Chúng ta cần cân bằng các hoạt động của con khi lên lịch hàng tuần cho chúng. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ hiện nay đang đưa ra những thời gian biểu “không thở nổi” cho con của mình. Người lớn đã phải làm việc quá sức, bây giờ đến cả trẻ em cũng không thể dừng lại một chút để tận hưởng tuổi thơ. Chúng ta cần phải hiểu những nguy hiểm của việc cho trẻ em đi học thêm quá nhiều và cách ngăn chặn điều này xảy ra trong chính gia đình của chúng ta.

1. Lên lịch quá kín khiến cho trẻ em mất sức

Khi trẻ em của chúng ta đang bị lên lịch tối đa từ khi còn nhỏ, khả năng chúng bị kiệt sức trước khi đến tuổi vị thành niên là rất cao. Điều này thường xảy ra bởi lịch trình của chính cha mẹ chúng đã rất bận rộn, nên việc cho trẻ ở lại những lớp học thêm quá giờ là điều cần thiết. Những thời gian biểu chật cứng như vậy sẽ khiến trẻ không còn sức lực vào cuối ngày, cũng như mất đi năng lượng dồi dào và tự nhiên của trẻ.

Nếu bạn có cảm giác rằng con bạn đang phải làm việc quá sức hoặc bị quá tải bởi các hoạt động hàng ngày của chúng, bạn cần biết những điều nào có thể được cắt giảm. Ví dụ, nếu họ có quá nhiều hoạt động ngoài giờ học, thì đó là một lĩnh vực có thể cần được thu nhỏ lại.

2. Lập kế hoạch quá kín sẽ giết chết thời gian vui chơi và sự sáng tạo của trẻ

Trẻ em cần thời gian để trở thành trẻ em. Khi lịch trình của con được lấp đầy hàng ngày với nhiều hoạt động khác nhau, và chúng chỉ được nghỉ ngơi khi ăn tối và đi ngủ, thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang bắt con hoạt động quá mức. Chúng cần có thời gian rảnh sau giờ học để thư giãn và vui chơi. Khi con bạn không có điều đó, chúng sẽ không được giao lưu với bạn bè, cũng như bị hạn chế cơ hội được sáng tạo và phát triển.

Trẻ em cần thời gian rảnh để chơi mỗi ngày. Mười lăm phút vào giờ giải lao là không đủ. Họ cần thời gian cho nó sau giờ học, ở nhà và bên ngoài những ràng buộc của các hoạt động căng thẳng.

3. Lên lịch quá mức gây ra căng thẳng và áp lực

Khi trẻ bị lên lịch học quá dày do bố mẹ chúng đặt nhiều kỳ vọng, chúng sẽ cảm thấy như mình đang mang vác một gánh nặng. Áp lực cha mẹ đặt lên một đứa trẻ rằng chúng phải học tốt trong học tập, âm nhạc, chơi thể thao và nghiên cứu là một thực tế đối với nhiều trẻ em. Cuộc sống của những đứa trẻ này chỉ xoay quanh chiếc bảng hoạt động trong ngày, nếu không cảm thấy căng thẳng và áp lực, thì mới kì lạ. Đặc biệt là khi chúng được kỳ vọng sẽ thành công trong tất cả các hoạt động đó.

Thật khó để trẻ có thể giỏi hoặc thành công trong tất cả lĩnh vực. Hãy để con bạn chọn các hoạt động mà chúng muốn tham gia và cảm thấy mình giỏi và tự tin. Ngoài ra, hãy đặt giới hạn về số lượng các hoạt động mà con đang làm để chúng biết kiểm soát thời gian của mình.

4. Lịch trình dày đặc khiến con không được ăn uống lành mạnh

Bất kỳ phụ huynh nào bận rộn phải chở con đến các hoạt động khác nhau sau giờ học đều biết thức ăn nhanh là một lựa chọn lý tưởng. Tuy nhiên, những đồ ăn như vậy chẳng có mấy chất dinh dưỡng. Khoai tây chiên và bánh mì kẹp thịt - sự kết hợp chủ yếu trong hầu hết các món ăn nhanh - không thể giúp con bạn phát triển về mặt dinh dưỡng.

Khi vội vàng, nhiều người trong chúng ta đưa ra những lựa chọn thực phẩm không hợp lý vì thời gian để suy nghĩ về giá trị dinh dưỡng của bữa ăn là hoàn toàn không có.

5. Bữa ăn gia đình dần dần bị lãng quên

Khi chúng ta đưa con đi thể thao và các hoạt động ngoại khóa khác rơi vào giờ ăn tối, gia đình thường bỏ lỡ việc chia sẻ bữa ăn ở nhà cùng nhau.

Bữa tối cùng gia đình mang lại nhiều giá trị. Nó tạo cơ hội cho các thành viên trong gia đình được nói về ngày của họ, bao gồm cả công việc và các hoạt động ở trường. Khi các hoạt động của một đứa trẻ được lên lịch vào mỗi buổi tối, thì khoảng thời gian dành cho gia đình bên bàn ăn sẽ bị mất đi. Giờ ăn tối bị lãng quên và chúng ta mất đi những cơ hội đó.

Bạn nên sắp xếp thời gian trong tuần để đảm bảo luôn có khả năng ăn tối với gia đình. Hãy nhớ rằng: thời gian mà bạn có với những đứa con của mình dưới mái nhà ấy rất ngắn ngủi. Không lâu sau, con của bạn sẽ trưởng thành và bắt đầu sống tự lập. Lúc đó, bạn sẽ hối hận vì chưa thể ăn tối với con nhiều hơn./.

Theo vov