Huế - Tỏa sáng miền di sản” sẽ là điểm nhấn cho những giá trị di sản,
văn hóa nghệ thuật của kỳ Festival lần này
Nhiều chương trình được xã hội hóa
“Huế - Tỏa sáng miền di sản” là chủ đề của chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Huế 2018 diễn ra vào tối 27.4.
Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đứng ra tổ chức chương trình nghệ thuật “Nguồn cội”, tưởng nhớ 17 năm nhạc sĩ Trịnh rời cõi tạm. Không gian công viên Phu Văn Lâu với quy mô dành cho khoảng 20.000 khán giả hứa hẹn một đêm đầy cảm xúc với trở về “Nguồn cội” của Trịnh. Các tác phẩm của Trịnh Công Sơn sẽ được gửi đến công chúng qua giọng ca Hồng Nhung, Lệ Quyên, Đức Tuấn, Ngọc Mai… cùng nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, con gái An Trần, nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh… với 13 đoản khúc được tóm gọn trong chữ “Thiền”.
Ông Huỳnh Tiến Đạt - Phó Trưởng BTC Festival Huế 2018 cho biết, các chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn tại các kỳ Festival Huế đều đón nhận sự hưởng ứng, tham gia của rất đông khán giả, được tổ chức theo hình thức xã hội hóa. “Từ bài học của Festival Huế 2016, năm nay BTC đã làm việc rất kỹ với đơn vị tổ chức đêm nhạc và lực lượng an ninh nhằm có sự phối hợp chặt chẽ, có phương án kịch bản phù hợp, phân luồng khán giả, tránh những hình ảnh lộn xộn và mất trật tự. Vé được phát miễn phí trước một tuần diễn ra sự kiện. Trước chương trình BTC sẽ mở cửa từ 17 giờ để người hâm mộ nhạc Trịnh có cơ hội giao lưu, tham gia vào các hoạt động âm nhạc cộng đồng”.
Một lễ hội của Phật giáo với chủ đề “Tỏa sáng niềm tin” sẽ được tổ chức tại công viên cầu Dã Viên, ven sông Hương vào tối 1.5.2018, có hai phần chính: Biểu diễn nghệ thuật âm nhạc và múa của Phật giáo; cùng lễ cầu nguyện Quốc thái dân an.
Hòa thượng Thích Huệ Phước - Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh - cho biết, điểm nhấn của chương trình là biểu diễn nghệ thuật thắp ánh sáng với hình thức thủ công. Nhiều tăng ni, phật tử sẽ xếp hàng và truyền tay nhau những ngọn đèn này từ phía lễ đài chính xuống đến bờ sông Hương để thả đèn. Chương trình sẽ thắp sáng và thả xuống sông Hương khoảng 30.000 ngọn đèn, mang ý nghĩa mong muốn đưa ánh sáng của nhà Phật đến với mọi người, đó là ánh sáng của tuệ giác. Nơi nào có ánh sáng tuệ giác thì nơi đó có hạnh phúc, có tình yêu thương…
Di sản Huế tỏa sáng cùng di sản dân tộc
Ông Huỳnh Tiến Đạt, cho biết, với Festival Huế 2018, ngành du lịch Cố đô đã sẵn sàng đón khách. 11 sân khấu của các chương trình nghệ thuật tại Festival đã được hoàn thiện, trong đó không gian biểu diễn chính vẫn là khu vực di sản Hoàng cung Huế và trung tâm TP.Huế. Sẽ có khoảng 2.000 nghệ sĩ của các nhà hát và đoàn nghệ thuật trong nước và gần 380 nghệ sĩ đến từ 19 nước quốc tế biểu diễn trong chuỗi ngày diễn ra Festival Huế. “Trong đó, khán đài của sân khấu khai mạc ở Quảng trường Ngọ Môn có sức chứa 6.000 người, đồng thời BTC cũng sẽ lắp thêm các màn hình Led gần hai bên sân khấu chính để phục vụ thêm khoảng 4.000 khán giả theo dõi. Tiếp đó, sân khấu của chương trình nghệ thuật “Âm vọng sông Hương” ở bãi bồi ven đường Trịnh Công Sơn cũng được thiết kế với sức chứa hơn 3.000 khán giả… - ông Đạt cho hay.
Sân khấu đêm khai mạc lấy hậu cảnh là di tích Kỳ đài Huế, được xây dựng với 4 tầng diễn, mà điểm nhấn là hình ảnh mô phỏng di tích nhà hát Duyệt Thị Đường dưới triều Nguyễn. NSND Nguyễn Ngọc Bình - Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế, Tổng đạo diễn của chương trình - cho hay, năm nay xây dựng nghệ thuật theo hướng “di sản Huế tỏa sáng cùng di sản dân tộc”. Chính vì thế chủ đề của đêm khai mạc là “Huế - Tỏa sáng miền di sản” nhấn mạnh những giá trị di sản, văn hóa nghệ thuật độc đáo. “Có 12 tiết mục trong đêm khai mạc, trong đó chuyển tải 3 nội dung giới thiệu di sản Huế, với chất liệu nghệ thuật truyền thống của xứ Huế được xây dựng và phát triển mới; kết nối nghệ thuật của ba miền Bắc- Trung- Nam; và kết nối, giao lưu giữa nghệ thuật Việt Nam và quốc tế”.
Theo Lao động