Bà Sandy Hòa Đặng (trái) được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Điều hành chính thức của Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF. (Ảnh: NVCC)
Bà Sandy Hòa Đặng được bổ nhiệm giữ chức vụ Quyền Giám đốc Điều hành của VEF vào tháng 8/2014. Sau hơn 6 tháng đảm nhận vị trí này, bà đã được Hội đồng Quản trị VEF đánh giá rất cao vì những nỗ lực và thành tích xuất sắc. Sau khi tiến hành quá trình thi tuyển cạnh tranh, Hội đồng Quản trị VEF đã nhất trí bổ nhiệm bà Sandy giữ chức vụ Giám đốc Điều hành chính thức.
Bà Sandy sinh ra tại Hà Nội và rời Việt Nam lúc 10 tuổi. Sau thời gian sống tại các trại tị nạn ở vùng nông thôn Trung Quốc và Hồng Kông, năm 13 tuổi, bà định cư tại Hoa Kỳ. Chính vì những trải nghiệm này, bà Sandy đã cống hiến hết mình để giúp đỡ trẻ em và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Trong hơn một thập kỉ, bà Sandy là Nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành tổ chức Lãnh đạo, Trao quyền và Phát triển Mỹ Á (AALEAD), một tổ chức hỗ trợ các gia đình nhập cư và tị nạn thông qua hàng loạt các dịch vụ giáo dục và xã hội. Sau đó, bà được trao học bổng và hoàn thành chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Hành chính tại Đại học Harvard Kenedy vào năm 2010.
Năm 2011, bà được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bổ nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị VEF. Trước đó, bà là Đồng sáng lập viên kiêm Chủ tịch của Tổ chức Thiện nguyện 11+ (11plus Philanthropy), một công ty tư vấn cung cấp chương trình đào tạo kĩ năng lãnh đạo, tăng cường năng lực, và lập kế hoạch chiến lược cho các nhà tài trợ cá nhân, quỹ và các tổ chức phi lợi nhuận.
Bà Sandy được trao tặng nhiều giải thưởng danh tiếng vì khả năng lãnh đạo cộng đồng xuất sắc, trong đó có danh hiệu “Công dân xuất sắc của Washington DC” năm 2001. Bà hiện là thành viên Ban Cố vấn Cộng đồng của Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn John F. Kennedy và Chương trình Truyền hình WETA.
Ngoài bằng Thạc sĩ về Quản trị Hành chính, bà còn nhận bằng Cử nhân tại Đại học Duke và bằng Thạc sĩ về Công tác Xã hội tại Trường Đại học Catholic University. Bà thông thạo tiếng Quảng Đông và tiếng Việt.
Bà Sandy tham gia VEF vào năm 2011 trên cương vị thành viên Hội đồng Quản trị do Tổng thống Obama bổ nhiệm. Tháng 7/2012, bà được đề cử chức vụ Chủ tịch Ủy ban Tài chính VEF. Trong suốt thời gian là thành viên Hội đồng Quản trị VEF từ tháng 11/2011 đến tháng 10/2013, bà đã có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện sứ mệnh của VEF.
Bà Nguyễn Phúc Anh Lan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VEF, nói: “Bà Sandy Đặng hiểu rất rõ hoạt động của VEF và hết lòng tận tâm, cống hiến cho sứ mệnh của Quỹ.
Với hơn 20 năm làm việc ở các vị trí quản lý, điều hành cấp cao, bà Sandy sẽ mang tới VEF những kinh nghiệm quý báu và được Hội đồng Quản trị hoàn toàn yên tâm, tin tưởng khi bổ nhiệm bà giữ chức vụ này.”
Bà Sandy Đặng chia sẻ: “Là người Mỹ gốc Việt, tôi rất vinh dự khi được giao đảm nhận vị trí Giám đốc Điều hành chính thức của VEF. Tôi yêu cả hai đất nước - nơi tôi được sinh ra và nơi tôi trưởng thành. Với cương vị này, tôi sẽ có cơ hội đóng góp những kỹ năng và kiến thức của mình cho việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, Hoa Kỳ và Việt Nam”.
Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) là sáng kiến đặc biệt của Quốc hội Hoa Kỳ nhằm cải thiện mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua các hoạt động trao đổi giáo dục tập trung vào các ngành khoa học, kỹ thuật, toán học, y tế, và công nghệ. Đây là năm thứ mười hai VEF chính thức đi vào hoạt động. Chương trình Học bổng VEF là hoạt động trọng tâm của Quỹ. Thông qua chương trình này, VEF đã đưa 503 ứng viên xuất sắc sang học tập bậc thạc sĩ và tiến sĩ tại 96 trường đại học hàng đầu tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, Chương trình Học giả VEF, bắt đầu năm 2007, đến nay đã đưa 46 công dân Việt Nam có bằng tiến sĩ tham gia chương trình sau tiến sĩ từ 5 tháng đến một năm tại 35 trường đại học Hoa Kỳ. Chương trình mới nhất của Quỹ là Chương trình Giáo sư Hoa Kỳ Giảng dạy tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2008. Chương trình này đã trao 39 suất tài trợ cho 31 giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy bằng tiếng Anh từ một tới hai học kỳ tại 26 trường đại học Việt Nam thông qua cầu truyền hình từ Hoa Kỳ hoặc giảng dạy trực tiếp tại Việt Nam. VEF yêu cầu các Nghiên cứu sinh và Học giả trở về Việt Nam sau khi hoàn tất các chương trình học thuật của mình tại Hoa Kỳ. |
Theo Lệ Thu/ Dân trí