Nghèo có nên sinh con?: Có những đứa trẻ đã ước không được sinh ra...
Cập nhật lúc 23:57, Thứ hai, 15/01/2024 (GMT+7)
Những đứa trẻ sinh ra trong nghèo khó không phải là vấn đề quá lớn, nhưng để trẻ lớn lên trong nghèo khó thì đó là lỗi của người làm cha mẹ.
|
|
Với tôi, hạnh phúc lớn nhất của phụ nữ là được làm mẹ (ảnh minh họa) |
Tôi là một người mẹ và tôi hiểu được niềm hạnh phúc của bậc làm cha mẹ khi ôm trong lòng đứa con bé bỏng của mình. Đó không chỉ là sự “duy trì nòi giống” mà còn là sự kỳ diệu thiêng liêng của tạo hóa.
Tôi lớn lên ở một vùng quê nghèo, những đứa trẻ từ lớn lên từ cánh đồng rồi đi khắp muôn nơi. Thời của tôi, hầu hết những đứa trẻ đều sinh ra trong nghèo khó nhưng lớn lên vẫn nghèo khó thì không nhiều.
Quê tôi giờ đã khác xưa, nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, đời sống tinh thần cũng vô cùng phong phú. Sự thay đổi ấy đến từ rất nhiều những đứa trẻ nghèo ngày xưa. Là bởi vì thế hệ cha mẹ tôi đã nai lưng trên cánh đồng, thâm canh tăng vụ, xen canh gối vụ, mảnh đất hẹp như vạt áo vỡ ra từ con mương nhỏ cũng cấy xuống ít rau muống rau lấp nuôi lợn gà. Mẹ tôi chỉ có 1 tấm áo trắng từ ngày về nhà chồng dịp tết hay đi ăn cưới mới đem ra mặc. Những đứa trẻ sinh ra trong nghèo khó không phải là vấn đề quá lớn, nhưng để trẻ lớn lên trong nghèo khó thì đó là lỗi của người làm cha mẹ.
Bây giờ y học hiện đại, các biện pháp tránh thai cũng an toàn, đa dạng, lựa chọn sinh con dễ dàng hơn xưa rất nhiều. Một đứa trẻ không được chọn nơi mình sinh ra, cũng không chê cha mẹ khó nhưng cha mẹ toàn quyền có thể quyết định cách một đứa trẻ chào đời và lớn lên. Hồi nhỏ tôi thường hỏi mẹ: "Mẹ ơi sao vườn nhà mình rộng thế mà mẹ không trồng lấy một khóm hoa?". Mẹ tôi khi ấy đang tất bật với việc gì đó bèn nói: “Ôi nhà mình ăn còn chẳng đủ”.
Mẹ tôi có thích hoa không? Có chứ, là bởi lần đầu tôi mang về cho mẹ một bó hoa nét mặt mẹ hạnh phúc biết nhường nào. Nhưng mẹ đã hy sinh niềm vui của mình, đã liệu cơm gắp mắm suốt quá nửa đời người đằng đẵng để con cái không phải “kế thừa” cái đói nghèo vất vả của mẹ.
Khi chị em tôi ngồi học bên cửa sổ, nhờ chút ánh sáng hắt ra từ bàn học mẹ ngồi giặt quần áo ban đêm, có lần mẹ tôi bảo: “Con có biết tại sao bàn học luôn sáng không, là bởi ánh sáng hắt ra từ trang sách đấy”. Mẹ tôi chăm con theo cách của người nông dân trồng một cái cây trên đồi núi dốc. Con nhà nghèo thì phải có sức đề kháng thể chất lẫn tinh thần để sau này như cái dải khoai, vứt chỗ nào cũng sống, cũng lên xanh được.
Người nghèo có nên sinh con không? Có chứ, nếu biết cách nuôi dạy, chăm sóc, nếu bậc làm cha mẹ muốn sinh con ra và ý thức được hoàn cảnh của mình, dám cố gắng nhiều hơn người khác, dám nhường nhịn, dám hy sinh, biết vun đắp niềm vui cho con từ những điều giản dị thì một đứa trẻ sinh ra trong gia đình đó không có lý do gì để lớn lên tiếp tục đói nghèo ngoại trừ những biến cố khủng khiếp.
|
|
Đứa trẻ không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng cha mẹ thì toàn quyền quyết định việc chúng có ra đời hay không (ảnh minh họa) |
Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày một lớn, người giàu sử dụng thời gian hiệu quả, có tiền đề, cơ hội giúp tài sản của mình ngày một nhiều hơn. Nếu người nghèo không phấn đấu mà cứ ngây thơ tin vào “trời sinh voi sinh cỏ”, “giàu con hơn giàu của”, tin vào những trò may rủi đỏ đen rồi ngay cả kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng thể chất tinh thần cho con cũng không có - để con phải phơi nắng phơi mưa thì quả thực đó chính là bi kịch cả đời của đứa trẻ.
Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong gia đình như thế có cơ hội đổi đời không? Có chứ, nhưng ít lắm, phải may mắn lắm hoặc phải có sự thay đổi ngoạn mục. Mà những điều đó thì rất hiếm.
Theo khảo sát xã hội học ở những người trong độ tuổi sinh nở không muốn sinh con tại Hàn Quốc, một trong những lý do được đưa ra là: “Nuôi con ở Hàn Quốc rất tốn kém”. Gia đình cần có 2 nền tảng vững chắc đó là kinh tế và tình thương yêu. Bạn đã bao giờ đọc dòng chữ: “Chỉ ước không được sinh ra” đầy chua xót của những đứa trẻ chưa? Đừng để những đứa trẻ sinh ra trong nghèo đói lại phải đem theo hành trang gian khó bước vào đời và “kế thừa” những gian nan, khó nhọc mà cả đời cha mẹ chúng không hề thay đổi.
Theo phụ nữ TPHCM