Diễn viên, người mẫu Nhật Bản, 23 tuổi, Ayaka Miyoshi tham gia một chương trình trên đài NTV của Nhật hôm đầu tháng Hai cho biết, cô và người cha 47 tuổi rất gần gũi, tình cảm với nhau. Hai cha con vẫn tắm chung cho tới khi cô lên trung học.
|
Văn hóa tắm chung với bố mẹ của người Nhật Bản có nguồn gốc từ xa xưa. Ảnh:Japan Today. |
Câu chuyện của nữ diễn viên kể trên sóng truyền hình đã dấy lên nhiều luồng ý kiến, đặc biệt là với khán giả nước ngoài. Trên trang Sinchew (Malaysia), hầu hết độc giả cho rằng điều này "khó mà có thể chấp nhận được".
Tuy nhiên, Ayaka Miyoshi không phải là trường hợp hiếm hoi ở Nhật Bản. Trong một show truyền hình năm 2019, nữ ca sĩ, diễn viên Kitami Naomi cũng cho biết cô vẫn duy trì thói quen tắm với bố và các anh trai lớn. Cô thậm chí đồng ý cho phép chương trình ghi hình cảnh gia đình họ tắm chung. Khi chương trình lên sóng, nhiều khán giả ngoại quốc đã nói rằng họ "không thể tin nổi điều này".
Trên thực tế, văn hóa tắm chung với bố mẹ của người Nhật Bản có nguồn gốc từ xa xưa, dù điều này có vẻ "nghịch tai" ở nhiều quốc gia khác. Theo tờ Japan Today, ở nhiều gia đình Nhật, con cái tắm chung với bố mẹ từ nhỏ, rồi kéo dài thói quen này tới tuổi thành niên.
Một cuộc khảo sát tại Nhật Bản năm 2015 với câu hỏi: Bạn có còn tiếp tục tắm chung với bố khi đã ở độ tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông hay không? Hơn 300 cô gái trong độ tuổi 20 và 30 đã tham gia trả lời. Kết quả là hơn 10% người thuộc cả hai nhóm tuổi "vẫn dùng chung bồn tắm khi học trung học cơ sở". Tới bậc trung học phổ thông, tỷ lệ này giảm gần một nửa với nhóm phụ nữ ở độ tuổi 30. Khoảng 9,5% nữ ở độ tuổi 20 nói rằng họ vẫn duy trì thói quen này khi học trung học phổ thông.
Khảo sát khác tại một trường nam sinh tư thục bậc trung học cơ sở cho thấy, một nửa số người tham gia khảo sát "vẫn tắm chung với bố mẹ". Điều đặc biệt, những học sinh này có xu hướng đạt điểm cao hơn các học sinh còn lại. Đây được giải thích là hiệu ứng của "skinship" - một thuật ngữ của Nhật Bản mô tả những tiếp xúc gần gũi về mặt thân thể.
Với các quốc gia khác, cha mẹ tắm với con cái khi đứa trẻ đã lớn và có tính dục là một điều hiếm thấy. Thậm chí điều này có thể dẫn tới bị kết tội lạm dụng tình dục hay vi phạm đạo đức.
Nhưng ở các nền văn hóa khác nhau, các chuẩn mực xã hội là khác nhau. Người Nhật nói chung, phụ nữ Nhật nói riêng cảm thấy rằng tắm chung với người khác giới trong gia đình không phải là điều gì đó đáng xấu hổ. Thêm vào đó, tại Nhật, tắm là một phần quan trọng của văn hóa, không đơn thuần là một hoạt động sống.
|
Người Nhật Bản hiện nay vẫn giữ quan điểm rằng tắm cùng nhau là cách để bày tỏ tình yêu thương. Ảnh:Japan Today. |
Tại các nhà tắm công cộng hoặc suối nước nóng, người khác giới tắm chung là chuyện bình thường. Điều này, hoàn toàn không liên quan đến tình dục. Thêm vào đó, theo một số lý giải, mối quan hệ cha mẹ - con cái là một quan hệ thuần khiết. Con cái cảm thấy thoải mái khi tắm chung với cha mẹ bởi cảm nhận sự an toàn tuyệt đối. Việc tắm chung cho họ thời gian trò chuyện, giao tiếp với nhau sau một ngày bận rộn. Nhiều người Nhật Bản hiện nay vẫn giữ quan điểm rằng tắm cùng nhau là cách để bày tỏ tình yêu thương dành cho "máu mủ ruột già".
Trong một chương trình truyền hình của Nhật Bản, một cô gái đã kết hôn trở về nhà thăm bố mẹ và vẫn tắm với bố. Về việc này, người chồng cho biết anh ta "không bận tâm".
Tuy nhiên, người trẻ Nhật Bản ngày nay có quan niệm khác. Theo trang Allabout, nhiều người Nhật hiện nay dừng cho trẻ tắm chung với bố mẹ sau khi trẻ vào tiểu học, trung bình ở độ tuổi 7-9. Nhiều người khuyến khích con nhỏ mặc đồ tắm thay vì không mặc gì trước mặt bố mẹ.
Theo vnexpress