Cảnh trong phim Fire at sea (2016): Những người di dân ngồi trên con thuyền tuyệt vọng trước khi muốn chạm đến bờ hi vọng - Ảnh: IMDb
Đó là những gì Gianfranco Rosi mong đợi, còn khi nhìn vào bộ phim của ông lẫn những nhà làm phim khác về đề tài này, có lẽ chúng ta đều biết rằng điều ước ấy khó xảy ra.
Gắn với lịch sử thế giới là lịch sử phim về người nhập cư. Từ điện ảnh thương mại đến dòng phim nghệ thuật, hình ảnh người nhập cư xuất hiện trong nhiều danh tính khác nhau.
Có lúc họ là những người Mexico tìm cách chạm vào biên giới Mỹ, người Do Thái chạy trốn bàn tay Đức quốc xã, cũng có lúc họ đến từ Trung Đông, châu Phi với ước muốn thoát khỏi những cuộc chiến không hồi kết.
Bình minh không chạm đến khoang thuyền
Đạo diễn Gianfranco Rosi quay bộ phim tài liệu Fire at sea (tạm dịch: Lửa trên biển) ở hòn đảo Lampedusa, nơi được xem như cánh cổng chạm đến giấc mơ châu Âu của những người châu Phi, Trung Đông nhập cư trái phép.
Không miêu tả những cuộc rượt đuổi liên hồi giữa cảnh sát và người nhập cư như các bộ phim cùng chủ đề, Fire at sea chỉ xoay quanh đời sống của người dân trên đảo. Hòn đảo có dân số 600.000, nhưng mỗi năm phải đón cả triệu người nhập cư.
Tin tức hằng ngày trên radio của họ là hôm nay có bao nhiêu phụ nữ và trẻ em di dân chết vì chìm tàu, bao nhiêu người được cứu sống. Công việc của bác sĩ Pietro Bartolo bên cạnh việc khám bệnh cho người dân trên đảo còn là chữa trị cho những người bị thủy đậu, ghẻ, bỏng nhiên liệu vì phải chui rúc dưới khoang thuyền nhiều ngày.
Đối diện với tình trạng vượt biên trái phép, ngoài nỗi niềm của người nhập cư còn là sự ám ảnh của người dân đảo Lampedusa với những xác chết, đủ để khiến bác sĩ Pietro Bartolo trằn trọc mỗi đêm.
Bộ phim là sự trộn lẫn cảm xúc ở một hòn đảo chứng kiến bi kịch của loài người qua ba cuộc đối thoại thầm lặng: giữa những người dân trên đảo, người nhập cư và phần còn lại của thế giới.
Vừa chạm được cánh cổng, người nhập cư đối mặt với nỗi đau mất người thân, niềm lo âu về tương lai vô định, họ ngồi thẫn thờ bên mạn thuyền và trong những ngôi nhà tạm.
Người dân trên đảo Lampedusa nhìn về biển và nhớ lại bài hát Fire at sea đã theo họ nhiều năm, lửa bao trùm trên biển khi chiến tranh thế giới diễn ra, khi cơn bão ập đến hay khi con người phải lênh đênh để tìm cuộc sống mới.
Như một ngư dân, người Lampedusa chấp nhận ngọn lửa và người nhập cư, nhưng cũng cầu nguyện những bi kịch sẽ bị cuốn đi. Và cuối cùng, chỉ có phần còn lại của thế giới là im lặng.
Cảnh trong phim Sin Nombre: Cô gái Honduras chen chúc cùng hàng trăm người khác trên chuyến tàu lửa vượt biên - Ảnh: IMDb
Trao mình cho quỷ dữ
Một người châu Phi được cứu sống ở Lampedusa nói trong bộ phim Fire at sea: "Nói "có những rủi ro trong cuộc sống" không phải là cách nói để chúng ta chấp nhận mạo hiểm, mà là để ám chỉ rằng bản thân cuộc sống đã là một rủi ro".
Sau lời thoại đó ít lâu, bộ phim trượt qua khung cảnh những xác người nằm ngổn ngang với rác ở những khoang thuyền dưới cùng dành cho người trả ít tiền nhất trong chuyến đi.
Nếu chấp nhận sống là một rủi ro, người xem cũng có thể hiểu được điều gì đã thôi thúc những người nhập cư ra đi trong phim Sin Nombre (tạm dịch: Giấc mơ về miền đất hứa).
Bộ phim của đạo diễn Cary Joji Fukunaga là cuộc hành trình của Sayra - cô gái Honduras băng qua Mexico, vượt biên giới để đặt chân đến New Jersey (Mỹ). Cô cùng hàng trăm người khác chen chúc trên chiếc tàu lửa. Chuyến đi của Sayra đã kéo theo Casper, chàng trai người Mexico vừa phản bội băng đảng.
Sin Nombre là cuộc trốn chạy không ngừng của người nhập cư trái phép, chống lại lực lượng tuần tra lẫn các tổ chức tội phạm Nam Mỹ. Trong cuộc hành trình của họ, rất ít không gian cho sự tiếc nuối, kể cả khi người trong gia đình ngã xuống, người sau gánh ước mơ của người trước lẫn sự khốc liệt.
Ngồi ở đường ray, Sayra thủ thỉ với Casper: "Một bà thầy mo từng nói em sẽ sang được Mỹ nhưng không phải nhờ Chúa, mà nhờ bàn tay của quỷ dữ". Cũng như Sayra, những người di dân đã tuyệt vọng trước các cuộc chiến băng đảng và sẵn sàng trao mình cho quỷ dữ để tìm cuộc sống tốt hơn.
Cảnh trong phim Silent Cargo: người nhập cư trong chiếc container vượt đại dương - Ảnh: IMDb
Những món hàng im lặng
Giữa một loạt phim về đề tài người nhập cư, có thể nói Silent Cargo (tạm dịch: Món hàng im lặng) là một cú hích mạnh. Không đặt để nhân vật trong một câu chuyện tình cảm động, thậm chí bỏ qua những rên rỉ về ước mơ, chỉ vỏn vẹn 16 phút trong Silent Cargo, đạo diễn Adam Azimov đưa người xem đến thực tế tàn khốc của một chuyến nhập cư lậu.
Bộ phim là cuộc vật lộn với đói khát, không khí, tinh thần của một nhóm người nhập cư trong chiếc container vượt đại dương do người Trung Quốc tổ chức. Kế hoạch ban đầu là 12 ngày, nhưng nhóm người lại bị bỏ mặc trong container đến 3 tuần.
Mắc kẹt giữa ước mơ và hiện thực, những gì họ còn có thể níu giữ là nhân tính của chính mình trong khi vẫn "đóng vai" là một gói hàng trong container. Silent Cargo không quá đặt nặng các vấn đề thủ pháp nghệ thuật, logic hành vi, mà chủ yếu tập trung khai thác tính hiện thực, tương tự phim tài liệu.
Dồn dập, lạnh lùng và u tối, bộ phim của Adam Azimov như một vết cắt sâu về hành trình nhập cư trái phép. Khi không còn được bọc bởi hi vọng lung linh, người nhập cư đồng nghĩa với người chết.
Tiếng nói của Silent Cargo càng mạnh mẽ càng cho thấy sự bất lực của thế giới đối với tình trạng nhập cư trái phép. Đạo diễn Việt Linh từng cho rằng qua một bộ phim, ta có thể nhận được cảm xúc nghệ thuật/nhân văn, thông tin xã hội/thế giới, kiến thức địa lý/lịch sử… hoặc tất cả những thứ trên.
Nếu điều đó xảy ra, ai dám chắc phần còn lại của thế giới quay lưng với người nhập cư đã học được điều gì từ các bộ phim?
Yellow Cargo (1936), True North (2006), Sin Nombre (2009), Illegal (2010), The Girl (2012), Before Snowfall (2013), Fire at sea (2016)… Những bộ phim nối nhau ra đời cho thấy sự khắc khoải của các nhà làm phim, nhưng cũng dần mài mòn hi vọng của những người mong đợi tình trạng nhập cư sẽ chấm dứt. |
Theo tuoitre