Học sinh lớp 9 ở Hà Nội học qua chương trình trực tuyến - Ảnh: Ngọc thắng

Do thời gian nghỉ kéo dài, rất nhiều giải pháp đã được các nước sử dụng để duy trì việc học cho học sinh. Một số nước như Việt Nam sử dụng hình thức dạy học trên truyền hình, trực tuyến.

Không nên quá lo lắng

Sự bùng phát của Covid-19 không thể khiến ta không lo lắng. Tuy nhiên, cần tránh để những lo lắng đó gây thêm áp lực cho việc học của con em mình. Học tập là việc cả đời. Với đa số học sinh (HS), tạm dừng việc học ở trường vài tháng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới quá trình cả 12 năm học. Ngay cả đối với HS lớp 12 ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT cũng đã có kế hoạch điều chỉnh chương trình học và lùi các kỳ thi quan trọng để các em có thêm thời gian chuẩn bị.

Điều quan trọng nhất trong lúc này là làm cho con em mình có cảm giác được yêu thương, quan tâm và lắng nghe. Việc các em không được đến trường và vui chơi với chúng bạn cũng như không được vui chơi ngoài trời nhiều như mọi khi chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và thể chất của các em. Bố mẹ và gia đình không nên tạo thêm áp lực không cần thiết tới các em nữa. Nếu có thể, bố mẹ nên gần gũi với con hơn trong giai đoạn này, giúp các con biến những trải nghiệm này thành cơ hội để hiểu rõ hơn về bản thân mình và chuẩn bị cho những thử thách mới trong tương lai.

Bố mẹ cũng không nên cố gắng trở thành “siêu nhân” trong mắt các con. Nếu không thể giúp con hiểu được kiến thức phức tạp hay giải được các bài toán khó, bố mẹ cũng không nên cảm thấy thất vọng và sợ con thiếu tôn trọng mình. Mỗi người đều có một thế mạnh riêng. Hãy tập trung vào thế mạnh của các bạn, của con và giải thích để con hiểu rằng mỗi người không nhất thiết phải giỏi tất cả mọi thứ.

Kết hợp học tập với nghỉ ngơi - một cách hợp lý 

Việc phải thay đổi thói quen và môi trường học tập khá đột ngột để thích nghi với đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ gây ra nhiều xáo trộn và lo lắng cho cả phụ huynh lẫn các con. Để giữ gìn sức khỏe và ổn định tâm lý, phụ huynh cần giúp các con học tập và nghỉ ngơi, giải trí một cách hợp lý, lành mạnh và khoa học. Dù phải hạn chế ra ngoài, các con vẫn có thể tập các bài thể dục hoặc có hoạt động vận động ở trong nhà như tập chạy tại chỗ, tập chống đẩy, nhảy dây, thậm chí là yoga hay tập hít thở. Những hoạt động này một mặt giúp các con duy trì sức khỏe, tăng khả năng hấp thụ, mặt khác cũng giúp giảm thiểu áp lực học tập và tạo cảm giác sảng khoái sau những giờ học tại nhà căng thẳng. Để khắc phục sự thiếu giao tiếp trực tiếp với bạn bè, bố mẹ có thể tạo điều kiện để các con gọi điện thoại cho bạn bè hoặc thầy cô giáo để nói chuyện. Bố mẹ cũng có thể khuyến khích các con viết thư tay, vẽ tranh hoặc gửi thư điện tử, ảnh chụp, tin nhắn gửi tới bạn bè.


Hãy để các con chủ động lập kế hoạch

Hãy để các HS tự chủ động đưa ra mục tiêu học tập của mình theo từng tuần, từng ngày. Bố mẹ chỉ nên đóng vai trò tư vấn, góp ý cho kế hoạch học tập của con. Ví dụ, nếu con dự định dành quá nhiều thời gian cho việc học, bố mẹ cũng nên khuyến khích con dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, tập thể dục. Tương tự như vậy, nếu các con chưa dành đủ thời gian để nghe các bài giảng trên truyền hình hoặc hoàn thành bài tập về nhà, bố mẹ cũng nên góp ý để con phân bổ thời gian cho hợp lý. Chỉ khi có cảm giác mục tiêu và kế hoạch học tập là của mình lập ra, các con mới thực sự chủ động thực hiện nó.

Đa dạng hóa các hoạt động học tập

Để trưởng thành, con người cần rất nhiều hiểu biết và kỹ năng khác nhau. Các kiến thức và kinh nghiệm thu lượm được từ trường học chỉ là một phần trong những hiểu biết và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Do vậy, phụ huynh cũng nên tranh thủ cơ hội này để giúp các con đa dạng hóa hoạt động học tập thông qua các công việc và vui chơi trong nhà.

Ví dụ, các con có thể học về cách tính toán qua việc chuẩn bị nguyên liệu, thực phẩm cho các bữa ăn. Các con có thể tìm hiểu về những hiện tượng khoa học gần gũi trong cuộc sống như tác dụng làm sạch vết bẩn của xà phòng, hay lượng nước mà các cây trong nhà, trong vườn cần hằng ngày. Để phát triển khả năng ngôn ngữ, cũng có thể đọc các câu chuyện mà con thích rồi kể lại cho bố mẹ, anh chị em nghe vào cuối ngày trước khi đi ngủ.

Nếu gia đình có máy tính kết nối mạng internet, bố mẹ có thể gợi ý cho các con xem những video có tính giáo dục cao hay học ngoại ngữ qua mạng. Tốt nhất là bố mẹ cần có mặt cùng các con khi xem những nội dung này. Nếu không bận việc, bố mẹ có thể xem và cùng thảo luận với con về những kiến thức mới hoặc điểm thú vị mà các video này đề cập tới. Để tăng tính chủ động cho con, bố mẹ cũng có thể hỏi chủ đề các con muốn tìm hiểu trên mạng rồi cùng tìm nguồn thông tin và tài liệu đảm bảo tính giáo dục.

Dành thời gian để khám phá và phát triển cá nhân

Việc học tập ở đa số các trường tại Việt Nam hiện tại có một hạn chế cố hữu về thời lượng dành cho hoạt động phát triển cá nhân như nghệ thuật, thể thao, trải nghiệm sáng tạo. Kỳ nghỉ này chính là cơ hội tuyệt vời để các con có thể dành nhiều thời gian hơn cho những trải nghiệm có tính cá nhân hóa cao như thế. Với bạn thích chơi nhạc hay vẽ, nếu trước đây chỉ có 30 phút mỗi ngày để tập đàn, bây giờ hãy khuyến khích các con dành nhiều thời gian hơn cho sở thích đó. Tương tự như vậy, nếu các con thích tìm hiểu về robot hay các nền văn hóa trên thế giới, hãy để con có nhiều cơ hội phát triển những đam mê, sở thích riêng có lúc này. Làm được như vậy, các con sẽ hiểu hơn về chính bản thân mình sau quãng thời gian nghỉ này. Được dành nhiều thời gian hơn cho các sở thích của cá nhân mình chính là điều kiện tuyệt vời để con trở nên chủ động và tự lực hơn trong các hoạt động học tập, vui chơi và lựa chọn nghề nghiệp sau này.

Mỗi chúng ta không thể hoàn toàn kiểm soát được những diễn biến của Covid-19 ở ngoài phạm vi gia đình. Tuy nhiên, ta hoàn toàn có thể giúp con em mình dần dần làm quen và tiến tới tận dụng được dịp nghỉ học này để hiểu hơn về bản thân mình, trở nên chủ động và tự lập hơn trong quá trình học tập cũng như lập nghiệp sau này.

Gỡ khó cho HS tự học tại nhà 

Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn học qua internet và truyền hình. Qua một tuần thực hiện cho thấy còn những khó khăn cần tháo gỡ.

Khó khăn thứ nhất chính từ thái độ của HS. Nhiều em còn lơ là, chưa thật sự ý thức hết nhiệm vụ học tập. Văn bản của Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu khá rõ về vai trò, trách nhiệm của phụ huynh là phải “phối hợp với giáo viên” và “hỗ trợ HS” tự học. Vì vậy, những ngày sắp tới, khi cách ly toàn xã hội 15 ngày, phụ huynh nên dành thời gian theo dõi thường xuyên hơn việc học của con em mình.

Khó khăn thứ hai là còn rất nhiều HS lúng túng về cách học, về phương pháp tự học. HS chưa biết cách xử lý thông tin, tự khám phá và nắm bắt những vấn đề trọng tâm của bài học.

Chính vì thế, dẫn đến khó khăn thứ ba là HS cảm thấy quá nặng nề về bài học, quá tải về kiến thức.

Bộ cũng đã “cởi trói” cho các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường được chủ động trong việc kiểm tra, đánh giá, cho điểm số HS trong việc tổ chức học tại nhà.

Ngọc Tuấn

Theo thanhnien