Sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp Đại học Columbia ở New York - Ảnh: Tân Hoa Xã
Một loạt các vấn đề liên quan đến đại dịch như thu nhập bấp bênh, rủi ro về sức khỏe khi ở nước ngoài và hình ảnh của Trung Quốc đang xấu đi ở các nước phương Tây đã buộc giới nhà giàu của Trung Quốc phải xem xét lại hoặc từ bỏ kế hoạch gửi con cái đi học ở các trường Anh, Mỹ hay mua tài sản ở Canada và Úc.
"Nhiều người trong chúng tôi rất ngạc nhiên khi một số nước phát triển ở Tây Âu đã xử lý dịch bệnh kém như thế nào. Chúng tôi luôn nghĩ rằng cả chất lượng cuộc sống và y tế của các nước phương Tây đều tốt hơn nhiều so với Trung Quốc, nhưng quan điểm này đã thay đổi", Alice Tan, một doanh nhân ở Quảng Châu, viết trong nhóm trò chuyện hơn 300 thành viên trên WeChat.
Theo báo South China Morning Post, trò chuyện nhóm trên WeChat là cách để chia sẻ thông tin về học tập và đầu tư ra nước ngoài - mục tiêu theo đuổi chung của các gia đình giàu có Trung Quốc trước khi dịch bệnh bùng phát.
Trong nhóm của Alice, mong muốn định cư ở nước ngoài đã giảm sút trong những tháng gần đây. Đặc biệt, ý định gửi con cái đi du học từ tuổi vị thành niên đã bị gạt bỏ.
Thay đổi quan điểm từ những người như Alice và bạn bè cô - những người cũng giống như nhiều người Trung Quốc khác, theo dõi tin tức về đại dịch và kinh tế từ truyền thông nhà nước - có thể dẫn đến sự sụt giảm sinh viên du học và đầu tư ra nước ngoài.
Theo Viện Chính sách di cư ở Mỹ, thế giới có 258 triệu người di cư vào năm 2017, 10 triệu người trong số đó là người Trung Quốc đại lục. Một nửa số người Trung Quốc di cư đã đến Hong Kong và Mỹ, tiếp theo là Canada và Úc.
Không giống những năm 1980 và 1990, khi làn sóng người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu và Bắc Mỹ để tìm kiếm cơ hội lao động tốt hơn, người Trung Quốc di cư trong thập kỷ qua thường giàu có hơn, tìm kiếm giáo dục tốt hơn cho con trẻ và chất lượng sống cao hơn.
Một cuộc khảo sát năm 2018 với 224 nhà đầu tư Trung Quốc giàu có, được thực hiện bởi Hurun Report và Visa Consulting (đơn vị giúp người dân Trung Quốc đầu tư và sinh sống ở nước ngoài), cho thấy Mỹ là điểm đến di cư hấp dẫn nhất, tiếp theo là Anh, Ireland, Canada và Úc.
Khảo sát cho thấy giáo dục là lý do hàng đầu cho việc di cư, tiếp theo là môi trường, an ninh lương thực, y tế, phúc lợi xã hội và an toàn tài sản.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết có hơn 660.000 sinh viên Trung Quốc đại lục đi du học trong năm 2019, tăng 8,8% so với một năm trước. Mong muốn có một ngôi nhà ở nước ngoài hoặc bằng tốt nghiệp từ phương Tây mạnh mẽ đến mức việc các trường tư thục chuẩn bị cho học sinh đi du học từ sớm trở thành ngành kinh doanh bùng nổ ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, đại dịch ập tới khiến các công ty di cư của Trung Quốc phá sản hàng loạt.
"Năm ngoái, tôi giúp khoảng 30 gia đình di cư hoặc đầu tư ra nước ngoài, nhưng năm nay tôi sợ là chỉ còn 10 hoặc ít hơn", Bill Liu, chủ đơn vị có trụ sở ở Quảng Châu chuyên giúp công dân Trung Quốc di cư và đầu tư ở nước ngoài cho biết.
Nhiều đồng nghiệp của Bill thậm chí đã phá sản vì dịch bệnh khiến cơ hội đầu tư ra nước ngoài không còn. Ngoài ra, tỉ lệ tử vong, kinh tế đình trệ và suy thoái ở Mỹ cũng như châu Âu đã tác động nhiều đến tâm lý tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
"Tôi luôn lo lắng con trai tôi sẽ bị phân biệt đối xử ở nước ngoài, liệu nó có được tôn trọng và nhận được cơ hội so với vài năm trước hay không", Gou Hua, một phụ huynh ở Thâm Quyến đang tính cho con trai đi du học đại học ở California mùa thu này, chia sẻ.
Trước đây, nhiều người muốn bán bất động sản ở Trung Quốc để mua ở Úc và Canada, nhưng giờ cơn sốt đã không còn. Thị trường bất động sản đại lục nhiều nơi tăng gấp 2-3 lần trong vài năm qua, ngược lại ở châu Âu hay Mỹ không còn được đánh giá cao.
Chưa kể, nhiều gia đình trung lưu tin rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi và hệ thống chính trị vẫn đứng vững. Họ tin rằng giữ bản sắc Trung Quốc và nắm giữ tài sản tại các thành phố lớn trong nước quan trọng không kém việc có thẻ xanh ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, căng thẳng trong quan hệ hai nước Mỹ - Trung cũng gửi tín hiệu mạnh mẽ rằng có thể Mỹ không chào đón sinh viên Trung Quốc nữa.
Theo tuoitre