Học sinh trường George tại Mai Châu (Hòa Bình) tháng 6/2019.

Hơn 20 năm nay, kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, ngôi trường hơn 100 năm tuổi George School đã bắt đầu đưa những sứ giả hòa bình, hữu nghị, là những đoàn giáo viên, học sinh tới Việt Nam giao lưu. Nhiều thế hệ học sinh của Trường đã được biết tới đất nước, con người Việt Nam một cách toàn diện, sâu sắc nhờ hoạt động truyền thống này.

Tháng 6/2019, tiếp bước các đàn anh, đàn chị của mình, 11 học sinh trường George đã có một hành trình đáng nhớ trải nghiệm Việt Nam trong 12 ngày. Tạm biệt đất nước hình chữ S, hành trang mang về quê hương của những "đại sứ" trẻ là những chiếc va-li đầy ắp những món quà, bưu thiếp và những trái tim đong đầy kỷ niệm đẹp...

Tuổi trẻ và những trải nghiệm "xanh"

Đoàn học sinh George hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào một ngày tháng 6 oi ả. Ngay sau đó, chuyến hành trình đến với bản Pom Cọong (Mai Châu, Hòa Bình) đã mang đến cho họ cảm giác dịu mát, êm ả giữa mùa hè nhiệt đới.

"Phong cảnh tuyệt đẹp, người dân thân thiện, những món ăn ngon, mọi thứ còn hơn cả những gì tôi mong đợi", Isabel Daly, nữ sinh 17 tuổi hào hứng chia sẻ. Với Isabel, ở nhà sàn là một trải nghiệm thực sự khó quên, nhất là khi mỗi sáng thức dậy được ngắm trọn một "bức tranh" xanh ngát qua khung cửa, có cỏ cây, lá hoa và mặt trời lên lững lờ trên đỉnh đồi.

Isabel (áo tím) và các bạn đạp xe khám phá bản Pom Cọong.

Những ngày ở Mai Châu của Isabel và các bạn cũng gắn với những vòng xe đạp bon bon qua những con đường hai bên là đồng ruộng xanh thắm, suối reo rì rào, cỏ lau phất phơ. Cô gái trẻ đã không bỏ lỡ cơ hội để lưu lại những khuôn hình đẹp mà mình bắt gặp trong suốt chuyến đi, bằng cả máy ảnh và điện thoại để chia sẻ với người thân, bè bạn ở Mỹ.

Không chỉ ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên Mai Châu, nét văn hóa độc đáo nơi đây cũng khiến Isabel vô cùng thích thú. Đó là những điệu múa xòe duyên dáng, những tấm thổ cẩm rực rỡ, hương vị ngọt lành của món bánh chuối mộc mạc, đặc sản của núi rừng.

Đoàn học sinh chụp hình kỷ niệm trước nhà sàn.

Những ngày ở bản Pom Cọong là những ngày 11 học sinh trường George thực sự hòa mình vào cuộc sống nơi đây. Họ đã không chỉ "cùng ăn, cùng ở" với người dân địa phương, mà còn chung tay góp sức lao động để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản làng.

Từ làm cỏ, thu gom rác cho đến trộn vôi, vữa, phụ người dân xây công trình công cộng, 11 cô, cậu học trò không ngại ngần một việc gì. Họ thậm chí còn rất thích thú khi được làm việc nhóm, rèn luyện tinh thần đồng đội ở một môi trường mới. Những giọt mồ hôi, những khó khăn ban đầu do chưa quen việc không hề làm họ chùn bước.

Là người dẫn dắt đoàn học sinh trong chuyến thăm Việt Nam lần này, thầy Steven Fletcher chia sẻ:

“Tôi nghĩ rằng, tình nguyện là công cụ để chúng tôi hiểu thêm về những người bạn của mình. Chúng tôi tới đây để tìm hiểu về Việt Nam và vun đắp tình hữu nghị. Phục vụ cộng đồng là một trong nhiều cách chúng tôi có thể làm để tạo nên sự gắn kết này."

Cần mẫn với lao động tình nguyện.

Từng dẫn nhiều đoàn học sinh tham gia giao lưu văn hóa tại các quốc gia khác nhau, song đây là lần đầu tiên Steven tới Việt Nam. Nói về những ngày ở Mai Châu, anh cho biết:

"Con người ở đây thật thân thiện, hiếu khách. Đặc biệt, họ luôn trân trọng công sức của chúng tôi. Rất hồ hởi, niềm nở, không một ai khiến chúng tôi cảm thấy mình là gánh nặng, cản trở công việc, cuộc sống thường nhật của họ."

Ăn "cơm nhà" trên đất lạ

Sau những ngày ở Mai Châu, đoàn học sinh trở về Hà Nội, và tiếp tục trải nghiệm homestay tại đây. Với cậu học sinh Walter Wagunde, đây là lần đầu tiên ở homestay giữa một nền văn hóa hoàn toàn mới mẻ, khác lạ.

"Khoảnh khắc bước vào nhà, tôi đã có cảm giác vô cùng dễ chịu bởi sự niềm nở của mọi người. Không khí ấm áp đó khiến tôi thấy như đang ở nhà mình, dù là lần đầu tiên tới đây", Walter chia sẻ về ấn tượng ban đầu.

Buổi tối hôm ấy thật đáng nhớ khi Walter và người bạn đồng hành của mình, Roberto, được vào bếp học cách chế biến một món ăn truyền thống Việt Nam từng được CNN Travel ca ngợi: Nem.

(Từ phải qua) Walter và Roberto học gói nem.

Với Walter và Roberto, việc quan sát, học hỏi và tự tay làm ra đặc sản nổi tiếng thế giới thật đặc biệt. Mỗi chiếc cuốn nhỏ nhắn chứa bên trong biết bao nguyên liệu, từ miến, cà rốt, nấm hương, hành tây, thịt, trứng. Nhìn thì dễ, song để làm nên những chiếc nem xinh xinh ấy lại là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, Walter kể.

Dưới sự hướng dẫn kĩ càng và động viên tận tình của những thành viên trong ngôi nhà homestay, hai cậu học sinh hiếm có dịp vào bếp cuối cùng cũng đã hoàn thành những "tác phẩm" đầu tay của mình, tuy chưa được “đều tay” cho lắm.

Trải nghiệm "cơm nhà" ở Việt Nam với những học sinh Mỹ cũng thật khó quên. Bên cạnh chút bối rối khi lần đầu cầm đũa, thì điều làm Walter ấn tượng nhất chính là hình ảnh nhiều thế hệ cùng quây quần bên mâm cơm. Mọi người vừa ăn vừa chuyện trò thân tình, cùng chia sẻ thức ăn từ một bát/đĩa lớn, và thậm chí còn lấy đồ ăn cho nhau. "Đây là điều rất khác so với ở Mỹ, nơi mà các thành viên trong gia đình thường "tự phục vụ" khi ăn uống, và nhiều khi cũng không ngồi ăn cùng nhau", Walter kể.

Bữa cơm gia đình của người Việt là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ với Walter.

Không vô tư như Walter, Isabel bắt đầu trải nghiệm homestay với ít nhiều lo lắng. Từng có kinh nghiệm làm “chủ nhà” đón tiếp các bạn học sinh Trung Quốc, Pháp, song Isabel chưa từng được "làm khách" bao giờ, nên cô khá băn khoăn về chuyện "nhập gia tùy tục" ở môi trường mới.

Thế nhưng, sự nồng hậu, nhiệt tình của những thành viên gia đình homestay đã nhanh chóng xóa tan cảm giác lo lắng của cô gái 17 tuổi. Với tính cách cởi mở, hòa đồng, Isabel chẳng mấy chốc đã trở nên thân thiết với mọi người, nhất là cô con gái 18 tuổi trong gia đình. Cùng trang lứa, nên họ có vô số điều để chia sẻ, đặc biệt là chuyện học hành, khi cả hai đều là học sinh trường quốc tế, ít nhiều có những điểm tương đồng về chương trình học.

Bên cạnh những giờ phút chuyện trò vui vẻ, Isabel còn được gia đình homestay đưa đi dạo chơi, tham quan Hồ Tây, Hồ Gươm, xem biểu diễn nghệ thuật trên phố đi bộ tối cuối tuần...như một người Hà Nội đích thực.

Isabel (phải) rất yêu mến gia đình homestay của mình.

“Tuy thời gian bên nhau chỉ vài ngày, nhưng tôi có cảm giác như đã quen thân nhiều năm rồi, điều đó thật tuyệt vời” Isabel kể, và phấn khởi chia sẻ, cô và những người bạn Việt Nam dễ mến đã lưu lại số liên lạc của nhau và chắc chắn sẽ giữ kết nối từ hai nửa địa cầu.

"Nếu có dịp trải nghiệm homestay ở Việt Nam thêm lần nữa, tôi thực sự mong khoảng thời gian ấy sẽ dài hơn", Isabel lưu luyến chia sẻ.

 Trường George thiết lập quan hệ với Hội Việt-Mỹ năm 1995, và cử đoàn đầu tiên thăm Việt Nam tháng 6/1996. Đây là cơ sở giáo dục đầu tiên tại Mỹ thăm Việt Nam qua kênh Hội Việt-Mỹ/Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, kết hợp thực hiện chương trình lao động tình nguyện, tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam qua tham quan và chương trình “ở nhà dân” (homestay).

Thông qua các chuyến thăm Việt Nam, Nhà trường đã quyên góp ủng hộ khoảng 150kg thuốc men, dụng cụ, vật phẩm y tế cho Bệnh viện E (năm 1998) và 80kg cho bệnh viện Xanh Pôn (2009) trị giá khoảng 50.000USD, tham gia lao động tình nguyện và ủng hộ các cơ sở nhân đạo, trị giá khoảng hơn 30.000USD.

11 học sinh trong đoàn trường George tới Việt Nam hè 2019 đều là những bạn trẻ năng động, hăng hái trong hoạt động cộng đồng, giao lưu văn hóa. Để trở thành những Đại sứ hữu nghị đại diện cho ngôi trường có hơn 100 năm lịch sử, các học sinh đã trải qua vòng tuyển lựa nghiêm túc, trong đó có yêu cầu viết bài luận thể hiện suy nghĩ về tầm quan trọng của giao lưu văn hóa và hoạt động cộng đồng.

Theo thoidai