leftcenterrightdel
 Bìa album If I can’t love, I want power của nữ ca sĩ Halsey

"Tôi chỉ muốn được tự do"

Một người phụ nữ ngồi trên ngai vàng với một bầu ngực để lộ và một đứa trẻ ngồi trong lòng. Đó là hình ảnh trên bìa album If I can’t love, I want power (Nếu không thể có tình yêu, tôi muốn quyền lực) của nữ ca sĩ Halsey - album nhận được đề cử Album Alternative xuất sắc của Grammy năm nay.

Có lẽ đây cũng là bìa album khiêu khích bậc nhất ta được thấy trong vài năm trở lại đây. Nó được gợi cảm hứng từ bức Madonna và Chúa hài đồng của họa sĩ Jean Fouquet vào thế kỷ XVI, bức tranh mà theo tác phẩm Lịch sử vú của Marilyn Yalom, là một trong những khoảnh khắc hội họa đầu tiên khi bầu ngực của phụ nữ được chế độ phụ quyền gán với cảm giác khêu gợi.

Điều đó đã nói lên thông điệp của album đầy tính chính trị này. Bầu ngực, hay chính người phụ nữ, đã bị chiếm dụng quá lâu từ góc nhìn nam trị, và giờ người phụ nữ muốn lấy lại điều thuộc về họ. Một mặt, album chứa đầy những khẳng định quả quyết (Phụ nữ là khẩu súng. 

Tôi không phải phụ nữ mà tôi là Chúa); nhưng mặt khác, nó chứa đầy nỗi hoảng loạn, vừa yêu thương vừa căm ghét bản thân của một người đàn bà khi mang thai và sinh con. Và cái phụ nữ muốn lớn hơn nhiều so với việc làm trung gian cho một đứa trẻ chào đời.

Câu trả lời của Halsey, một ca sĩ ngấp nghé ngưỡng tuổi 30, là như thế. Nhưng câu trả lời của danh ca Dolly Parton, người ngấp nghé ngưỡng 80, trong album thứ 48 mới phát hành - Run, Rose, Run - lại quay về với những giấc mơ tuổi trẻ, trong đó bà mặc quần jeans và chiếc áo phông yêu thích, mang theo cây guitar đi tới Nashville cầu mong ai đó sẽ nghe mình hát, không thua kém gì một người đàn ông. 

Không nổi nóng như Halsey, ở phía bên kia sườn dốc cuộc đời, Dolly Parton nhẹ tênh tin vào đôi tai cảm thông, tin vào giấc mơ lớn và chiếc quần jeans bạc, tin vào cơn gió mang theo hoa bluebonnet, và bà muốn gì ư? "Như những bài hát của Bobby McGee, tôi chỉ muốn được tự do".

Nữ quyền và tình yêu

Dù thiếu đi những tuyên ngôn trực diện như các nghệ sĩ phương Tây, những nghệ sĩ nữ Việt Nam vẫn có cách để bày tỏ điều họ muốn.

Lại phải nói tới Hoàng Thùy Linh, người sở hữu thứ năng lượng độc đáo trong thị trường nhạc pop hiện giờ. See tình - ca khúc mới nhất của cô - tuy chỉ là một ca khúc giải trí đơn thuần nhưng cái cách mà người phụ nữ ở đây chiếm thế chủ động trong tình yêu đã đi ngược lại với cách vận hành mối quan hệ yêu đương theo truyền thống. 

Ngôn từ có khi chơi chữ cợt nhả (đem ngay vô nhà thương, đem ngay vô nhà để anh thương), có khi so sánh đùa giỡn (Anh như tia cực hiếm xuyên ngay vào tim, trong khi tia cực tím là thứ phụ nữ luôn né tránh), cho thấy cách mà một người phụ nữ hiện đại luôn sẵn sàng tung hứng với cuộc sống của chính mình.

Hoàng Thùy Linh muốn tình yêu, nhưng là một tình yêu do cô làm chủ. Ở chiều hướng ngược lại, ta vẫn có thể tìm được một cách yêu thụ động hơn trong âm nhạc của Amee - một ca sĩ còn quá trẻ với hình tượng nàng công chúa được bao bọc. 

Mặc dù thế, cái cách mà, trong bản ballad mới nhẹ nhàng Thay mọi cô gái yêu anh, cô vô tư hát về những hình ảnh đã cũ rích và thường bị cười chê như "soái ca trong truyện tranh", "giấc mơ tất cả nàng thơ đều yêu thích". 

Nó cho thấy sự lạc quan bất chấp của một người phụ nữ, ngay cả sự vỡ mộng có thể đến cũng không khiến họ thôi mơ giấc mơ hồng.

Tất nhiên, tính nữ mà ta tìm được trong những tác phẩm này, thậm chí của cả những nghệ sĩ trưởng thành hơn như Hoàng Quyên trong The Square hay Nguyên Hà trong đĩa than Cơn mưa phùn, đều có vẻ ngây thơ hơn nhiều so với của những nghệ sĩ phương Tây. 

Những nghệ sĩ nữ phương Tây có thể thẳng thắn chất vấn cấu trúc quyền lực giới, còn nghệ sĩ Việt thường chỉ đề cập tới tình yêu.

Nhưng như trong tác phẩm kinh điển Nữ quyền cho tất cả mọi người của học giả Bell Hooks, bà đã nói rằng tình yêu là "nhịp đập trái tim của nữ quyền", và lựa chọn nữ quyền nghĩa là "lựa chọn tình yêu". 

Cho nên, đôi khi, ta không cần tìm đâu xa để tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề nữ quyền, ta chỉ cần tìm kiếm tình yêu trong chính mình.

Theo tuoitre