Nghiện game còn thể hiện qua việc trẻ coi trọng việc chơi game hơn tất cả những việc khác trong cuộc sống (làm thay đổi các thói quen lành mạnh: ăn, tắm rửa, thể thao…). Bất chấp hậu quả tiêu cực xảy đến, game vẫn trở thành thứ tiên quyết trong cuộc sống của trẻ (cha mẹ có thể nhận biết: chơi game có ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ giữa trẻ và bố mẹ, anh chị em và những người thân trong gia đình?; trẻ chơi game có thay đổi khí sắc không?)
Được coi là nghiện game khi những hành vi kể trên là yếu tố gây ra những hậu quả tiêu cực xảy đến cuộc sống cá nhân, gia đình, học tập hay những yếu tố quan trọng khác trong cuộc sống của trẻ.
Theo thạc sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết hậu quả nặng nề nhất mà trẻ nghiện game phải gánh chịu có thể kể đến là rối loạn về tâm lý.Cần tạo cho trẻ không gian, thời gian hoạt động tích cực để tránh nghiện game
Khi nghiện game, trẻ chơi liên tục bất kể giờ giấc nên cuộc sống hằng ngày bị ảnh hưởng, trẻ không còn hứng thú học tập và với những hoạt động như trước kia vẫn thích. Trẻ có thể mắc các chứng trầm cảm, lo âu, mất tự tin, dễ bị kích động…
Bên cạnh đó, trẻ nghiện game còn có một số biểu hiện khác như rối loạn giấc ngủ. Nguyên nhân của tình trạng này là do não trẻ bị kích thích bởi những ám ảnh khi chơi game, đặc biệt là trò chơi bạo lực. Điều này rất có hại với sức khỏe và não bộ dẫn đến cơ thể dễ bị suy nhược, không tập trung.
Tình trạng trên nếu kéo dài thường xuyên sẽ gây suy giảm tế bào thần kinh, giảm trí nhớ dẫn đến làm tổn thương thần kinh. Đau đầu cũng là hậu quả do nghiện game. Nguyên nhân của tình trạng này là do trẻ tập trung chơi và phải nhìn vào màn hình quá lâu.
Các bác sĩ cũng cho biết, không những sức khỏe thể chất bị tàn phá nghiêm trọng, trẻ nghiện game còn gánh chịu những hậu quả khôn lường về mặt tinh thần. Trẻ ít tham gia vào hoạt động xã hội, không giao tiếp với mọi người dẫn đến bị cô lập và cảm thấy cô đơn, mất bạn bè. Trẻ học giảm sút, chán học, bỏ học và thậm chí trẻ có thể bị lưu ban, bị đuổi học.
Ngoài ra, trẻ nghiện game dễ bị rối loạn tâm sinh lý, một phần do hưng phấn hoặc tiêu cực quá mức khi chơi game, một phần do bị ảnh hưởng bởi tính cách của các nhân vật trong game, nên dễ dẫn đến các hành vi sai trái, bạo lực. Trẻ đam mê chơi trò chơi bạo lực thường bị ảnh hưởng bởi những những hình ảnh này và trở nên hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời.
Bên cạnh đó, nghiện game khiến trẻ còn có thể mắc phải chứng khô mắt, đỏ mắt, đau lưng, đau tay, đau cổ do phải ngồi quá lâu ở một tư thế.
Các chuyên gia chia sẻ, ngay khi nhận biết các dấu hiệu trẻ mắc chứng nghiện game, cha mẹ cần cho trẻ đến y tế chuyên khoa để được can thiệp, điều trị nhưng tốt nhất vẫn là ngăn chặn nghiện game bằng cách tạo không gian, thời gian cho trẻ tham gia hoạt động thể chất tích cực hằng ngày.
Theo
Tuổi Trẻ