Áo dài tứ thân khoác vạt sang bên phải đầu thế kỷ 20 (ảnh tư liệu)
PNVN giới thiệu bài nghiên cứu của ông về vấn đề này
Việt Nam tọa lạc giữa hai nền văn hóa đồ sộ của thế giới là Trung Hoa và Ấn Độ. Từ văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật... chúng ta ít nhiều cũng bị ảnh hường của hai nền văn hóa này.
Khi nói đến trang phục Việt Nam, đương nhiên chúng ta phải đề cập đến cái áo dài Việt. Và áo dài Việt Nam được biết đến dưới 2 dạng, bốn thân (vẫn được quen gọi theo tiếng Hán Việt là áo tứ thân) và năm thân, hay còn gọi là năm tà. Áo tứ thân không có khuy cài, và mở dọc ở giữa 2 vạt trước. Áo năm thân với vạt cài nút sang một bên, từ vài thập niên nay được cải tiến thành 2 thân, nhưng vẫn mang dạng 5 thân.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách trao đổi tại Hội thảo "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc" do HỘi LHPNVN tổ chức ngày 16/6/2020. Ảnh: D.H
Áo dài tứ thân truyền thống nâu sồng mộc mạc với yếm, váy của phụ nữ nông thôn Bắc bộ đã không còn được thông dụng từ mấy chục năm nay. Bây giờ nó chỉ còn được nhìn thấy ở dạng cải biên, mầu mè, qua nghệ thuật trình diễn.
Áo dài tứ thân là áo dạng 'Trực lĩnh' (mở dọc ở giữa thân trước) có tay ngắn, hẹp. Theo sách 'Tam tài đồ hội' của triều Minh thì loại áo này được triều vua Tần Nhị thế (230-207 TCN) bên Trung Hoa đặt thêm vào hệ thống triều phục, gọi là áo 'Bối tử'.
Theo quy tắc xưa, tay áo ngắn (chữ Hán là đoản tụ) là tay áo dài đến cổ tay. Tay áo dài (trường tụ) là tay áo khi rũ xuống dài bằng gấu áo, và thường là tay rộng.
Áo tứ thân hẹp tay gọi chung là áo 'trách tụ' (nghĩa là tay chẽn), như 'Bối tử trách tụ', 'Đối khâm trách tụ' (đối vạt, hẹp tay)… Sang đời Nguyên (1271-1368) dạng áo tứ thân tay hẹp này trở thành trang phục rất phổ thông của nữ giới, được gọi là 'Khuyết khóa trách tụ' (hẹp tay, mở trước ngực). Theo như các tranh vẽ còn sót lại thì cho đến lúc đó vạt áo vẫn còn dài đến gót chân. Trong tranh vẽ thời Minh (1368-1644) thì vạt áo đã ngắn như vạt áo dài tứ thân của Việt Nam.
Áo dài tứ thân thời cổ của Trung Hoa rất giống áo dài tứ thân ở Việt Nam, cả về hình dạng lẫn cách mặc, ví dụ như cùng mặc với váy. Nhưng phụ nữ thôn quê Việt Nam có vạt áo ngắn hơn để tiện việc lao động. Và khác với áo tứ thân không có cổ bên phương Bắc, áo dài tứ thân ở Việt Nam về sau có thêm cái cổ đứng (cổ xây) theo phong tục dấu tóc che cổ của người Việt.
Vì được tạo ra ở nước Tần, áo dài tứ thân không thể là sản vật của Việt Nam. Nhưng loại áo này có thể đã hiện hữu ở Việt Nam từ rất lâu, chắc phải đâu đó trong thiên niên kỷ Bắc thuộc, và không thể sau thời Đường (618-907). Vì trong các cuộc chiến tranh dành tự chủ ở nửa cuối thiên niên kỷ thứ nhất; và trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, Nguyên, Minh sau đó, người Việt không thể dễ dàng tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa của bên đối nghịch.
Dựa theo sách An Nam Chí Lược viết năm 1335 của tác giả Lê Tắc, thì khi vua Nam Tống lại muốn xua quân sang đánh Việt Nam để trả hận cho cuộc Bắc phạt của Lý Thường Kiệt, thi hào Tô Đông Pha đã buông lời can ngăn. Trong đó ông nhắc đến việc nếu không có lần ra quân của Mã Viện, thì dân chín quận (tức người Việt) vẫn khoác vạt áo về bên trái (tả nhậm). Nghĩa là cho đến thời Hai Bà Trưng dân mình vẫn khoác vạt áo sang bên trái. Đến sau lần xâm lược của Mã Viện thời Đông Hán năm 43 thì người Việt mới bị ép khoác vạt áo sang phải (hữu nhậm) theo phong tục của Trung Hoa. Và vì Tô Đông Pha nói việc khoác vạt áo sang trái đó là của dân chín quận, cho nên loại áo khoác vạt được nhắc đến phải là loại áo phổ thông của đại chúng.
Ngày xưa trước thời Đường khuy cài áo chưa được phát minh, người ta khép một vạt áo sang phủ lên vạt bên kia cho kín, rồi cố định bằng dây thắt lưng vải. Cho đến giữa thế kỷ 20 phụ nữ nông thôn Bắc Bộ vẫn còn giữ được cái dạng áo tứ thân không có khuy cài nguyên sơ đó. Và họ vẫn thường khoác vạt áo bên phải phủ lên vạt bên trái, rồi quấn dây lưng vải quanh bụng để giữ hai vạt lại với nhau.
Chuyện khoác vạt áo sang phải hay trái rất quan trọng trong quan niệm cổ của người Trung Hoa. Sách 'Tư trị Thông giám' của Tư Mã Quang có kể chuyện thời Chiến Quốc (476-221 TCN), vua Vũ Linh Vương nước Triệu bắt chước loại binh phục áo mặc với quần của người Hồ ở Tây Vực để kỵ binh nước Triệu mặc cho tiện trong việc cưỡi ngựa bắn cung. Áo của người Hồ khoác vạt về bên trái. Vua Triệu phải "văn minh hóa" loại áo này bằng cách đổi cho khoác vạt áo sang bên phải. Người Trung Nguyên vẫn gọi người Hồ là "loài tả nhậm", nghĩa là "loài vạt áo trái".
Đây cũng là lần đầu tiên người Trung Nguyên biết đến việc mặc quần, mà chữ Hán xưa viết là 'Khố' (trong khi đó Quần chữ Hán có nghĩa là váy). Việc mặc quần tuy thế vẫn bị người Trung Hoa thời cổ xem là thiếu văn minh, chỉ dành cho quân lính và giới nô tỳ. Câu ngạn ngữ "Hồ phục kỵ xạ", nghĩa là "y phục người Hồ cưỡi ngựa bắn cung" (hàm ý cái quần) ám chỉ điều đáng khinh bỉ. Dân Hán tộc luôn mặc váy với các loại lễ phục. Và điều này chỉ thay đổi khi người Mãn Châu chiếm được Trung Hoa.
Áo bối tử tứ thân được nới tay rộng và dài ra dưới thời Tống (1127-1279), thành áo 'Trường tụ bối tử'. Rồi được cải biên thêm ở thời Minh (1368-1644) với cổ áo hình chữ nhật có cạnh dưới cắt thẳng ngang, và được gọi là áo 'Phi phong'. Dưới thời Thanh người Hán vẫn mặc áo Phi phong nhưng người Mãn Châu không mặc áo này.
Trong khi đó áo Phi phong được triều đình Việt Nam các thời Lê, Nguyễn sử dụng. Và người Việt gọi nôm na áo này là áo 'Nhật bình' hay áo 'Mệnh phụ'. Hiện nay ở Việt Nam áo Mệnh phụ chỉ còn được dùng làm áo cưới của cô dâu ở. Và các tăng, ni Phật giáo ở nước ta cũng mặc áo Nhật bình. Nhưng áo mệnh phụ tứ thân bây giờ mặc với quần theo phong cách của triều Nguyễn, chứ không mặc với váy như áo dài tứ thân tay hẹp dân dã ngày xưa.
(còn tiếp)
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách