Cô giáo cho các con tập viết các từ hay bị nhầm lẫn
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Hungary có khoảng 5000 người, sinh sống và làm ăn chủ yếu tại Budapest. Giữa bộn bề lo toan của cuộc sống nơi đất khách, những lớp dạy tiếng Việt cho con em người Việt thế hệ thứ 2 và 3 ở Hungary đã được cộng đồng người Việt Nam quan tâm, chăm sóc với ước mong duy trì bản sắc và văn hóa Việt Nam.
Chúng tôi đến Phòng cộng đồng Việt Nam tại Trung tâm thương mại châu Á vào đúng giờ học tiếng Việt của các em học sinh lứa tuổi từ 6-13. Các em rất mạnh dạn khi nói, viết tiếng Việt.
Em Nguyễn Thuận Bách cho biết: “Em đã học tiếng Việt ở đây hơn hai năm, em viết đã khá hơn, khả năng nói cũng cao hơn. Đến lớp cô hay hỏi những từ mới, học từ trước. Thường về nhà Chủ nhật em hay học nửa tiếng, đến 45 phút, em đọc lại những bài mà cô giao viết. Vì em tin là người Việt Nam, nếu sang Việt Nam thì phải biết nói chuyện…”.
Còn em Trần Ngọc My cũng học tiếng Việt được hai năm nay, cho biết: “Em rất thích học tiếng Việt, khi em về Việt Nam chơi, nói chuyện với các bạn bằng tiếng Việt rất vui…”.
Khó khăn nhất hiện nay với cô trò của lớp học “Tiếng Việt là ngoại ngữ”. Với các em, sống, học tập trong môi trường toàn tiếng Hungary thì tiếng Hungary mới là tiếng mẹ đẻ.
Cô Nguyễn Hồng Nhung – giáo viên tham gia giảng dạy tiếng Việt ở Trung tâm Châu Á, hiện đang giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên người Hunggary tại Đại học Tổng hợp Budapest, tham gia vào việc dạy cho tiếng Việt cho các em tại đây. Yêu cầu bắt buộc với giáo viên là phải thông thạo tiếng Hunggary thì mới có thể truyền đạt được những kiến thức về tiếng Việt cho các em.
Tham gia giảng dậy cô phải đảm nhận tất cả mọi việc, từ chuẩn bị giáo trình, các bài giảng từ đơn giản đến phức tạp, đến uốn nắn cho các em từng chữ viết, từng dấu phẩy, dấu sắc bởi ngữ pháp tiếng Việt với người nước ngoài rất khó. Với tình yêu quê hương đất nước, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam là động lực để cô Hồng Nhung tham gia giảng dạy lớp tiếng Việt này.
Cô cũng chia sẻ, khó khăn lớn nhất với những người dạy tiếng Việt ở nước ngoài là không có một giáo trình chuẩn. “Chúng tôi đã từng tham khảo giáo trình dạy tiếng Việt của người Việt ở Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn kiến thức tiếng Việt trong các giáo trình này đều từ trước năm 1975 nên nhiều từ ngữ không còn thông dụng. Chưa kể, người viết giáo trình lại là người miền Nam nên họ sử dụng nhiều từ địa phương, nếu dạy cho các em khi về Việt Nam các em sẽ không hiểu.
Một cái khó nữa mà cô trò ở đây gặp phải đó là môi trường để các em nói tiếng Việt hầu như không có. Phần lớn thời gian các em đến trường thì nói tiếng Hungary, khi trở về nhà, thời gian sinh hoạt chung với gia đình cũng rất ngắn. Nếu bố mẹ nào không kiên nhẫn thấy con nói tiếng Hung cũng sử dụng tiếng Hungary thì sẽ không tạo được môi trường ngôn ngữ cho các con.
Chị Trần Thị Hoàng Thư (ở 1156 Budapest Páskomliget 16) chia sẻ: “Tôi mang rất nhiều sách từ Việt Nam sang. Trước khi đi ngủ, tôi cho các cháu đọc sách. Tôi cũng mua nhiều truyện cười để các cháu đọc, có thêm vốn từ phong phú. Ngoài ra, tôi cho các cháu tham gia các hoạt động cộng đồng, tập hát, múa với cộng đồng”.
Chị Hoàng Thư cũng chia sẻ, từ khi sinh con ra chị đã quyết tâm dạy song ngữ Việt – Hung cho con nhưng thực hiện không dễ. “Chồng tôi cũng người Hungary nhưng anh rất hiểu tâm tư của tôi nên để khuyến khích các con học tiếng Việt, bố của các cháu cũng học cùng. Khi về nhà, nếu các cháu muốn hỏi gì thì phải bằng tiếng Việt, nói tiếng Hung là tôi không trả lời. Đến hè, tôi mua vé Việt Nam 2-3 tuần để các cháu thử tài dùng tiếng Việt”
Ông Trần Anh Tuấn, thành viên Ban đại diện người Việt Nam tại Trung tâm thương mại Châu Á nhớ lại, khi bắt đầu tổ chức lớp gặp rất nhiều khó khăn, vì các cháu còn phải học ở trường Hungary nên số lượng học sinh tham gia không nhiều. Sau 5 năm, mỗi năm số lượng học sinh đến học trung bình khoảng 30 cháu trong một học kỳ. Các cháu chủ yếu học vào ngày thứ bảy, chủ nhật, riêng mùa hè các cháu được nghỉ học ở trường Hungary thì các lớp học hết cả mùa.
Bên cạnh việc các cháu được biết thêm một ngôn ngữ, ông Trần Anh Tuấn cho rằng việc dậy tiếng Việt ở đây có ý nghĩa cao hơn: “Chúng tôi muốn gìn giữ tiếng Việt, ít nhất trong gia đình, để các cháu không quên. Muốn con em mình biết được nguồn gốc, cũng như văn hóa Việt Nam thì điều đầu tiên là nói và hiểu được tiếng Việt, từ đó mới hiểu được văn hóa Việt Nam, giữ gìn được bản sắc dân tộc”
Ông Nguyễn Viết Khuê, nguyên Tham tán, Trưởng ban công tác cộng đồng, Đại sứ quán Việt Nam tại Hunggary đánh giá rất cao chương trình học tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam. Đặc biệt là vai trò của các cô giáo tham gia giảng dậy với tinh thần tự nguyện vì cộng đồng, từ lúc đầu chỉ có một cô giáo đến nay đã có 4 cô tham gia giảng dậy, nhờ đó chất lượng lớp học được nâng cao. “Nhiều cháu đã nói và viết tiếng Việt rất tốt. Được cô quan tâm chỉ dẫn chu đáo, nhân dịp những đoàn cấp cao của Việt Nam sang thăm và làm việc, đều có những phần quà là sách, giáo trình dạy tiếng Việt gửi cho cộng đồng. Vừa qua, có 1 giáo viên ở Budapest đã về Hà Nội để dự lớp tập huấn dậy tiếng Việt. Kết quả các cô thu nhận được tốt, và mong những năm sau có lớp hướng dẫn dạy tiếng Việt như vậy”.
Với bà con nơi đây, với những thế hệ người Việt đã và sẽ sinh ra, lớn lên ở nước ngoài thì tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ mà còn là nhịp cầu quê hương. Nhờ những nỗ lực của cộng đồng người Việt Nam tại Hunggary mà con em của họ vẫn hiểu biết về bản sắc, văn hóa Việt Nam, được trở về với cội nguồn qua những bài giảng tiếng Việt gần gũi, thân thương.
Theo VOV5