Ca sĩ Hồ Trung Dũng góp mặt trong 'Sô diễn cuộc đời' của nghệ sĩ đàn tỳ bà Nghiêm Thu - ẢNH: Đ.Q
Nghệ sĩ, giảng viên Nghiêm Thu (Nghiêm Thị Kim Thu) hiện là giảng viên đàn tỳ bà (của Nhạc Viện TP.HCM). Trước khi bén duyên với công việc giảng dạy tại TP.HCM, Thu Nghiêm từng học ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và có quãng thời gian gắn bó với Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Chị được biết đến khi là một trong những thành viên sáng lập Cỏ Lạ - ban nhạc đình đám một thời với phong cách dân gian đương đại.
Nghệ sĩ, giảng viên Nghiêm Thu cho rằng để người trẻ tìm hiểu, yêu thích nhạc dân tộc, người giảng dạy cũng như các nghệ sĩ bên cạnh chuyên môn cần có khả năng tiếp thu, cập nhật chất liệu mới để truyền đạt hiệu quả hơn - ẢNH:Đ.Q
Chị cho biết, mình bắt đầu làm quen với nhạc cụ từ năm lên 6 tuổi. “Tất cả mọi người thử ngồi thẳng lưng và giơ tay như thế này 5 phút thôi xem có mỏi không ạ? Rất là mỏi và với đứa trẻ 6 tuổi, 7 tuổi như thế thì cực vô cùng luôn. Nhưng dần dần tôi có cảm giác như cây đàn chọn mình chứ không phải mình chọn cây đàn”, chị chia sẻ. Chính những khổ luyện ngay từ ngày còn bé cùng cây đàn tỳ bà đã rèn giũa nên một nghệ sĩ, một cô giáo Nghiêm Thu hôm nay cùng một niềm tin mãnh liệt về sức sống của nhạc cụ dân tộc này.
Nghệ sĩ Nghiêm Thu, MC Color Man và nhóm Tỳ Việt - ẢNH: Đ.Q
Tình yêu chị dành cho đàn tỳ bà không chỉ dừng lại cho riêng mình khi Nghiêm Thu khơi mở niềm yêu thích nhạc cụ truyền thống, truyền dạy giai điệu truyền thống qua chính cây đàn tỳ bà cho các bạn trẻ. Để khơi dậy niềm đam mê đó của học trò, cô giáo Nghiêm Thu đã trăn trở rất nhiều; thậm chí, cô đã thay đổi cả tư duy dạy và chơi nhạc của mình chỉ với mong muốn có thể mang tiếng đàn đến gần hơn với các em.
“Hồi trước mình đánh đàn cho bản thân, bây giờ mình đánh cho người khác, nên việc chọn nhạc cũng thay đổi, phải chọn cả những gì người khác - người trẻ muốn nghe, sao cho dễ cảm, dễ gần và dễ dàng được đón nhận hơn", chị nói. Từ đó, chị bắt đầu cập nhật các bản nhạc hiện đại, “hợp thời” hơn, cả những bản hit được giới trẻ say mê như Duyên phận, Sóng gió, Truyền thái y... Ngoài ra, chị cũng làm mới những làn điệu dân ca quen thuộc, tuy nhiên vẫn giữ cốt lõi bởi theo chị, cải tiến không có nghĩa là đánh mất đi tính truyền thống vốn có. Và việc mang âm hưởng đương đại vào nhạc cụ truyền thống đã giúp giai điệu của bài hát trở nên bắt tai, thu hút. Mà như chị chia sẻ, điều đó cũng chứng minh cho việc đàn tỳ bà cũng có thể nói lên thanh âm của thế hệ trẻ.
Biểu diễn áo dài trên nền nhạc dân tộc với tiếng đàn tỳ bà của Nghiêm Thu - ẢNH: Đ.Q
Tình yêu và tâm huyết dành cho nhạc cụ dân tộc của nghệ sĩ Nghiêm Thu đã được thể hiện trên sân khấu của Sô diễn cuộc đời khi đây là chương trình giúp hiện thực hóa ước mơ của các “nghệ sĩ ẩn danh” và tôn vinh những nghệ sĩ thầm lặng.
Trong chương trình (phát trên HTV7 tối 21.4), cô giáo Nghiêm Thu đã thỏa mong ước bấy lâu nay khi cùng các học trò của mình - nhóm Tỳ Việt trình diễn trước hàng trăm khán giả trực tiếp và người xem truyền hình. Ca sĩ Hồ Trung Dũng khi tham gia sô diễn ở vai trò khách mời cũng xúc động với tiếng đàn của nghệ sĩ khi bày tỏ sự kính mến đối với nữ giảng viên dành trọn tình yêu với cây đàn tỳ bà.
Với thanh âm phong thú, dải âm rộng, thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc trong một bản nhạc, đàn tỳ bà được giới nghệ thuật mệnh danh là “nữ hoàng của các nhạc cụ dân tộc”. Tuy nhiên, hiện nay, hàng loạt nhạc cụ mới, hiện đại ra đời phần nào khiến cho các loại nhạc cụ truyền thống tinh hoa dân tộc có nguy cơ "lép vế" và trở nên mai một. Là một giảng viên đàn tỳ bà đồng thời là người nghiên cứu văn hóa, nghệ sĩ Nghiêm Thu luôn đau đáu, tâm huyết với trách nhiệm và cũng là đam mê: truyền lửa cho giới trẻ. "Thời đại 4.0 này, ai cũng muốn làm kinh tế, mình phải kiếm được nhiều tiền, cuộc sống mình phải no đủ. Tôi nhiều lúc muốn làm kinh tế lắm, thế nhưng đến bây giờ vẫn gắn bó bên cây đàn... Bởi tôi nghĩ đến lời của một bài hát: ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai...", nghệ sĩ Nghiêm Thu bày tỏ.
Theo thanhnien