Học sinh phân công nhau phục vụ bữa trưa cho mọi người

Joyce Wan - nhà văn tự do, tác giả truyện tranh minh họa đến từ Massachusetts, Mỹ, từng tham gia chương trình dạy học ở Hokkaido, Nhật Bản, từ năm 2014 đến 2016. Đầu năm 2017, sau khi kết thúc chương trình, cô có bài viết kể lại một bữa trưa tại trường học Nhật Bản trên GaijinPot.

Tôi cần mang khay từ phòng nhân viên đến lớp học mà tôi sẽ ăn cùng ngày hôm nay. Một "cơn lốc" hoạt động diễn ra xung quanh khi tôi cẩn thận bước lên cầu thang. Lũ trẻ đuổi theo nhau đến bồn rửa tay, một số em đẩy xe chứa thức ăn vào lớp. Những bát súp nóng bốc hơi nghi ngút. Học sinh đã ngoan ngoãn vâng lời giáo viên suốt buổi sáng và giờ ăn trưa là thời gian chúng làm chủ. Khi chuông reo sau tiết 4, đó là thời gian cho bữa trưa.

Khi tôi đến lớp, không khí ở đây giống một nhà bếp bận rộn. Mọi người vội vã đẩy bàn ăn xếp thành từng nhóm, lấy đũa và khăn ăn từ ngăn để đồ. Thấy tôi bước vào, chúng lập tức chơi trò janken (tên gọi Nhật Bản của trò "oẳn tù tì") để chọn người ngồi với cô giáo. Người chiến thắng đẩy một bàn phụ vào nhóm của mình để dành chỗ cho tôi. Sau đó, cậu bé quay lại xếp hàng, đợi lấy thức ăn. Những người phục vụ nhí mặc tạp dề, quấn khăn quanh đầu hoặc đội mũ, đeo khẩu trang. 

Cô gái còn lại lớn tiếng hơn: "Làm ơn im lặng nào!". Những tiếng trò chuyện rì rầm dần tắt hẳn và cuối cùng thực đơn cũng được điểm qua. Bữa trưa hôm nay gồm cơm chiên gohan, cá saba (cá thu Nhật) nướng, hỗn hợp măng, giá đỗ, rau chân vịt, canh miso bổ dưỡng với đậu hũ, rong biển và bánh mochi khoai tây. Tất cả đều được phục vụ và ngồi ngay ngắn, trong khi một đôi nam nữ chờ đợi để thông báo thực đơn hôm nay. "Làm ơn im lặng nào", cậu bé nhẹ nhàng nói. Tôi nhìn ra cửa sổ. Tuyết không ngừng rơi từ sáng sớm nay, hay từ sáng hôm qua, hay từ vài buổi sáng của những tuần trước. Nhưng lớp học không hề ảm đảm mà vô cùng tươi vui. 

Cặp đôi vỗ tay và mọi người đồng thanh "Itadakimasu", câu nói nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với thực phẩm, đồng thời biết ơn thế giới vì đã cung cấp nó. Cảm giác ấm cúng lan tỏa khắp căn phòng.


                            Một bữa trưa ở trường học Nhật Bản được cân bằng thành phần dinh dưỡng. 

Nhóm của tôi bắt đầu thưởng thức bữa trưa một cách hào hứng. Chủ đề phổ biến nhất tôi từng gặp cũng chính là một trong những câu tiếng Anh đầu tiên học sinh Nhật Bản được dạy: "Cô thích ăn món gì?". Tôi hỏi các em đã học được gì sáng nay và biết chúng vừa nghiên cứu cách trồng lúa. Mỗi người gieo hạt trong hộp sữa rỗng, sau đó chuyển ra khu vườn bên ngoài khi mùa xuân đến. Chúng tôi bị gián đoạn bởi chương trình phát thanh trong giờ ăn trưa. Người dẫn chương trình đọc một số bản tin cập nhật của trường và phát bài hát nổi tiếng mới nhất. 

Trong cuộc trò chuyện, tôi biết cậu bé ngồi đối diện vừa "rung rinh" một bạn nữ và cả nhóm cố gắng đoán xem đó là ai. Bạn thân của cậu bé biết nhưng từ chối tiết lộ bí mật. Một người trong nhóm có chiếc chăn trải bàn hình Pokémon, do đó tôi hỏi mọi người về con Pokémon yêu thích nhất. Cuộc trò chuyện đã diễn ra theo cách dễ chịu như thế. Tôi không tưởng tượng được chúng sẽ làm gì sau 15 năm nữa, khi ở độ tuổi của tôi, nhưng vào khoảnh khắc này, ai nấy đều nâng bát súp miso lên và uống một cách vui vẻ.

Kết thúc bữa ăn, chúng tôi lại cùng nhau vỗ tay và nói "gochisosama deshita". Đây là cách diễn đạt biết ơn khác, dành cho những người đã nấu bữa ăn này. Đồ ăn được trường chuẩn bị và không có đầu bếp nào ở đây, do đó tôi đoán lũ trẻ cũng dùng câu này để cảm ơn bạn bè vì đã ăn trưa cùng nhau. 

Đến thời gian dọn dẹp - Souji, mọi thứ được thực hiện với tốc độ đáng kinh ngạc. Học sinh dọn khay của mình, mang bát đĩa trả lại xe đẩy với các thùng chứa lớn. Tôi vui vì mình uống trà chứ không uống sữa, bởi quá trình mở vỏ hộp sữa để sử dụng cho việc tái chế là nhiệm vụ tôi không bao giờ làm chuẩn xác. 

Tôi phụ trách quét dọn hành lang ngày hôm nay, cố gắng né những chiếc xe đẩy đang quay trở lại điểm xuất phát, còn lũ trẻ như đang trong cuộc đua lau sàn bằng giẻ. Ai cũng có vai trò trong việc dọn dẹp. Khi tất cả hoàn thành, chúng trở lại lớp, tổ chức cuộc họp ngắn để đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ trong ngày. Chỉ sau bước này, chúng mới thật sự nghỉ ngơi trước khi quay lại giờ học buổi chiều.

Trải qua từ đầu đến cuối một bữa trưa tại trường tiểu học trên đất nước này, tôi hiểu tại sao đây được xem là mô hình thu nhỏ hoàn hảo của văn hóa Nhật Bản.

                                                                                                        Theo VNExpress