Mới đây, trong đêm chung kết Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018, người đẹp đến từ Việt Nam Nguyễn Hương Giang đăng quang ngôi vị cao nhất trong sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ. Bên cạnh việc giữ vững phong độ và tỏa sáng trong đêm chung kết, một trong những yếu tố giúp người đẹp gốc Hà Nội giành chiến thắng chính là nhờ vào phiên dịch. Hiểu rõ câu hỏi và truyền tải trọn vẹn thông điệp mà Hương Giang gửi gắm qua câu trả lời, thông dịch viên đã góp phần làm nên chiến thắng cho người đẹp Việt Nam.
Chia sẻ về lý do lựa chọn trả lời ứng xử bằng tiếng Việt dù khả năng nói tiếng Anh không tệ, Hương Giang cho biết vì cách phát âm tiếng Anh của mỗi nước khác nhau nên để truyền đạt những gì cô muốn nói đến khán giả, giám khảo không hề dễ. Đồng thời, người đẹp cũng muốn hô to tiếng mẹ đẻ trên một đấu trường nhan sắc quốc tế. Sau khi đăng quang, Hương Giang trả lời báo chí bằng tiếng Anh.
Trong chương trình giao lưu với kênh truyền hình One31 (Thái Lan), Hương Giang cũng khẳng định cô may mắn khi có được thông dịch viên hiểu ý và truyền tải thông điệp đúng nhất. Người đẹp cũng nhắc đến trường hợp của đại diện đến từ Brazil vì phiên dịch không nắm được ý nghĩa câu hỏi nên khiến cô mất bình tĩnh, không hoàn thành tốt phần thi của mình. “Người phiên dịch đóng vai trò quan trọng trong phần thi ứng xử. Họ là người truyền tải thông điệp mà tôi muốn chia sẻ, để giám khảo nhìn nhận và đánh giá chính xác nhất”, Hương Giang chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được thông dịch viên hiểu ý như Hương Giang. Điển hình là Nam Em tại Hoa hậu Trái đất 2016. Trong suốt quá trình tham gia cuộc thi, Nam Em luôn biết cách ghi điểm và tạo ấn tượng với giám khảo, truyền thông quốc tế. Đáng tiếc là trong đêm chung kết, khi được gọi tên vào Top 8 để trả lời ứng xử, Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long lại có phần thi không tròn trịa, mà lỗi một phần ở phiên dịch.
Nói về sự cố này, Nam Em cho biết ở vòng phỏng vấn riêng, cô được sự hỗ trợ của một phiên dịch viên rất tốt, anh trả lời sát ý và đúng như những gì cô muốn nói. Tuy nhiên, ngay thời điểm chung kết sắp diễn ra, người phiên dịch lại gặp trục trặc, ban tổ chức phải sắp xếp một phiên dịch mới và cô chỉ biết mặt người đó khi bắt đầu phần thi ứng xử. “Nếu thời điểm đó, tôi trả lời bằng tiếng Anh thì cũng chỉ nói được những ý cơ bản, không đi sâu vào vấn đề mà mình muốn truyền tải. Đồng thời, khi mà ban tổ chức sắp xếp phiên dịch cho tôi, tôi cần phải tôn trọng người phiên dịch vì đó cũng là một trong những yếu tố đánh giá thí sinh tại cuộc thi”, Nam Em bộc bạch.
Hà Thu cũng gặp phải trường hợp tương tự như Nam Em khi ở vòng phỏng vấn kín với ban giám khảo, phiên dịch viên dịch sót câu trả lời của cô. Lập tức, người đẹp nhanh chóng phát hiện và bổ sung bằng tiếng Anh để làm rõ câu trả lời. Chia sẻ về tình huống này, Hà Thu cho biết: “Đã tham gia cuộc thi thì thí sinh cần phải đề phòng trường hợp có sự cố đối với người phiên dịch. Việc chủ động trong mọi tình huống sẽ giúp các cô gái không bị mất bình tĩnh và thể hiện tốt phần thi của mình hơn”.
Với Hoa hậu quý bà Hoàng Yến tại cuộc thi Mrs World 2009, cô đã có cơ hội đăng quang trên chính sân nhà. Tuy nhiên cô không thể chạm tới chiếc vương miện danh giá bởi gặp sự cố trong phần thi ứng xử. Trong phần thi này, các thí sinh cùng nhau trả lời một câu hỏi với nội dung: "Tại sao ban giám khảo lại nên cho cô vào vị trí hoa hậu?". Hoàng Yến là người đầu tiên trả lời, đại ý cho rằng cô đi thi vì nhiều lý do. Tuy nhiên rất tiếc phiên dịch của Hoàng Yến đã không dịch được trôi chảy, quá thời gian quy định, MC cuộc thi buộc phải ngắt lời, nên một số thành viên ban giám khảo chưa hiểu hết ý của cô. Trong khi đó, các người đẹp đến từ nước Mỹ và Nga trả lời vô cùng trôi chảy. Kết quả, đại diện Nga đã giành vương miện và và trở thành Mrs World 2009. Còn Hoàng Yến, cô chỉ giành vị trí Á hậu 2. Rất nhiều người đã tiếc nuối cho rằng nếu phiên dịch tốt và không bỏ sót ý của Hoàng Yến thì rất có thể với lợi thế chủ nhà, Hoàng Yến sẽ lần đầu tiên mang lại vương miện Mrs World cho Việt Nam.
Bài học rút ra
Thúy Vân là một trong những hoa hậu hiếm hoi sử dụng tiếng Anh
trong phần thi ứng xử tại Hoa hậu Quốc tế
Sau mỗi lần đại diện Việt Nam lọt top tại một cuộc thi nhan sắc, câu chuyện về phiên dịch vẫn luôn là đề tài bàn tán của cộng đồng mạng. Khán giả vui mừng vì Hương Giang may mắn có được người phiên dịch hiểu ý và hoàn thành trọn vẹn vai trò của mình. Tuy nhiên, cũng có nhiều người tiếc nuối cho Nam Em vì đánh mất cơ hội lọt Top 4 của một cuộc thi tầm cỡ chỉ vì lỗi phiên dịch. Không ít ý kiến được đặt ra rằng, nếu như Nam Em tự tin trả lời bằng tiếng Anh như Á hậu Thúy Vân từng thể hiện tại Hoa hậu Quốc tế, chắc mọi chuyện sẽ khác.
Nhìn lại hành trình chinh chiến của các nhan sắc Việt tại đấu trường quốc tế, không thể phủ nhận rằng tiếng Anh trở thành một yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của một cô gái chứ không phải là phiên dịch. Vì nếu trang bị cho mình kỹ năng tốt, tự tin giao tiếp, trả lời ứng xử bằng tiếng Anh, chắc chắn rằng người đẹp Việt sẽ không còn vướng bận nỗi lo về phiên dịch nếu lọt top.
Tuy nhiên cũng có không ít cô gái quyết định lựa chọn tiếng mẹ đẻ vì không tự tin vào khả năng tiếng Anh, cũng như mong muốn thông điệp họ truyền tải có chiều sâu hơn. Nhưng dù là sử dụng tiếng Anh hay tiếng Việt, các người đẹp cũng phải chuẩn bị tinh thần, khi những trường hợp xấu xảy ra chẳng hạn như lỗi phiên dịch từ phía Nam Em, Hà Thu thì chính kiến thức, bản lĩnh của mình sẽ là cách giúp các cô gái ghi điểm trước giám khảo. Thậm chí cư dân mạng còn có lời khuyên thí sinh nên chủ động gặp phiên dịch của mình trước khi bước vào đêm chung kết để tránh yếu tố tâm lý.
Tóm lại, vấn đề đặt ra chính là chuyện tiếng Anh của người đẹp Việt tại các đấu trường nhan sắc. Nếu vinh dự trở thành đại diện của Việt Nam, bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng, học tập tiếng Anh vẫn là điều quan trọng và cần thiết. Như khi chia sẻ về sự cố tại đêm chung kết Hoa hậu Trái đất, Nam Em bộc bạch rằng đó cũng chính là động lực để cô trau dồi vốn tiếng Anh tốt hơn nếu muốn tiếp tục chinh chiến tại một cuộc thi quốc tế khác.
Theo Thanh niên