Ái Vân (phải) và một người bạn.
"Lần đầu tiên tôi đến Đức là vào năm 1973,trong danh sách Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Liên hoan Thanh niên, Sinh viên thế giới tổ chức tại Berlin. Việt Nam vừa ký hiệp định Paris,đi đến đâu bạn bè quốc tế cũng hô vang "Việt Nam,Việt Nam".Oách vô cùng.
Những lần sau trở lại Đức đi thi nhạc nhẹ quốc tế, được giải, đi làm giám khảo quốc tế, đi biểu diễn.... cũng vẫn oách, nhưng kém hơn một chút so với lần đầu.Rồi bức tường Berlin sụp đổ, từng dòng người đủ các sắc dân những nước nghèo gồm cả người Việt Nam ta chạy sang phía Tây Đức,trong đó có tôi.
Một cuộc sống mới bắt đầu, xa lạ,không quá khứ, chẳng tương lai,chỉ có hiện tại,vô danh và lặng lẽ như bất cứ a, b, c, d...nào khác,và tất nhiên, làm gì còn chữ "oách" trong bộ nhớ nữa.
Đó là tháng hai năm 1990! Cuộc sống mới của tôi bắt đầu bằng việc xếp hàng lĩnh đồ ăn ngày 3 bữa trong trại, là mỗi đầu tháng tới Sở Ngoại kiều lấy số lĩnh tiền trợ cấp, là thường xuyên vi phạm nội quy cấm ra khỏi Berlin trong phạm vi 30 km để sang Paris hay nhiều nơi khác đi chơi và chụp ảnh kỷ niệm.
Người sang Đức đủ mọi thành phần trí thức,công nhân,tiểu thương,kỹ sư,văn nghệ sĩ... nhưng bắt đầu cuộc sống thì như nhau,ai cũng phải cố gắng.Bằng sự đối xử nhân đạo và tiếp nhận những phận đời như chúng tôi, nước Đức đã đón và trao cho chúng tôi cơ hội để làm lại từ đầu, để đứng thẳng người và nếu chăm chỉ, lương thiện và may mắn, cơ hội để được nghĩ đến chữ "oách" có thể không quá xa.
Đã tròn 25 năm kể từ ngày chọn cuộc sống ngoài Việt Nam,giờ tôi đã có một gia đình nhỏ yên bình và hạnh phúc.Nghĩ về nước Đức, tôi muốn nói lên hai chữ "cảm ơn".
Theo VnExpress