Mẹ Tuyết Băng quyết định tự chữa bệnh tăng động cho con (Ảnh nhân vật cung cấp
Dám đối diện với những sự khác biệt của con cái là điều không phải bất cứ cha mẹ nào cũng có thể làm được. Thông thường họ tự ti, thu mình, thế nhưng với mẹ trẻ Tuyết Băng (ở TPHCM) thì không thế. Trên trang Facebook cá nhân, chị tự tin chia sẻ những phương pháp, khoảnh khắc để khắc phục tình trạng tăng động nhẹ cho công chúa nhỏ.
Lúc sinh ra, bé Bánh Mì hoàn toàn khỏe mạnh, bụ bẫm. Là cháu gái đầu tiên của gia đình nên tình yêu thương của mọi người đều dành cho bé. Con được chiều chuộng, xem tivi điện thoại nhiều.
Lúc bé 1 tuổi, cả nhà hoang mang khi thấy Bánh Mì có nhiều biểu hiện khác thường: con nhảy nhót liên tục, nhón chân và xoay vòng, ai gọi cũng không quay đầu lại, dễ nổi cáu và đánh mọi người. Đưa con đi kiểm tra thì Bánh Mì mắc chứng tăng động giảm chú ý dạng nhẹ.
Bé Bánh Mì dễ thương nhưng đứng ngồi không yên (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chị Tuyết Băng đã phải trải qua những thời điểm dằn vặt và tự trách mình. Chị thấy lỗi là ở mình, bản thân là giáo viên thường tiếp xúc với trẻ nhỏ mà để con như thế. Nhưng được sự động viên từ chồng và người thân, Tuyết Băng xốc lại tinh thần “bằng tất cả tình yêu con của người mẹ, mình sẽ lấy lại được trạng thái bình thường cho con”.
Trong thời gian nghỉ cách ly, chị Tuyết Băng tự lên thời gian biểu tương tác với con(Ảnh nhân vật cung cấp)
Cứ 5 giờ chiều đi làm về, mẹ Tuyết Băng gác lại mọi thứ để chơi cùng con. Trong đầu chị luôn đặt ra câu hỏi “hôm nay, ngày mai mình phải nghĩ ra được trò gì cho con”. Gạo, bột mỳ, hạt poom poom.. được chị đưa ra chơi.
Tuần đầu tiên, con không thích, không chịu hợp tác, thế thì thôi vậy, mẹ Tuyết Băng không ép, không cầm tay. Chị cứ mang ra chơi một mình, con cứ chạy xung quanh, thỉnh thoảng liếc nhìn mẹ. Cứ lặp đi lặp lại trò ấy trong suốt mấy ngày lần, thế rồi Bánh Mì đồng ý ngồi xuống và sờ vào bột.
Những ngày tiếp theo nữa thì bé nhấn tay rồi bắt đầu làm theo mẹ. Ở việc làm này, Tuyết Băng muốn gây cho con sự chú ý và tập trung nhất định.
Thế nhưng sự cáu bẳn, dễ nổi nóng của con vẫn còn. Mỗi lần như thế, Tuyết Băng nhìn con bằng ánh mắt âu yếm rồi bế bé lên hoặc ôm con vào lòng, chị nói nhỏ vào tai con “con ngoan, có mẹ đây rồi”. Ánh mắt và cử chỉ nhẹ nhàng của mẹ, đã làm cho Bánh Mì có tiến bộ, con đã bình tĩnh hơn trong khá nhiều tình huống.
Mẹ cùng con chơi trò chơi (Ảnh nhân vật cung cấp)
“Sự nhẫn nại, kiên trì là điều kiện bắt buộc đối với những bà mẹ có con như mình”, mẹ Bánh Mì chia sẻ. “Người lớn không nên nóng ruột mà ép trẻ theo những mong muốn của mình, phải đặt mình vào vị trí của con, để mẹ và con như đồng trang lứa, là bạn của nhau”.
Mẹ con Bánh Mì cùng chơi các trò chơi: làm gạo màu ở nông trại, làm đá bằng giấy giải cứu các bạn thú…, chỉ nghe con cười thích thú thôi là trái tim mẹ đã tan chảy vì hạnh phúc.
Bé Bánh Mì ngày thêm tiến bộ, con đã tự nhận biết các con vật, kiên nhẫn đút cháo cho em bé và chó giấy ăn (Ảnh nhân vật cung cấp)
Sau 1 tháng, Bánh Mì đã giao tiếp bằng mắt rất tốt, bé thích nhìn lâu vào mẹ rồi thích chơi với mẹ. Tháng tiếp theo, con biết chỉ tay, hỏi đến vật gì là chỉ được vào vật đó. Tháng sau nữa, con bước đầu làm quen với hoạt động giác quan để não bé làm việc nhiều hơn.
Điều đặc biệt ở Bánh Mì là con rất thích sách, chơi với sách là được lâu nhất. Do vậy, trước khi có dịch COVID -19, vợ chồng Tuyết Băng thường đưa con tới nhà sách và không tiếc tiền rước về những quyển mà con đã chọn.
Con rất thích đi nhà sách và "ngôi nhà nhỏ" cũng đầy sách (Ảnh nhân vật cung cấp)
Bây giờ, Bánh Mì đã được 19 tháng, con nói được “ba”, “mẹ”, “đi chơi”, “Bảo Bảo” (tên bạn hàng xóm) và thêm được một số từ tiếng Anh như con chó, con mèo, con khỉ mà trước kia bé xem tivi (dù nói còn chưa rõ). Gặp người lớn con biết cúi chào, ai cho kẹo bánh biết “ạ”, sự hiếu động, lắc xắc đã giảm đi thấy rõ.
Nhìn lại một chặng đường đã song hành cùng con, chị Tuyết Băng thấy mình và chồng mới là người được thay đổi. Trước kia chị vốn ham vui, quen được người khác chăm sóc, giờ chị lại thích chăm sóc người khác, nhất là con. Còn chồng chị trước kia “khô khan” (theo cách nói của chị) thì từ khi có con gái lại “sến súa, chảy cả nước”.
Hai vợ chồng có thể tiếc tiền mua sắm cho bản thân, nhưng lại không phân vân về giá cả của bất cứ loại đồ chơi nào để giúp con vận động.
Con hứng thú tập trung vào bữa ăn (Ảnh nhân vật cung cấp)
Khi chồng con đi ngủ, cũng là lúc Tuyết Băng lên mạng để tìm phương pháp giúp con lấy lại cân bằng. Đọc thêm nhiều sách, tham khảo ý kiến chuyên gia, nhưng có một liệu pháp chị rút ra “phương pháp từ trái tim” mới là con đường đúng nhất để chữa bệnh cho con.
“Phải bé lại để bước vào thế giới của con, không bắt con phải lớn bằng “con người ta”, hôm nay con cầm thìa chưa vững, thức ăn bị đổ ra ngoài đồng nghĩa con cần thêm chút thời gian nữa”, đó là những điều mà Tuyết Băng tự nói với mình.
Theo chị, muốn trị liệu chứng tăng động của con, trước hết người mẹ phải trị liệu cho chính mình trước đã. Mẹ có nhiều năng lượng tích cực thì mới truyền được sang cho con. Muốn con vui, mẹ phải vui trước đã, dần dà Tuyết Băng đón nhận mọi thứ đến với mình như một lẽ tự nhiên.
Tin vào con và tin vào chính mình, đó là động lực để gia đình chị hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến với con (Ảnh nhân vật cung cấp)
“Tin vào con và tin vào chính mình”, đó là những gì mà Tuyết Băng cùng chồng đang hướng đến. Trong một ngày không xa, Bánh Mì sẽ ổn định hòa nhập tốt cùng các bạn đồng trang lứa. Con có thể cao, mập hơn hay thấp, gầy hơn các bạn, nhưng những đổi thay theo từng tuần của con đã là điều quý giá, hạnh phúc mà mẹ Tuyết Băng có được trên đời.
Theo phunuonline