|
|
Phim Bẫy ngọt ngào trải qua hai lần hoãn chiếu vì dịch. Ảnh: Phương Lâm. |
Từ đầu tháng 5, hệ thống rạp phim đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tròn 5 tháng qua, nhiều bộ phim điện ảnh vẫn "đắp chiếu", chờ ngày ra rạp. Một số tác phẩm ấn định ngày ra mắt nhưng trải qua nhiều lần lùi lịch.
Đến nay, TP.HCM bước sang lộ trình mở cửa, nhiều hoạt động dịch vụ, sản xuất tái hoạt động. Tuy nhiên, rạp phim vẫn chưa có tên trong danh sách nhóm hoạt động được mở lại theo Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM.
Trao đổi với Zing, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết anh có hai bộ phim chờ ra rạp, gồm phim sinh tồn Rừng thế mạng và phim kinh dị Chuyện ma gần nhà. Sau mỗi lần hoãn chiếu, công ty chịu thiệt hại lớn về kinh phí cho truyền thông.
Tương tự, nhà sản xuất Minh Hằng của Bẫy ngọt ngào nhận định hướng đi trong việc marketing cho phim sau vài lần lùi lịch cũng là bài toán nan giải của ê-kíp.
Thiệt hại lớn về chi phí marketing khi dời lịch chiếu
"Rừng thế mạng trải qua hai lần dời lịch chiếu. Cứ mỗi lần lùi lịch là gần như toàn bộ ấn phẩm truyền thông, kế hoạch quảng bá cho phim phải làm lại từ đầu. Con số hiện tại chỉ riêng phần truyền thông của phim đã mất trắng 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự án này cũng ảnh hưởng liên đới tới vấn đề tài chính của Chuyện ma gần nhà", Trần Hữu Tấn trao đổi với Zing.
Theo đạo diễn, phim ảnh là lĩnh vực nằm trong số các ngành nghề bị ảnh hưởng rất nặng nề vì dịch trong 5 tháng qua. Doanh thu của công ty gần như bằng 0. Trong khi đó, chi phí hàng tháng trả tiền mặt bằng, lương nhân viên vẫn phải thanh toán.
Việc bộ phim không được ra mắt đồng nghĩa với hàng loạt hoạt động trong công ty cũng giậm chân tại chỗ. Bên cạnh thiệt hại vật chất, Trần Hữu Tấn bày tỏ anh em trong công ty chịu ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần.
"Dàn diễn viên trong Rừng thế mạng rất sốt ruột vì dự án đã dời tới dời lui gần một năm qua. Đặc biệt là diễn viên Huỳnh Thanh Trực lần đầu đảm nhận vai chính trong phim sinh tồn đầu tiên của Việt Nam nên nóng lòng muốn được thấy màn hóa thân của mình trên màn ảnh. Trần Phong, Thùy Anh cũng thường xuyên hỏi thăm tôi về kế hoạch phát hành. Tuy nhiên, bây giờ chỉ chờ ngày rạp phim mở cửa trở lại mới biết được chính xác thời điểm công chiếu", anh thông tin thêm.
Trần Hữu Tấn nói thời gian qua, anh gặp nhiều căng thẳng. Mong muốn lớn nhất của anh và đoàn phim hiện tại là hệ thống rạp chiếu phim được mở cửa lại sớm. Khi đó, đạo diễn dự tính hai bộ phim của anh sẽ được ra mắt cách nhau khoảng 3-4 tuần.
Tương tự, phim Bẫy ngọt ngào của Minh Hằng trong vai trò nhà sản xuất cũng trải qua hai lần hoãn chiếu. Phim điện ảnh buộc dời từ ngày 16/4 sang 14/5, nhưng tiếp tục phải lỡ hẹn khán giả đến nay là 5 tháng và chưa biết khi nào mới được ra rạp.
Nhà sản xuất Minh Hằng nói với Zing ê-kíp chưa xác định ngày chính thức để công chiếu trở lại vì phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19 cũng như thời điểm rạp phim mở cửa.
Theo Minh Hằng, ngoài khó khăn về tài chính, ê-kíp còn lo lắng hướng đi trong khâu marketing nếu phim được công chiếu trở lại.
"Điều chúng tôi băn khoăn nhất là câu chuyện marketing cho phim. Chúng tôi đã chi rất nhiều tiền cho việc marketing trong thời gian trước. Bây giờ thay đổi chiến lược marketing, liệu nó có phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh hay không. Nếu đi theo hướng cung cấp những thông tin của phim thì bị cũ. Đó là bài toán nan giải của toàn bộ ê-kíp", nhà sản xuất cho biết.
Ngoài ra, Minh Hằng chia sẻ Bẫy ngọt ngào là phim theo hướng hiện đại, có concept (bối cảnh - PV) và trend (xu hướng - PV) phù hợp. Sau hơn một năm với vài lần lùi lịch chiếu, nhà sản xuất lo sợ phim đứng trước nguy cơ bị lạc hậu, không còn hấp dẫn, sự mới mẻ đối với khán giả.
Cô nói thêm: "Nếu rạp phim mở cửa trở lại, việc thu hút khán giả bỏ tiền ra để xem phim và không còn nỗi lo về dịch bệnh cũng là điều phải tính đến. Những bài toán kể trên phải cần đến sự hỗ trợ, chung tay của cả cộng đồng, từ chính sách của Nhà nước đến cụm rạp rồi nhà sản xuất, khán giả. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải mở cửa để tìm con đường đi còn hơn ngồi một chỗ và chờ", Minh Hằng nói thêm.
Nhà sản xuất mong rạp phim sớm mở cửa trở lại
Trước những khó khăn chung của ngành phim ảnh, cuối tháng 9, 20 công ty, nhà sản xuất đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng và UBND TP.HCM xin hoạt động trở lại từ 15/10.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn nhận định giới làm phim mong muốn được tái hoạt động sau 15/10 là nhu cầu bức thiết. Nhân sự trong lĩnh vực này ngoài đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên còn phải kể đến nhân viên hậu đài, ê-kíp quay quảng cáo, truyền hình và các bên liên quan như công ty cung cấp thiết bị, diễn viên...
Vì thế, theo nam đạo diễn, nếu các công ty, nhà sản xuất phim được hoạt động trở lại sẽ góp phần giải tỏa vấn đề kinh tế lẫn tâm lý của nhân sự trong 5 tháng qua.
|
|
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết phim Rừng thế mạng ảnh hưởng lớn sau hai lần lùi lịch chiếu. Ảnh: ĐPCC. |
Về phía Trần Hữu Tấn, anh nói thời gian qua, để cắt giảm chi phí về mặt bằng, công ty của anh đã di dời trụ sở sang địa điểm mới. Ngoài ra, anh cũng tập trung làm việc online cho khâu hậu kỳ của Chuyện ma gần nhà và phát triển các kịch bản đối với những dự án điện ảnh trong năm sau.
"Khó khăn là tình hình chung của mọi lĩnh vực. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là đảm bảo sức khỏe cho nhân sự, dù ở bất cứ điều kiện gì đi chăng nữa. Nếu được tái hoạt động, công ty sẽ tuân thủ các biện pháp phòng dịch của Bộ Y tế, giới hạn số lượng người quay trong không gian kín. Đặc biệt, nhân sự buộc phải hoàn thành đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19, hoặc có giấy tờ chứng minh là F0 khỏi bệnh, thực hiện việc xét nghiệm nhanh theo yêu cầu", anh cho biết.
Minh Hằng cho biết hiện cô vẫn chủ yếu làm việc tại nhà. Phim truyền hình Mẹ ác ma, cha thiên sứ do cô đóng vai chính quay được hơn một tháng phải hủy lịch vì dịch Covid-19. Đến nay, phim chưa công bố lịch quay trở lại.
"Việc đi hát cũng lại là câu chuyện khác. Giấc mơ đứng trước hàng nghìn khán giả có lẽ còn khá xa. Lo và buồn là điều không thể tránh khỏi nhưng tôi hay đồng nghiệp đều phải học cách thích nghi", cô chia sẻ.
Theo zingnews