ liệu tổng hợp được thu thập từ số lượng khán giả Thái Lan, Singapore, Philippines và Indonesia đăng ký Netflix, Viu, iflix và iQiyi, bốn nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến lớn nhất. Ngoài ra, YouTube và Amazon Prime Video cũng tăng đáng kể sức ảnh hưởng với hàng triệu lượt đăng ký tại thời điểm giãn cách xã hội.
Đại dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi mô hình tiêu thụ cho ngành công nghiệp điện ảnh châu Á. Điểm nổi bật từ một báo cáo chung do Hội đồng Nghiên cứu Đối tượng Truyền hình Ấn Độ và Nielsen phát hành cho thấy, trong 21 ngày nước này phong tỏa, kể từ 25/3, lượng người xem truyền hình đã tăng 6%, từ 3 giờ 46 phút lên 3 giờ 51 phút mỗi ngày. Tỷ suất người xem ở các thành phố lớn đạt mức tăng trưởng 22%, riêng Mumbai và Delhi tăng lần lượt là 28% và 22%. Thậm chí, lượng người xem các kênh dành cho trẻ em còn vượt ngưỡng với 33%.
Lượng người đăng ký các nền tảng trực tuyến tăng vọt tại Thái Lan, Philippine, Singapore và Indonesia.
Chưa kể, trong tình hình doanh thu phòng vé lao dốc, các tác phẩm chất lượng bị cất kệ, vô định ngày phát hành thì những nền tảng trực tiếp được xem là phao cứu sinh khẩn cấp, nhất là với thị trường Trung Quốc khi dịch bệnh đã làm hoãn hoặc hủy ít nhất 44 phim.
Đến nay, 26 tác phẩm lớn nhỏ khác nhau đã được các nhà sản xuất ra mắt trực tuyến, không chỉ bù lỗ chi phí đầu tư mà còn giúp lượng người xem online tăng kỷ lục với 310 triệu người, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 17,4%. Trên các nền tảng như iQiyi, Tencent Video, Mango TV và Bilibili, các thể loại phim được xem nhiều nhất là hài lãng mạn, gia đình, y khoa…
Triển vọng phục hồi mơ hồ
Bất chấp thị trường phát trực tuyến đang bùng nổ trong khu vực, không phải tất cả các nhà cung cấp dịch vụ đều được hưởng lợi. Xuất phát từ sự cạnh tranh khốc liệt, một số công ty không thể trụ vững, nhất là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tại địa phương, khó lòng bì kịp với chính sách ưu đãi của các tập đoàn trực tuyến khổng lồ như Netflix, Amazon Prime Video…
Minh chứng rõ nét, nhà cung cấp dịch vụ video của Singapore, HOOQ, đã nộp đơn phá sản do nguồn thu tạo ra quá thấp. Tương tự, iflix, nhà cung cấp dịch vụ video có trụ sở tại Malaysia, cũng buộc phải sa thải một loạt nhân viên để duy trì hoạt động, do phải xử lý vấn đề nợ và rủi ro cao sau đại dịch COVID-19.
Sản xuất phim giảm 22% tại Hàn Quốc từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của đại dịch.
Ấn Độ tiếp tục trở thành điểm nóng dịch bệnh toàn cầu, ghi nhận gần 100.000 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 mỗi ngày trong tháng 9, còn Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng liên tiếp gánh chịu các đợt tái bùng phát dịch khiến triển vọng phục hồi của ngành công nghiệp điện ảnh châu Á khá mông lung.
Theo các chuyên gia, sau dịch, phải mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm doanh thu phòng vé khu vực mới trở lại mức tăng trưởng bền vững trước đó.
Theo phunuonline