Thường thì đến những ngày lễ dành cho phụ nữ, vợ chồng tôi lại xảy ra cãi vã. Tôi không đòi quà cáp, chồng tôi cũng sẵn sàng đáp ứng những nguyện vọng của vợ. Nhưng tôi rất khó chịu khi thấy những cậu con trai của tôi vô tâm với mẹ, hệt như ba chúng.

Tôi có 3 cậu con trai, lớn nhất đã 8 tuổi và bé nhất mới vừa lên 2. Ai đó đã nói rằng: “Nếu nhà toàn con trai, người mẹ có thể trở thành 1 trong 2: nữ hoàng hoặc Osin”. Tôi muốn làm nữ hoàng, nhưng giật mình khi thấy thực tế như thể đang theo chiều ngược lại.

Công việc của chồng tôi đi sớm về khuya, tôi lại làm việc tự do, nên rốt cuộc việc nhà luôn do tôi đảm đương. Tất cả những gì chồng tôi chú trọng mỗi khi về đến nhà là gọi con đi học bài. “Đưa bài đây bố kiểm tra nào”, “làm thêm dạng này đi”… là những câu chồng tôi nói nhiều nhất trong nhà.

Tôi đã từng nghĩ, ừ thì chồng mình ít thời gian, anh dạy được con học đã là may. Nhưng dần dần, tôi cảm thấy anh đang chạy theo căn bệnh thành tích mà quên đi những lễ nghĩa cơ bản. Anh đối xử với mẹ của chúng vô tâm, chưa từng giải thích cho con nghe về lý do vì sao phải yêu thương phụ nữ. Đến những ngày lễ, chưa bao giờ anh nói với con “mình nên tặng quà mẹ” mà cứ kệ cho qua.

Con trai tôi lớn lên với sự dửng dưng. Khi tôi nói con làm thiệp hay chuẩn bị quà tặng cô giáo, con nói: “Sao phải tặng? Con thấy bất công, con trai đâu có ngày gì mà con gái nhiều ngày thế”. Khi tôi mua hoa để đưa cho con tặng cô, con nói: “Mẹ thích thì tự đi mà tặng”.

Ở tiết mỹ thuật, cô giáo cho cả lớp làm thiệp mang về tặng mẹ, con làm rất qua loa. Con viết “con chúc mẹ 20/10 vui vẻ” nhưng về nhà bỏ xó trong cặp, không đưa cho mẹ. Tôi chỉ thấy tấm thiệp của con vào ngày sau, khi vô tình thấy con vứt chỏng chơ trên bàn học.

Có bữa, cậu bé bên nhà hàng xóm sang chơi, tôi hỏi vui: “Con tặng mẹ quà chưa?”. Cậu bé nói một cách rất vô tư: “Mẹ con hỏi quà ba, mà ba con bảo: “Vẽ chuyện!”. Ba không tặng mẹ, nên con cũng không cần tặng”.

Cậu bé hơn con trai tôi 4 tuổi, tức đã học cấp II, vừa đậu vào trường chuyên. Ba mẹ cậu bé đổ bao nhiêu tiền để cho con đi học thêm, tối nào cũng hùa nhau chong đèn học bài từ 19g30 phút cho đến 23g. Nhưng ba cậu rất thờ ơ với chuyện trong nhà. Có lần, mẹ cậu nói với tôi: “Hôm qua, anh P. còn dùng thắt lưng đánh chị. Đau nhất là còn đánh ngay trước mắt B. mà con chỉ biết đứng nhìn”...

Tôi nghĩ, chuyện dạy con thật ra chỉ đơn giản là thế này: Muốn con làm gì, trở thành người như thế nào thì cha mẹ chỉ cần sống đúng như thế. Một đứa trẻ sẽ nhìn theo cách cha mẹ chúng sống để bắt chước và có những hành động, cách ứng xử tương tự. Cha mẹ sống tử tế, chân thành đối xử với những người khác - con cũng sẽ biết yêu thương, dung hòa trong những mối quan hệ.

Ngược lại, cha vô tâm với mẹ, con cũng sống dửng dưng tương tự. Tôi tự hỏi, những bé trai là con của tôi và quanh tôi đang được nuôi dạy theo kiểu gì vậy? Chúng suốt ngày được mẹ phục vụ chuyện cơm nước, hỗ trợ sinh hoạt và lao đầu vào học thêm, học các môn văn hóa. Nhưng những điều cơ bản nhất chúng cần được học thì ai dạy, hay chỉ được nhắc sơ sài qua lời cô giáo?

Những ngày lễ như 8/3, 20/10 được ra đời với ý nghĩa về tôn vinh phụ nữ, là cơ hội để phái nam thể hiện sự trân trọng phụ nữ. Và tôi nghĩ, có lẽ nó cũng là dịp để kiểm chứng xem liệu một người cha có biết cách dạy con trai trở thành những người đàn ông đích thực hay không.

Thật ra đâu có cần làm gì to tát, đôi khi chỉ cần bắt đầu bằng một câu hỏi: “Con có biết ngày 20/10 là ngày gì không? Vì sao lại có ngày này nhỉ?”. Rồi cha con cùng nhau nghĩ cách để tặng quà cho mẹ. Một tấm thiệp viết tay, vẽ hình ngộ nghĩnh, xa hơn thì cùng nhau đi mua quà cho mẹ và chị em gái, cha con cùng vào bếp hoặc giúp đỡ mẹ việc nhà...

Tôi tin rằng, người phụ nữ dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng xúc động và đón nhận những cử chỉ yêu thương nho nhỏ như thế. Người mẹ sẽ cảm thấy ấm áp khi những người đàn ông mà mình yêu quý vụng về học cách chăm sóc mình. Quà có thể to hoặc nhỏ nhưng chắc chắn luôn thể hiện được tình yêu của người tặng.

Nhớ về cha tôi, tôi lại nghĩ đến những câu nói hạ thấp đàn bà. Những ngày lễ lạt, mẹ tôi chưa từng được nhận một món quà nào từ cha. Anh trai tôi lớn lên trong môi trường một gia đình mà tiếng nói của phụ nữ không có trọng lượng ấy đã luôn phát biểu “đàn bà thì biết gì!”. Anh rất gia trưởng và vô tâm. Trong ngày mà nhẽ ra phải chúc mừng vợ, anh sẵn sàng đi ra ngoài nhậu đến sáng nếu bạn bè gọi…

Tôi nghĩ một phần lỗi cũng ở những người phụ nữ như tôi, mẹ tôi, chị hàng xóm hay chị dâu của tôi, có lẽ là chúng tôi đã để cho người khác mặc sức đối xử với mình ra sao cũng được. Như mẹ tôi, bà quần quật chợ búa kiếm ra tiền để nuôi con, nhưng lại luôn sợ cha tôi, mặc cho cha nói gì hay đánh đập, bà luôn cam chịu để càng ngày mức độ bạo lực càng tăng.

Nhận ra những điều này, tôi biết mình phải khác. Tôi không muốn né tránh những mâu thuẫn nên sẵn sàng chất vấn và nói với chồng về việc cần chú trọng dạy con điều gì. Dù có phải cãi vã, hụt mất quà trong ngày lễ, tôi cũng muốn chồng tôi phải hiểu rằng, một người cha sẽ là hình mẫu lý tưởng để dạy con trai. Nếu chồng không làm gì, tôi nhắc con, tự đi mua hoa về cắm, bày biện một bữa ăn ngon và nói với con về những niềm vui khi được làm một phụ nữ.

Những đứa trẻ rồi sẽ lớn lên với những ký ức về gia đình. Mang theo những ký ức này, dù đẹp hay xấu, con sẽ có cách ứng xử tương tự với bạn gái, với gia đình trong tương lai. Nên là một người cha, hãy dạy con trai bài học đơn giản nhất là yêu thương phụ nữ.

Theo phụ nữ TPHCM