Mắt lòa, vẫn ngồi biên soạn
Bộ sách Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ (do quỹ Hoa Sen tài trợ, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành) đã in đến tập 4, mỗi tập từ 2-4 quyển, dự kiến sẽ gồm 17 quyển. Nội dung gồm vè, truyện kể dân gian, ca dao - dân ca Nam Bộ… Đây có lẽ là công trình mà nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng làm việc với bản thảo vất vả nhất trong suốt cuộc đời biên soạn, nghiên cứu văn hóa của ông, vì đó là thời gian đôi mắt ông bị lòa. “Một hôm, đang ngồi làm việc thì trước mắt tôi bỗng tối sầm lại, không thể nhìn thấy gì. Tôi đã nghĩ mắt mình hỏng rồi, không thể nghiên cứu, viết lách gì được nữa” - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhớ lại.
|
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng thường xuyên có những buổi giao lưu, trò chuyện với những bạn trẻ về các chủ đề văn hóa - Ảnh: Quỳnh My |
Ông đã định từ chối biên soạn Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ, nhưng vợ ông - bà Phạm Thiếu Hương - người đứng tên cùng ông trên bộ sách, nói bà sẽ làm đôi mắt cho ông. Vậy là ông bà làm việc cùng nhau: ông dùng bút lông viết những chữ thật to lên bảng, bà đánh máy lại, hoàn chỉnh, rồi đọc lại cho ông sửa. Cứ thế mà dần hình thành những tập sách ngàn trang. Một quá trình nhọc nhằn mấy năm ròng, giờ chỉ được ông nhắc lại bằng đôi câu, với nụ cười hiền từ, giản dị. Đôi mắt ông, sau thời gian chữa trị, giờ đã nhìn rõ trở lại, để tiếp tục viết và giao lưu, trò chuyện với thế hệ trẻ về văn hóa Việt.
Nghiên cứu văn hóa như niềm đam mê của cả cuộc đời ông. Trong ngôi nhà yên tĩnh, ấm cúng giữa lòng thành phố, khi kể lại những năm tháng tuổi trẻ đi khắp nơi điền dã, nhà nghiên cứu 72 tuổi vẫn đầy tràn cảm hứng. Thập niên 1980-1990, sách nghiên cứu văn hóa còn rất ít. Ông đã đi khắp nơi để nghiên cứu, viết về văn học - văn hóa các cộng đồng Chăm, Hoa, Việt, Khơ Me. “Có lúc cũng thấy mệt và nản lắm chứ” - ông cười, khi nhớ về những lần rong ruổi đường trường, cả những ngày mưa gió cũng lầm lũi một mình. Lúc đi bằng xe đạp, lúc leo xe đò, hành trang cũng chẳng có gì ngoài sổ, bút, máy ghi âm… cùng một tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết và trách nhiệm.
“Tiếp cận thấu hiểu” là phương pháp đặc biệt quan trọng đối với nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trong nghiên cứu khoa học. Đó là gặp gỡ, lắng nghe, hòa mình vào văn hóa của cộng đồng bản địa để thấu hiểu. Ông không dùng góc nhìn chủ quan của người bên ngoài để đánh giá, kiến giải một sinh hoạt/nghi lễ/thói quen văn hóa của cộng đồng dân tộc cụ thể. Chính vì vậy, dù viết bằng văn phong giản dị, những tác phẩm của ông đều sâu sắc, chặt chẽ, hiểu và tôn trọng văn hóa cộng đồng. Ông đã in trên dưới 100 tựa/bộ sách và hầu hết công trình đều gắn chặt với văn hóa vùng đất phương Nam: Nghìn năm bia miệng - Sự tích và giai thoại dân gian Nam Bộ; Tượng mục đồng; Hát sắc bùa Phú Lễ; Ông Địa - Tín ngưỡng và nghi lễ; Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội…
Tấm lòng dành cho thế hệ sau
Trò chuyện với nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng mới thấy, hành trình cuộc đời ông cũng là một kho tàng, đầy ắp chuyện kể và chất liệu phong phú. Cuộc đời ấy trải qua cả những thăng trầm của vùng đất phương Nam. Từ quê nhà Quảng Ngãi, ông vào Sài Gòn học tập năm 1971, tham gia hoạt động nội thành, mưu sinh bằng đủ công việc rồi trở thành nhà nghiên cứu. Ông bắt đầu với công trình nghiên cứu về văn học yêu nước ở đô thị cho đến văn học các dân tộc Việt, Chăm, Hoa, Khơ Me. Đồng thời, ông cũng dịch sách tư liệu về mỹ thuật - kiến trúc ở thời điểm Việt Nam hầu như không có sách nghiên cứu về các lĩnh vực này.
|
Một số tác phẩm của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng - Ảnh: Quỳnh My |
“Trong đời, có 2 việc tôi thực sự ham muốn, xem đó là chí nguyện. Đó là làm việc liên quan đến nghệ thuật - hội họa và dạy trẻ con. Từ nhỏ tôi đã rất thích vẽ, nhưng lại không có cơ duyên theo hội họa. Sở thích đó lại dẫn dắt tôi viết sách/dịch sách phần lớn về mỹ thuật, kiến trúc” - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng tâm tình. Đó là những cuốn sách nghiên cứu tâm huyết về gốm: Gốm Sài Gòn, Gốm Lái Thiêu, Gốm Cây Mai Đề Ngạn - Sài Gòn xưa… Khi con gái ông - nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình - tiếp bước cha nghiên cứu và viết sách về tranh kiếng Nam Bộ, tranh tường Khơ Me, ông cũng đã rong ruổi cùng con đi khắp đồng bằng sông Cửu Long.
Dù ở tuổi nào nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cũng tận tụy với công việc. Khi bắt tay thực hiện một công trình nghiên cứu hay biên soạn sách, ông từ chối những buổi cà phê thư nhàn cùng bè bạn. “Có khi cả ngày tôi đóng cửa không tiếp khách để tập trung tối đa vào công việc. Tôi không bao giờ làm 2 phần việc cùng một lúc. Mọi thứ đều phải có đề cương, hạn định rõ ràng” - ông nói. Nguyên tắc và kỷ luật làm việc ấy, ông vẫn giữ từ thời trẻ đến giờ.
Ở độ tuổi “cổ lai hy” ông vẫn cần mẫn bên áng thư. Tất cả những giá trị mà ông để lại đều là tấm lòng dành cho thế hệ sau, gìn giữ văn hóa Việt trong tâm thức bao thế hệ. Người trẻ luôn thấy ông cực kỳ gần gũi và tinh thần trẻ trung, với tư duy mở. Ông luôn có góc nhìn mới và phản biện sắc sảo, chí lý chí tình trước những vấn đề của văn hóa. Chính vì vậy mà những buổi giao lưu, trò chuyện của ông với học sinh - sinh viên, trí thức trẻ hôm nay luôn sôi nổi, cởi mở và trao truyền rất nhiều giá trị.
Theo phụ nữ TPHCM