Gustave Dumoutier (1850 - 1904) đã có những đóng góp nền tảng cho mảng nghiên cứu địa lý nhân văn,  văn hóa dân gian, dân tộc học và tôn giáo VN. Ông sinh ra tại Courpalay (Pháp), đến Hà Nội năm 1886 theo đề nghị của Tổng trú sứ Trung - Bắc kỳ Paul Bert, và được giao nhiệm vụ “người tổ chức thanh tra các trường Pháp - Việt”. Sau đó, ông trở thành Giám đốc Học chính Trung - Bắc kỳ, một nhà Đông phương học đầy nhiệt huyết có chủ trương hợp tác với giới nho sĩ VN, trân trọng và bảo tồn nền văn hóa Việt giàu truyền thống, duy trì chữ nho và khuyến khích chữ Quốc ngữ. Ông cũng là nhà VN học người Pháp thuộc thế hệ đầu tiên, là một học giả có tài, một con người gắn bó và yêu mến lịch sử văn hóa VN với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị tái hiện một cách sống động xã hội cũ. Hai cuốn sách của Gustave Dumoutier đã xuất bản rất được người đọc VN yêu thích: Tiểu luận về dân Bắc Kỳ; Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV.

Trong cuốn Nghi thức tang lễ của người An Nam, học giả Dumotier cùng các cộng sự đã tái hiện một cách khách quan nhất những nghi thức khác nhau trong nghi lễ tang ma tại xứ sở này, mà từ lâu họ đã quan tâm nghiên cứu tại Bắc kỳ. Với tư duy khoa học và thói quen quan sát ghi chép của người phương Tây, ông cố gắng chỉ giữ lại những yếu tố thuộc loại thuần túy dân tộc học từ những biểu hiện nơi người An Nam, xứ Bắc kỳ, thay vì sâu vào tinh thần học thuyết Phật, Lão, Nho. Không những thế, ông còn phân tích, so sánh, để tìm ra nét khác biệt trong một số nghi lễ ở các vùng miền, giữa các tôn giáo khác nhau...

Từ các quan sát liên quan tới tang lễ, việc để tang và lòng kính trọng mồ mả của

người Bắc kỳ , tác giả Dumoutier đã viết cuốn sách thật sát với quan điểm nghiên cứu dân tộc học tôn giáo, qua đó cung hiến cho các nhà nghiên cứu và độc giả ngày nay rất nhiều tài liệu tham khảo vô cùng giá trị.

Theo thanhnien