Các bạn gái trẻ cùng nhau đi du lịch - Ảnh: DUY TÍN
Khi chia sẻ về câu chuyện hôn nhân, các bạn nữ trẻ thường có chung trải nghiệm.
Độc lập và độc thân
"Tôi thích mẫu người chững chạc, công việc ổn định. Không gặp được người khiến mình rung động, hòa hợp thì thà độc thân chứ kết hôn làm gì, vừa khổ mình vừa khổ người khác. Tôi quan niệm nếu là đúng người thì tự nhiên sẽ có khao khát muốn kết hôn, muốn sinh con. Tôi không nghĩ là sẽ độc thân suốt đời, nhưng việc gặp được người mình có thể chung sống cả đời không phải tìm là được. Nhiều khi tới 40 tuổi hay hơn mới tìm được người mà mình muốn sống cả đời". Đó là suy nghĩ của Tú Ngân (28 tuổi), đang làm quản lý ở một trung tâm Anh ngữ.
Ở tuổi 30, Thanh Hương đang làm trong lĩnh vực truyền thông, có công việc thu nhập trên dưới 20 triệu đồng, ở một mình trong căn chung cư nhỏ.
"Lúc cấp 2, cấp 3 cũng hay nghĩ sau này ra trường lúc 22 tuổi thì 24 tuổi lấy chồng, hai năm sau sinh con. Bạn bè ngồi nói chuyện với nhau thì mấy đứa con gái hay vẽ trong đầu những dự định như vậy. Nhưng khi ra trường, bươn chải công việc rồi bắt đầu thay đổi", Hương chia sẻ.
"Tôi nghĩ người trẻ kết hôn muộn ngày càng nhiều, đặc biệt là phụ nữ độc thân ngày càng nhiều, lý do là phụ nữ ngày càng độc lập, có thể kiếm tiền, có công việc, các mối quan hệ, bạn bè, gia đình...", Hương nói. Ưu tiên hiện tại của Hương vẫn là phát triển bản thân.
Áp lực của người trẻ
Là nam giới, Nguyễn Thanh Tuấn (32 tuổi) vẫn đang tập trung cho việc phát triển công việc kinh doanh.
"Ưu tiên hiện tại vẫn là phát triển bản thân, nếu có một ai đó tâm đầu ý hợp thì mình sẽ nghĩ tới chuyện lâu dài. Chắc vạn sự tùy duyên, nhưng không phải ưu tiên số một là kết hôn và sinh con", anh chia sẻ.
Phần lớn những bạn trẻ ngoại tỉnh như Tuấn đều đặt mục tiêu ổn định về sự nghiệp, về tài chính rồi mới sẵn sàng tính đến việc kết hôn, lo cho gia đình.
"Một nguyên nhân khác nữa là kết hôn là sự ràng buộc, không chỉ ràng buộc giữa hai người mà ràng buộc các mối quan hệ nội ngoại. Sẽ nhiều thứ phải lo hơn, do đó cũng thêm gánh nặng, giảm sự tự tin khi đi đến kết hôn. Đặc biệt với cuộc sống ở thành thị đắt đỏ thì sự nghiệp và kinh tế chi phối rất nhiều đến việc kết hôn và sinh con. Để con cái có những bước đệm vững chắc về học hành và sức khỏe thì khả năng tài chính đóng vai trò rất quan trọng", anh chia sẻ. Tâm lý của Tuấn rất phổ biến ở nam giới độ tuổi kết hôn.
Đỗ Minh Lâm (32 tuổi) và bạn gái quen nhau đã 6 năm nhưng vẫn chần chừ kết hôn. Cả hai cùng làm nhân viên ở một công ty, thuê nhà trọ ở thành phố.
"Muốn kết hôn thì ít nhất cũng phải ổn định kinh tế. Hai đứa xác định khi nào muốn có con, nuôi được con thì mới kết hôn. Chưa tính đến chuyện chỗ ở, có thể ở thuê vài năm nhưng để nuôi một đứa trẻ ở thành phố không phải dễ dàng nếu muốn con được học hành trong môi trường tốt", anh bày tỏ lo lắng.
Ổn định tài chính xong liệu có lỡ làng?
Mục tiêu độc lập, ổn định tài chính không chỉ gây áp lực đến nam giới mà còn phổ biến ở cả nữ giới.
"Càng trưởng thành càng đối diện với nhiều áp lực về kinh tế, gia đình và sự kỳ vọng của bản thân. Dù vẫn có cơ hội gặp gỡ nhiều người do tính chất công việc, do các loại ứng dụng, nhưng giới trẻ thường ngại bước ra khỏi vùng an toàn" - Trần Quỳnh Mai, 28 tuổi, ở TP.HCM, cho biết.
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp phụ nữ khi đã ổn định tài chính, độc lập về mọi thứ thì tuổi đã lớn, ngày càng khó tìm được ý trung nhân phù hợp với mình hơn.
Nhiều chính sách khuyến khích Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định số 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030", trong đó có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân sớm kết hôn, sinh con. |
Theo tuoitre