Theo kết quả khảo sát, họa sĩ/họa sĩ minh họa truyện tranh vẫn là lựa chọn hàng đầu của nữ sinh lớp 6 ở Nhật Bản trong 3 năm liên tiếp. Trong khi đó, vận động viên vẫn giữ vị trí số 1 trong 10 năm liên tiếp đối với nam sinh. Tại Nhật Bản, bậc tiểu học kéo dài 6 năm từ lớp 1 đến lớp 6.

Khoảng 90% muốn trở thành họa sĩ minh họa

Kết quả cuộc khảo sát mới được công bố phần nào thể hiện sức ảnh hưởng của các nghề nghiệp đương thời đối với học sinh, theo tờ The Mainichi. Đây là cuộc khảo sát thường niên do công ty Kuraray - nhà sản xuất vật liệu cặp sách học sinh Nhật Bản - thực hiện kể từ năm 2015.

Từ tháng 1-3.2024, những học sinh - tham gia chương trình của Kuraray nhằm quyên góp cặp sách cũ cho trẻ em ở Afghanistan - đã trả lời bảng câu hỏi khảo sát. Công ty nhận được câu trả lời từ 314 bé trai và 343 bé gái.

Những nữ sinh chọn họa sĩ/họa sĩ minh họa truyện tranh chiếm 7,9% tổng số trẻ tham gia cuộc khảo sát. Trong số này, khoảng 90% muốn trở thành họa sĩ minh họa. Nghề họa sĩ/họa sĩ minh họa truyện tranh đứng đầu có thể xuất phát từ khả năng ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong thời đại kỹ thuật số, đòi hỏi óc mỹ thuật, khả năng thiết kế cao hơn.

Đứng sau họa sĩ/họa sĩ minh họa truyện tranh là các nghề liên quan đến y tế trong danh sách nghề nghiệp mong ước của nữ sinh.

Cụ thể, bác sĩ ở vị trí thứ 2 với 6,1%, y tá ở vị trí thứ 4 (5,0%), nghề nghiệp liên quan đến y tế xếp vị trí thứ 7 (4,1%) và dược sĩ đứng thứ 10 (3,8%).

Ở vị trí thứ 6 là thợ làm tóc, được 4,4% nữ sinh lựa chọn, tăng từ vị trí thứ 8 trong cuộc khảo sát năm ngoái. Xu hướng chọn nghề làm tóc gia tăng được cho là xuất phát từ nhu cầu làm đẹp, lựa chọn phong cách tóc đa dạng ở Nhật Bản.

leftcenterrightdel
 Họa sĩ/họa sĩ minh họa truyện tranh vẫn là lựa chọn hàng đầu của nữ sinh lớp 6 trong 3 năm liên tiếp

Vận động viên dẫn đầu danh sách nghề nghiệp mơ ước

Về phía nam sinh, 17,8% chọn vận động viên trong cuộc khảo sát năm nay. Chia theo môn thể thao, bóng chày dẫn đầu với 35,7%, tiếp theo là bóng đá (33,9%) và bóng rổ (8,9%).

Bóng rổ nhận được nhiều sự chú ý, khi cả đội tuyển nam lẫn nữ Nhật Bản đều đủ điều kiện tham dự Thế vận hội (Olympic) năm nay - lần đầu tiên sau 48 năm nếu không tính Thế vận hội Tokyo vào năm 2021, khi đó Nhật Bản là nước chủ nhà.

Nghề xếp thứ 2 là nhà nghiên cứu với 7%. Còn những nghề nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin được 5,4% nam sinh lựa chọn, đứng thứ 3 - tăng đáng kể từ vị trí thứ 13 trong cuộc khảo sát năm 2019.

Với sự ra đời của lớp lập trình ở các trường tiểu học, những nghề nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin dường như đã trở nên quen thuộc hơn với học sinh.

Đáng chú ý, 4,5% nam sinh chọn bác sĩ là nghề nghiệp tương lai. Nghề bác sĩ xếp hàng thứ 4, tăng từ vị trí thứ 7 trong cuộc khảo sát trước. Công ty Kuraray lưu ý: “Nghề bác sĩ trở nên thu hút hơn sau đại dịch Covid-19”.

Bên cạnh đó, trước những thảm họa thiên nhiên như trận động đất ngày đầu năm mới ở bán đảo Noto (Nhật Bản), nên mong muốn trở thành nhân viên đội cứu hỏa/cứu hộ đã vươn lên vị trí thứ 13 từ vị trí dưới 20 trong cuộc khảo sát trước đó (đối với nam sinh).

Xếp ở vị trí thứ 13 là YouTuber trong bảng danh sách các nghề nghiệp mong muốn của nam sinh năm cuối bậc tiểu học ở Nhật Bản.

Theo Thanh niên