Truyền lửa yêu thương

Cô kể rằng, trường học xa nhà dân, xung quanh là đồng không mông quạnh, đông đến hè về chỉ có cách… gồng mình chống chọi với cái lạnh cái nóng của thời tiết; bởi thời ấy chăn bông, áo len, bít tất, quạt điện là của hiếm. Một cực hình nữa, là chỉ có nước giếng, khi cạn đục ngầu vẫn phải sử dụng bằng cách chứa ở thùng cho lắng; bữa ăn gọi là cơm cho sang chứ thực ra toàn sắn, nên buổi chiều tan học cánh đồng khoai lang phủ kín bóng sinh viên tràn ra hái rau về luộc ăn.

Người ươm mầm xanh trên mảnh đất khô cằn- Ảnh 1.

Trong giờ học, cô tận tình chỉ bảo từng li từng tí; ngoài giờ cô trò cùng chơi với nhau như những người bạn, có khi cô còn nấu nước lá cây tắm rửa gội đầu trị chí, ghẻ lở, giặt cả quần áo cho các em. NVCC

Rồi cũng qua đi những ngày đèn sách, tốt nghiệp ra trường được phân công giảng dạy ở vùng rừng núi chủ yếu là dân tộc ít người, nên mọi thứ còn thiếu thốn, trường lớp được tạo dựng bằng nhà tranh vách nứa đơn sơ… Song, đáng nói hơn cả là chuyện học hành, bởi người lớn suốt ngày nương rẫy lo cái ăn cái mặc, nên muốn có học sinh chỉ có cách đến từng nhà vận động thuyết phục cha mẹ cho con em đến lớp. Nước sinh hoạt được lấy từ suối hoặc giếng đào. Điện đóm lại càng xa vời, nên bài vở giáo án được soạn bên ngọn đèn dầu tù mù. Lễ tết muốn về thăm người thân quê nhà chỉ có cách đạp xe mấy chục cây số đường đất, nắng thì bụi mù mịt, mưa thì trơn trượt ngã lên ngã xuống. Và chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm nản lòng bất cứ ai rồi…

Thế nhưng, tình yêu nghề nghiệp đã níu kéo cô ở lại với mảnh đất này. Trong giờ học, cô tận tình chỉ bảo từng li từng tí; ngoài giờ cô trò cùng chơi với nhau như những người bạn, có khi cô còn nấu nước lá cây tắm rửa gội đầu trị chí, ghẻ lở, giặt cả quần áo cho các em. Có em bỏ học, cô phải đi bộ - trèo đèo lội suối cả chục cây số đến tận nhà khuyên bảo trở lại lớp. Với ngày nghỉ, cô cũng tham gia cấy cày, gặt hái, trồng trọt giúp dân, hay dùng chung bữa cơm đạm bạc rau rừng đậm đà tình cảm. Và tất cả những tình cảm ấy đã đi vào lòng người, học sinh ngày càng yêu thương quý mến cô hơn, em này truyền tai em kia đi học đông đủ chăm ngoan hơn.

Với thành quả này, cô giáo Lê Thị Vịnh luôn đạt danh hiệu giáo viên giỏi, được biểu dương khen thưởng, báo cáo điển hình cấp huyện rồi cấp tỉnh. Nhờ vậy, phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình cho thầy cô, như một sự gắn kết bền vững giữa gia đình, nhà trường, xã hội. Ngoài ra, cô còn nhận kèm cặp miễn phí một số em học yếu, cũng như bồi dưỡng thêm cho những em giỏi, nên lớp học luôn đứng đầu trong các phong trào của trường, có năm 15 em đi thi năng khiếu thì tất cả đều đoạt giải.

Rồi như một thử thách, năm cuối cùng trước khi về nghỉ, cô nhận một lớp mà học trò rất hiếu động, tổng số 43 em thì có 12 nữ, các em nam nghịch phá nhiều hơn học. Nhưng bằng tất cả tâm huyết cùng với kinh nghiệm của mấy chục năm giảng dạy, trong đó có cả biện pháp cả rắn lẫn mềm, kết hợp tổ chức nhiều hoạt động múa - hát - kể chuyện xen kẽ học tập để khích lệ các em, kết quả một năm sau, lớp học đã trở thành một điển hình của khối: học sinh ngoan đi vào nề nếp, học tập tốt, được biểu dương, và không ai khác chính cô là người được tặng danh hiệu "Giáo viên chủ nhiệm giỏi".

Nghe thêm những câu chuyện về cô, tôi quá khâm phục một việc làm khó tin nhưng đó là sự thật: cô đã nhận dạy kèm miễn phí suốt 2 năm liền cho 2 học sinh khuyết tật - không nghe không nói được. Đó là một công việc không dễ dàng, không dễ thành công và không phải ai cũng can đảm dám nhận. Để rồi kết quả ngoài mong đợi, cả hai trở thành học sinh giỏi và trưởng thành với cuộc sống như bao chúng bạn: một trở thành kế toán viên, một trở thành chuyên viên tin học.

Nghề giáo như đã ngấm vào máu thịt

Ở tuổi 30, cô mới xây dựng gia đình, rồi lần lượt 2 cháu trai kháu khỉnh ra đời trong niềm vui cùng những ngày tháng tràn đầy hạnh phúc. Nhưng một biến cố rất lớn xảy đến, năm 1998, chồng cô vĩnh viễn ra đi sau một tai nạn. Một nỗi đau tột cùng tưởng chừng mọi thứ như đổ sụp. Vượt qua khó khăn về tinh thần, cô vẫn lo việc nước, đảm việc nhà, vừa làm mẹ vừa làm cha nuôi dạy 2 con tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định.

Người ươm mầm xanh trên mảnh đất khô cằn- Ảnh 2.

Tôi thầm cảm phục một cô gái chân yếu tay mềm, nhưng trước khó khăn thách thức không than vãn mà luôn thể hiện sự kiên cường. NVCC

Năm 2018, cô giáo Lê Thị Vịnh nhận quyết định nghỉ hưu, trở về cuộc sống đời thường trong một gia đình nhỏ bé đong đầy yêu thương, khi được chăm hai cháu nội rất kháu khỉnh của vợ chồng trai lớn. Và tuy có bận bịu, nhưng cô vẫn dành thời gian nghiên cứu cập nhật chuyên môn, nhằm bắt kịp chương trình mới để dạy kèm những học sinh yếu mà phụ huynh tin tưởng gửi gắm.

Với tôi, đây chỉ là những gì nghe được qua chia sẻ, trải lòng... Và chắc hẳn sẽ còn nhiều hơn, nhưng cô cũng ngại kể - nhất là nói về mình, bởi những ký ức đã nhạt nhòa theo thời gian. Vì vậy trong giới hạn bài viết này chưa thể nào lột tả hết được những cung bậc thăng trầm  trong công việc lẫn cuộc sống của cô. Và giờ đây, có thể nói cô đã hoàn thành sự nghiệp trồng người, khi đã vun trồng nên bao mầm xanh đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái, góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển giáo dục nước nhà.

Cuối câu chuyện, tôi có hỏi nếu được làm lại từ đầu cô có chọn nghề này không, thì nhận được câu trả lời rất thật: "Nghề giáo như đã ngấm vào máu thịt rồi…". Tôi thầm cảm phục một cô gái chân yếu tay mềm, nhưng trước khó khăn thách thức không than vãn mà luôn thể hiện sự kiên cường. Và khi biết tôi thực hiện bài viết, cô mong muốn được gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả mọi người đã chia sẻ, động viên, giúp đỡ cô trong suốt hành trình dù bất luận kết quả thế nào; cùng với đó là lời khuyên đến các bạn trẻ rằng, trong cuộc sống nếu gặp phải những gì không thuận lợi hay nghịch cảnh, không thể mãi ngồi than thân trách phận mà cố gắng vực dậy ý chí, nghị lực để vượt qua.

Theo Thanh niên