Theo báo cáo mới đây từ công ty dịch vụ bất động sản JLL Hồng Kông, khi số lượng sinh viên quốc tế tăng mạnh, các cơ sở giáo dục đại học khó có thể đáp ứng nhu cầu về chỗ ở. Việc thiếu nhà ở cho thuê giá cả phải chăng có thể làm suy yếu mục tiêu của Hồng Kông là trở thành trung tâm giáo dục quốc tế.
Trong năm 2024, các cơ sở giáo dục đại học Hồng Kông mong muốn tăng cường tuyển dụng sinh viên từ bên ngoài Trung Quốc nhằm làm đa dạng sinh viên trong môi trường đào tạo. Mục tiêu này dựa trên quy định nới lỏng của chính quyền Hồng Kông trong năm 2023. Đó là cho phép các trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh quốc tế lên gấp đôi hiện nay.
Chưa kể, Hồng Kông đang hợp tác trao học bổng cho nhiều quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Nơi đây cũng nới lỏng các hạn chế về công việc, chính sách được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều sinh viên quốc tế hơn.
Các nhà phân tích từ JLL Hồng Kông dự đoán số lượng tuyển sinh sau giáo dục trung học sẽ đạt 92 nghìn vào năm 2027 – 2028, tăng hơn 46% so với năm 2022 – 2023. Con số tăng không chỉ từ tuyển sinh quốc tế, mà còn do thị trường lao động suy yếu, nhiều cử nhân theo đuổi chương trình sau đại học như thạc sĩ, tiến sĩ...
Tuy nhiên, khi số lượng người đổ về Hồng Kông học tập sẽ gây nên tình trạng thiếu nhà cho thuê do việc phát triển nhà ở chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng. Theo báo cáo của JLL, các trường đại học hiện đã “thiếu trầm trọng” giường ngủ trong ký túc xá. Đây là lựa chọn chỗ ở ưa thích của hầu hết sinh viên vì giá cả hợp lý, thuận tiện di chuyển, học tập...
Bà Cathie Chung, Giám đốc nghiên cứu cấp cao của JLL, nhận định Hồng Kông “khó có thể đáp ứng nhu cầu chỗ ở nói chung của sinh viên trong tương lai gần”. Điều này chủ yếu là do các ký túc xá hiện nay không được xây dựng để đáp ứng số lượng sinh viên tăng cao và hạn chế không gian để xây mới ký túc xá.
Chuyên gia này cảnh báo nếu chính quyền Hồng Kông không thể giải quyết bài toán thiếu nhà ở cho thuê với giá cả hợp lý sẽ ngăn cản sinh viên quốc tế chọn du học tại đây. Từ đó, Hồng Kông không thể đạt được mục tiêu trở thành trung tâm giáo dục quốc tế.
Hiện nay, chính quyền Hồng Kông đã có những bước đi đầu để giải quyết tình trạng trên. Họ đang đầu tư phát triển khu nhà ở sinh viên nhưng tiến độ vẫn rất “khiêm tốn”, theo báo cáo JLL. Các trường đại học cũng tìm cách tự xoay xở. Đơn cử, Đại học Hồng Kông Metropolitan thông báo họ sẽ mua lại khách sạn và chuyển đổi thành nhà ở cho thuê dành cho sinh viên.
Hồng Kông cần sớm giải quyết bài toán trên nếu không muốn đi vào “vết xe đổ” của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Năm 2022, Hà Lan đã kêu gọi sinh viên quốc tế không đến nước này học tập trừ khi họ đã thuê được nơi ở do khủng hoảng nhà ở. Australia thắt chặt các quy định về thị thực du học vì căng thẳng thị trường thuê nhà. |
Theo giaoducthoidai